Họp "xì –tai kiểu VFF" hay chiêu "thuyền cỏ mượn tên"
Trước trận "chung kết" giữa U22 Việt Nam và Hàn Quốc, vào buổi sáng ngày 23/7, có một sự kiện không kém phần quan trọng của bóng đá Việt Nam, đấy chính là Hội nghị Ban chấp hành LĐBĐ Việt Nam (VFF) lần thứ 10 - nhiệm kỳ VII.
Đấy là một cuộc họp "xì –tai" kiểu VFF. Nói như vậy là bởi, cứ mỗi khi có những cuộc họp quan trọng thì y như rằng, trong ngày hôm đó, bóng đá Việt Nam có một sự kiện "nóng hổi" khác không thể bỏ qua trên mọi phương tiện truyền thông.
Có vẻ như những người VFF đã có những con tính vô cùng hợp lý để hội nghị BCH lần 7 tránh bị giới truyền thông đưa lên thớt mổ xẻ. Sự thật là sự kiện U22 Việt Nam đá trận chốt hạ dường như đã làm lu mờ những vấn đề liên quan đến hội nghị của VFF.
Chẳng hạn như, rất nhiều người chờ xem VFF "ra án" với những "scandal" sân cỏ, hay những phát ngôn gây "sốc" của bầu Đức về việc vận động từ chức nếu bóng đá nam không giành HCV... là có thật hay nói cho vui miệng. Song tất cả đều không được giải đáp thỏa đáng.
Chiêu "mượn thuyền cỏ lấy tên" như Gia Cát Lượng từng sử dụng để lấy tên của Tào Tháo trong trận đại chiến Xích Bích kinh điển đã được VFF áp dụng thành công. Cụ thể hơn, sau cái khoảnh khắc U22 Việt Nam giành vé tham dự VCK U23 châu Á 2018 tại Trung Quốc thì người của VFF vỗ tay và tuyên bố rằng "Đại hội đã thành công tốt đẹp".
Vòng loại U23 châu Á: U22 Việt Nam 1-2 U22 Hàn Quốc
"Cặp đôi hoàn hảo" đã ra sân
Có một thông tin đáng chú ý, Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 10 - nhiệm kỳ VII có sự góp mặt đầy đủ của những nhân vật chóp bu nằm trong bộ máy của VFF. Đã từ lâu lắm rồi, người ta mới thấy "cặp đôi hoàn hảo" là Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức "song kiếm hợp bích" trên bàn chủ tọa.
Ông Đức đã nói khá nhiều, trong số ấy vấn đề trọng điểm được đề cập nhiều nhất là quyết tâm đưa U22 Việt Nam giành chiếc HCV bóng đá SEA Games 29.
Đến đây, hẳn nhiều người sẽ nhớ cái phát biểu gây ra xôn xao của ông Đức: Nếu U22 Việt Nam không đoạt HCV thì bản thân ông sẽ xin rút. Ngay cả HLV Hữu Thắng và các quan chức khác của VFF cũng nên từ chức là đẹp…
Trong cuộc gặp gỡ báo chí, một phóng viên đã đặt câu hỏi liệu đó có phải là phát ngôn của bầu Đức và VFF sẽ ứng xử như thế nào. Tiếc thay, Tổng thư ký Lê Hoài Anh đã trả lời theo kiểu: "Con kiến mà leo cành đa…".
Những câu hỏi liên quan khác cũng không được nhìn nhận và trả lời một cách thẳng thắn, thay vào đó là sự né tránh dư luận, giới truyền thông.
Buổi chiều hôm ấy, văn võ bá quan của VFF đã tề tựu trên sân Thống Nhất để dự khán trận U22 Việt Nam và Hàn Quốc. Sau trận đấu, dù thua nhưng ông Dũng và bầu Đức vẫn hồ hởi xuống sân, rồi thưởng rất "xộp" cho Hữu Thắng và các học trò vì cảm thấy sướng người.
Nhìn khoảnh khắc ấy, người ta càng khẳng định, ông Dũng và ông Đức đúng là "cặp đôi hoàn hảo" chứ không phải mặt trời mặt trăng. Mà sự thật, nếu ngày ấy ông Dũng không mời gọi thì chẳng bao giờ ông Đức ngồi vào chiếc ghế Phó Chủ tịch phụ trách tài chính.
Bầu Đức và Chủ tịch Lê Hùng Dũng là 2 nhân vật quyền lực nhất VFF?
Sự thật, kể từ ngày lên "làm quan", người của VFF ca thán ông Đức dường như không mang về một một đồng nào cho VFF. Không những vậy, ông Đức còn có những phát ngôn khiến một số quan chức điêu đứng, phải còng lưng đi "chữa cháy".
Ông Dũng đã không xuất hiện và can thiệp khi "đối tác ăn ý" của mình "gây sốc". Cái thái độ im lặng ấy càng đáng chú ý vì trong những cuộc họp của VFF, nếu ông Dũng vắng thì ông Đức luôn là người "chủ xị" chứ không phải 2 ông Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn – Trần Quốc và phụ trách đối ngoại – Nguyễn Xuân Gụ.
Thế nên người ta mới nói rằng, ở VFF, ông Dũng là số 1 và ông Đức là số 2. Tức, ông chủ phố Núi có thể biểu quyết một số vấn đề. Có lẽ vì thế, người ta đồ rằng, HLV Hữu Thắng do một tay bầu Đức đưa lên.
Thành ra mới có chuyện, chưa bao giờ ông Đức có nửa câu chê bai Hữu Thắng, dù nhà cầm quân này mắc không ít sai lầm kể từ ngày lên ngồi ghế lái trưởng, mà điển hình là thất bại tại AFF Cup 2016.
Có phúc cùng chịu…
Như đã nói, Hữu Thắng chịu trách nhiệm cao nhất ở ĐTQG. Và trong hơi hướng cách chơi, nhà cầm quân này luôn đề cao tính duy mĩ. Tức là hướng tới lối chơi tấn công đẹp mắt.
Không khó nhận ra, ở U22 Việt Nam, các cầu thủ của HAGL rất được trọng dụng. Cần phải nói thẳng với nhau, ông Thắng đã chính xác khi xây dựng công thức "HAGL và phần còn lại".
Thứ nhất, đấy là tập thể những cầu thủ trẻ được xem là xuất sắc nhất. Thứ 2, nó làm thỏa mãn đại đa số các CĐV Việt Nam, vốn từng mê mệt với đôi chân của Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn…
Và cuối cùng, đấy cũng là cái cách chiều lòng cấp trên. Hẳn nhiên, trong đó bầu Đức, người được cho là biểu quyết nhiệt tình nhất trong việc đưa Hữu Thắng lên làm HLV trưởng.
Bầu Đức và HLV Hữu Thắng đang đi chung một con đường.
Một tỷ đồng mà ông Đức "vác lúa nhà" đi thưởng cho Hữu Thắng và các học trò dường như là sự phá lệ hiếm hoi kể từ ngày ông chủ của đội bóng phố Núi lên giữ chức Phó Chủ tịch tài chính của VFF.
Số tiền thưởng ấy đủ cho người ta hiểu rằng ai làm cho ông sướng thì dù có nghèo cũng chơi. Đúng hơn, Hữu Thắng đang đáp ứng được tất cả những gì mà bầu Đức muốn.
Người ta cảm giác VFF cũng đang "khoán" cho ông Đức và Hữu Thắng mục tiêu giành lấy chiếc HCV vốn đã trở thành cơn khát kinh niên của bóng đá Việt Nam nhiều thập kỷ qua.
Nói cách khác, ông Đức và Hữu Thắng bây giờ đã và đang ngồi trên một con thuyền, ở đó có phúc cùng hưởng mà lỡ có họa thì…
Bóng đá Việt Nam từng phải nhận những thất bại đắng cay vì hai chữ "trách nhiệm". Bây giờ đã có những người dám đứng ra nhận "trách nhiệm" chứ không mắc bệnh "đổ thừa" như trước đây.
Có vẻ như U22 Việt Nam đang ở trong hoàn cảnh như thế. Dẫu biết đó cũng là điều tốt nhưng có thể đấy cũng chính là "gót chân achilles" khiến một đội tuyển khuỵu gối. Bởi cái tôi cá nhân, cái tôi là một, là riêng, là thứ nhất luôn giống như "con dao hai lưỡi" trong bóng đá…