Thời gian vừa qua, văn phòng công chứng Thiên Nhất (Ninh Ba, Trung Quốc) đã ghi nhận một hợp đồng công chứng khiến cho những người làm tại đây không khỏi suy ngẫm.
Theo đó, hai nhân viên là Trần Việt và Mã Bảo Phong đã nhận làm công chứng hợp đồng cho vay thế chấp bất động sản, nhưng chủ nợ và con nợ lại là một cặp vợ chồng đã có với nhau tới 2 người con.
Cho vợ kết hôn với đồng nghiệp vì muốn sinh thêm con
Đó là cặp vợ chồng Chu Cường và Tiết Tâm (tên nhân vật đã được thay đổi). Cách đây vài ngày, hai người này cùng nhau đến phòng công chứng Thiên Nhất. Trao đổi với nhân viên ở đây, Tiết Tâm nói:
"Tôi muốn mượn anh ấy 150 vạn NDT (tương đương 5 tỷ VNĐ), dùng căn phòng của tôi ở Ngân Châu để thế chấp, phiền anh công chứng giúp tôi".
Khi nhân viên công chứng theo thông lệ, tiến hành hỏi khách hàng về tình hình hôn nhân hiện tại, chị Tiết nói mình đã ly hôn. Mở giấy chứng nhận ly hôn ra xem, họ không khỏi ngạc nhiên khi ảnh người chồng trên đó chính là Chu Cường.
Chia sẻ về tình huống trớ trêu này, anh Chu Cường nghẹn ngào nói: "Tôi với vợ vốn là ly hôn giả, không ngờ giờ thành ly hôn thật rồi!"
Theo thông tin được nhân vật chính cung cấp, Chu Cường và Tiết Tâm đều là người gốc Ninh Ba. Năm 2009, chị Tiết mang thai người con thứ hai, nhưng chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc khi ấy lại chỉ cho phép sinh một con.
Bấy giờ, anh Chu liền nghĩ ra cách hai vợ chồng giả vờ ly hôn, sau đó vợ anh sẽ kết hôn giả với đồng nghiệp. Sau khi sinh con xong, chị Tiết sẽ ly hôn với đồng nghiệp rồi tái hôn cùng anh.
Thấy kế hoạch có phần khả quan, hai vợ chồng không ngần ngại tiến hành. Lúc đầu, sự việc diễn ra rất thuận lợi, Chu Cường và Tiết Tâm thậm chí còn ký thỏa thuận ly hôn, chia tài sản và quyền nuôi con để tăng tính chân thật.
Vì muốn "lách luật" để sinh thêm con, anh Chu đã đồng ý cho người vợ đang mang thai giả vờ ly hôn để lấy đồng nghiệp của anh. (Ảnh minh họa).
Ly hôn giả và kết cục "mất cả chì lẫn chài"
Vào năm 2010, chị Tiết hạ sinh người con thứ hai. Sau khi làm giấy khai sinh, chị thực hiện đúng như kế hoạch, ly hôn cùng đồng nghiệp và tái hôn với Chu Cường. Như vậy, cuộc sống hôn nhân giả này chỉ kéo dài vẻn vẹn 3 tháng.
"Lúc Tiết Tâm ở cữ, tôi mượn bố mẹ 200 vạn NDT tiền đền bù giải phóng mặt bằng (gần 6,6 tỷ VNĐ) và toàn bộ số tiền tiết kiệm của ông bà để mua nhà cho cô ấy, tổng cộng hết 280 vạn NDT (xấp xỉ 9 tỷ VNĐ).
Nhưng vào thời điểm mua nhà, cô ấy vẫn đang ở cữ, không tiện làm thủ tục tái hôn. Tôi nghĩ khi đó vẫn đang trong thời gian giả vờ ly hôn nên mua nhà cũng đứng tên cô ấy" - Anh Chu cho biết.
Nhưng thủ tục đã xong xuôi, con cũng ngày một lớn lên, Tiết Tâm lại từ chối tái hôn cùng Chu Cường với thái độ ngày một kiên quyết. Nói tới đây, anh Chu không khỏi rơi nước mắt:
"Toàn bộ tài sản của tôi đều đưa cho cô ấy, mua nhà cũng đứng tên cô ấy, quyền nuôi con cũng giao cho cô ấy luôn. Giờ đây tôi cái gì cũng không có, không nhà, không vợ, không con…"
Chu Cường từng nhiều lần tới tìm Tiết Tâm để thu hồi lại quyền sở hữu nhà đất nhưng đều bị người "vợ cũ" này từ chối. Sau nhiều lần thỏa thuận bất thành, anh Chu liền đề nghị:
"Chúng ta đi công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản, số tiền 280 vạn NDT này anh cho em và con 130 vạn, còn lại 150 vạn anh cho em vay, em thế chấp nhà cho anh".
Lúc bấy giờ Tiết Tâm mới đồng ý và cùng anh tới văn phòng công chứng. Khi được nhân viên hỏi về lãi suất và kỳ hạn hợp đồng, anh Chu lắc đầu:
"Tôi không lấy lãi, thời hạn cho vay là 8 năm. Lúc ấy con tôi cũng lớn rồi, nếu cô ấy trả lại tiền, tôi sẽ cho con. Nếu cô ấy không trả lại,tôi sẽ dùng tới giấy công chứng để đảm bảo quyền lợi cho con tôi.
Tôi làm thế vì hy vọng khi con lớn lên sẽ hiểu được cha nó luôn yêu thương nó. Còn lại, tôi chỉ hy vọng cô ấy sẽ không tự ý bán nhà. Xong xuôi thủ tục này chúng tôi sẽ đi làm một số cam kết khác để đảm bảo cô ấy không thể bán nhà."
Sau khi ký hợp đồng cho vay thế chấp bất động sản, Chu Cường và Tiết Tâm nhanh chóng rời đi. Nhưng câu chuyện của họ để lại nhiều nỗi niềm trong lòng những người làm công chứng tại đó.
Ly hôn giả biến thành ly hôn thật, Chu Cường ngậm ngùi chịu "cái kết đắng" khi mất cả vợ, cả nhà và cả các con. (Tranh minh họa).
Quy định của pháp luật về "ly hôn giả"
Trường hợp của Chu Cường và Tiết Tâm được coi là một trong những câu chuyện trớ trêu về thực trạng "ly hôn giả" đang xảy ra ngày càng nhiều tại Trung Quốc.
"Ly hôn giả" thực chất chỉ là tên gọi mà người dân thường dùng. Trên thực tế, pháp luật nước này không có quy định về vấn đề trên.
Dù gọi là "giả", nhưng xét trên phương diện luật pháp, nếu các cặp vợ chồng thực hiện đầy đủ thủ tục cần thiết thì đó chính là "ly hôn thật".
Những người làm trong ngành công chứng tại nước này cho biết, họ thường xuyên gặp các cặp vợ chồng giả vờ ly hôn để lách luật nhằm sinh con thứ hai, mua nhà, tránh thuế... Nhưng không ít trong số đó đều "chữ lợn lành thành lợn què", từ ly hôn giả mà thành ly hôn thật.
"Ly hôn giả" nhưng về mặt pháp luật, đó chính là "độc thân thật", các ràng buộc về nghĩa vụ vợ chồng cũng theo đó mà biến mất. Bởi lẽ, việc hôn nhân vốn không nên mang ra làm trò đùa hoặc dùng với những mục đích trái pháp luật.