Bầu Đức "vặc" dư luận vì Công Phượng: Kẻ ăn rươi, người chịu bão

Tâm Anh |

Phải chăng chỉ có bầu Đức là "yêu" Công Phượng, còn dư luận thiếu công tâm, chỉ rình rập để chỉ trích, vùi dập "thằng nhỏ" của đại gia phố Núi, bất chấp những đóng góp cho quốc gia?

1. "Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mùng năm" là câu thành ngữ dân gian nói về mùa rươi nổi. Đang mùa rươi, người ăn rươi thì nhiều, nhưng để hiểu đúng câu "Kẻ ăn rươi, người chịu bão" thì không phải ai cũng biết ngọn ngành. Người ta hay lờ mờ hiểu rằng nó giống câu "Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ", cũng có luồng ý kiến cho rằng ý nghĩa tương tự "Ngồi mát ăn bát vàng".

Thật ra, không có suy đoán nào ở trên là đúng cả. "Bão" vốn là từ cổ của "đau". Mùa rươi cũng là khoảng thời gian chuyển mùa, cứ người trẻ bị bệnh xương khớp và người già đau xương cốt là ngày mai rươi nổi. Nó như một mối quan hệ biện chứng, song hành và mặc nhiên, phản ánh hiện tượng tự nhiên, gắn liền với con người.

Mối quan hệ giữa "ông bầu" Đoàn Nguyên Đức và Công Phượng, để phản ánh chính xác nhất, phải dùng đến câu thành ngữ ấy - "Kẻ ăn rươi, người chịu bão". Khi phát ngôn: "...tất cả những chỉ trích chỉ nhằm vào thằng nhỏ, chỉ trích mình thằng nhỏ là quá bất công", chắc hẳn bầu Đức không nghĩ rằng những chỉ trích ấy, Công Phượng vì ông mà nhận, và ông chính là "kẻ ăn rươi", còn Công Phượng là "người chịu bão".

Bầu Đức vặc dư luận vì Công Phượng: Kẻ ăn rươi, người chịu bão - Ảnh 1.

Công Phượng là một viên ngọc quý của bóng đá Việt Nam, điều ấy là hẳn nhiên. Nhưng dù có quý đến mấy, mà không được mài giũa kỹ càng dưới bàn tay của nghệ nhân, thì cũng chỉ là một viên ngọc thô, kém đi rất nhiều giá trị.

Công Phượng từng được một "nghệ nhân" đúng nghĩa mài giũa, ở thời điểm "viên ngọc" này cần được "cắt gọt" nhất. Ấy là HLV Miura. Lối chơi bóng kỹ thuật nhưng hồn nhiên, lắt léo nhưng quá cá nhân của tiền đạo HAGL được triết lý "fast&simple" - nhanh & đơn giản của HLV người Nhật rèn giũa đang ngày càng tròn trịa, thì bầu Đức ra tay, và ông Miura mất việc.

Bầu Đức vặc dư luận vì Công Phượng: Kẻ ăn rươi, người chịu bão - Ảnh 2.

Ngang trái, là bầu Đức luôn nghĩ rằng việc "đá đít" ông thầy người Nhật để đưa HLV Hữu Thắng lên chiếc ghế HLV là để Công Phượng, cũng như các cầu thủ lứa U19 của HAGL tỏa sáng, nhưng thực tế chứng minh điều ngược lại.

Sir Alex Ferguson - HLV vĩ đại của Manchester United đã từng nói: "Một công nhân tồi làm hỏng một sản phẩm, nhưng một người thầy tồi có thể làm hư cả một thế hệ". Bầu Đức đã tìm cho lứa "con cưng" của mình một người thầy tồi - Hữu Thắng, và thất bại của HLV xứ Nghệ không chỉ hại bóng đá Việt Nam 2 năm qua đâu, mà hậu quả của nó còn to lớn hơn thế nhiều.

Bầu Đức vặc dư luận vì Công Phượng: Kẻ ăn rươi, người chịu bão - Ảnh 3.

Hữu Thắng ngồi lên ghế HLV trưởng, các cầu thủ trẻ của HAGL đương nhiên được gọi tập trung lên U23, lên tuyển quốc gia. Khi Hữu Thắng "thanh lý môn hộ" xong Anh Đức, Công Phượng đương nhiên là lựa chọn số 1 trên hàng công, và điều ấy hại Phượng, hơn là giúp cầu thủ trẻ này tiến bộ. Một cầu thủ trẻ, không có cạnh tranh và được cưng chiều hết mực, Phượng không "hư" mới là chuyện đáng ngạc nhiên.

2. Nói đến bầu Đức, có lẽ thứ mà người yêu bóng đá Việt Nam nhớ nhất ở thời điểm hiện tại là biệt danh "Đức nổ". Chẳng phải mọi người ác ý, mà nó đến từ chính phát ngôn của ông bầu này: "Nếu lứa cầu thủ U19 với nòng cốt là quân HAGL không vô địch SEA Games, hãy gọi tôi là Đức nổ".

Câu nói từng gây sốc ấy làm người ta đặt thêm kỳ vọng vào lứa cầu thủ với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... mà quên mất rằng bầu Đức dù thân có là phó chủ tịch VFF, nhưng nào phải là "ông chủ" của bóng đá Việt Nam, và ai cho phép một "ông bầu" quyết định sự thành bại của cả một nền bóng đá bằng cách dùng quân của mình?

Bầu Đức vặc dư luận vì Công Phượng: Kẻ ăn rươi, người chịu bão - Ảnh 4.

Thất bại thảm hại suốt 2 năm trời qua của ĐTQG và U23 Việt Nam dưới tay HLV Hữu Thắng, và đằng sau là bầu Đức đã khiến lòng tin của người hâm mộ sụp đổ, và khi "bộ đôi quyền lực" đều "phủi tay" từ chức, sự giận dữ của những người từng đặt niềm tin vào lứa U19 ngày nào được trút vào những cầu thủ mà họ từng hi vọng, ngưỡng mộ cũng là điều chẳng mấy khó hiểu.

Không phủ nhận là sự thành công của những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... đến từ học viện bóng đá HAGL, xuất phát từ ý tưởng và sự chăm bẵm và đầu tư của bầu Đức những ngày họ chỉ mới là những chú bé với năng khiếu và tình yêu với trái bóng tròn, nhưng chẳng phải là có thành công của lứa cầu thủ ấy, với tên tuổi của họ, HAGL mới có được bản hợp đồng tài trợ trị giá đến 50 tỷ đồng, ngay trong lúc đang ngặt nghèo khó khăn?

Người ta vẫn tự hỏi, rốt cuộc chuyện "xuất ngoại" của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường là thế nào, là "du học" hay "xuất khẩu lao động"? Rõ ràng với thời lượng ra sân của các cầu thủ HAGL ở Nhật Bản và Hàn Quốc, về mặt chuyên môn các CLB này hoàn toàn không cần "quân" bầu Đức để mạnh hơn, hay chí ít là tròn vai ở vị trí được giao. Vậy chẳng phải "xuất khẩu lao động" được rồi.

Bầu Đức vặc dư luận vì Công Phượng: Kẻ ăn rươi, người chịu bão - Ảnh 5.

Còn nếu là "du học", thì lại càng không phải. Liên đoàn bóng đá Singapore từng gửi các cầu thủ trẻ của mình sang "du học" châu Âu, với mức học phí lên đến hàng trăm nghìn USD mỗi năm. Đằng này, HAGL vẫn thu được tiền từ các CLB Hàn Quốc, Nhật Bản.

Thật ra, cũng chẳng có gì lạ, bởi đằng sau những bản hợp đồng ấy là việc các cầu thủ phải đeo băng, đóng vest đi làm "đại sứ" nhiều hơn xuất hiện trên sân cỏ, và mục đích của nó là gì, hẳn chẳng cần phải nói thẳng tuột ra. Có điều, chuyên môn của những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh ra sao sau những bản hợp đồng ấy, liệu bầu Đức có trả lời được không?

Gần đây nhất, ở trận gặp Afghanistan trên sân Mỹ Đình, cả giới chuyên môn đều chứng kiến Công Phượng chơi tệ đến thế nào. Dư luận có lý khi chỉ trích Công Phượng, như từng chỉ trích Phí Minh Long, Hồ Tuấn Tài, Quế Ngọc Hải, Đình Luật hay Nguyên Mạnh ngày nào. Đã dấn thân vào sự nghiệp bóng đá, kiếm tiền từ bóng đá, thì được khen, được thưởng khi đá hay, nhận chỉ trích khi đá dở âu cũng là chuyện quá đỗi bình thường.

Ryan Giggs - cựu danh thủ Man United vừa nhậm chức Giám đốc bóng đá học viện PVF sáng nay, năm 19 tuổi từng được Sir Alex Ferguson bảo vệ quyết liệt trước báo giới, bởi theo ông "Đối với một tài năng như Ryan, càng ít tiếp xúc với báo chí thì khả năng phát triển của cậu ấy càng cao". Trong khi đó, lứa cầu thủ U19 HAGL và nhất là Công Phượng sớm được tạo điều kiện để tiếp xúc với báo giới.

Gần nhất, bầu Đức "dỗi" hộ Công Phượng với phát ngôn: "Nếu chỉ trích Công Phượng, thì đừng gọi lên đội tuyển Việt Nam nữa". Xin lỗi ông Đức, đây không phải là chuyện muốn hay không, càng không phải là chuyện của ông hay HAGL. Gọi hay không là tùy thuộc vào HLV trưởng. Hay bầu Đức nói không gọi, thì ông Park Hang-seo sẽ không gọi?

Bầu Đức vặc dư luận vì Công Phượng: Kẻ ăn rươi, người chịu bão - Ảnh 7.

Trên ĐTQG, rõ ràng "quân" HAGL đang kém thế hơn thời Hữu Thắng nhiều, và ở U23 Việt Nam, lứa U19 của bầu Đức không còn đến mức "lấy rổ mà xúc" nữa, trước sự cạnh tranh quyết liệt của lứa U20 từng dự VCK World Cup ở Hàn Quốc năm ngoái đang vươn lên mạnh mẽ.

Quân HAGL yếu thế, thì bầu Đức lên tiếng, đấy là chuyện bình thường như những ngày này ở những vùng nước lợ có món đặc sản rươi, đêm hôm trước người già đau mình đau mẩy, thì sáng hôm sau người trẻ vác vợt ra đồng xúc rươi thôi mà. Có điều, ngày xưa mỗi lời bầu Đức là mệnh lệnh, còn bây giờ... Để rồi xem, câu chuyện "Kẻ ăn rươi, người chịu bão" còn hay đến đâu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại