Tại chương trình báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam năm 2021 với chủ đề: “Sẵn sàng cho một vị thế mới” do Công ty CP DKRA Việt Nam (DKRA Vietnam) tổ chức, các đại biểu đã thảo luận về việc có hay không tình trạng “sốt đất” tại khu vực này trong năm 2022.
Về vấn đề này, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, khoảng thời gian này năm ngoái, chúng ta đã xảy ra tình trạng sốt đất ở 10 địa phương khác nhau, gọi là sốt đất cục bộ.
Nguyên nhân là do nguồn cung đã khan hiếm càng thêm khan hiếm. Năm nay, câu hỏi có sốt đất hay không tiếp tục được đặt ra? Hiện nay, theo ghi nhận giá bất động sản ở các địa phương đã bắt đầu nhích lên.
“Nếu năm nay diễn ra tình trạng sốt đất thì chắc chắn Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương sẽ nhảy vào cuộc sớm hơn để ngăn chặn hiện tượng sốt đất giảm. Không để tình trạng sốt đất diễn ra như năm ngoái.
Trong thời gian tới, để hạn chế sốt đất xảy ra cần: Công khai quy hoạch; nén dòng tiền và đặc biệt là nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, nắm bắt tình hình khu vực, địa phương ngay khi có thông tin sốt đất phải xử lý”, ông Lực thông tin.
Ông Đặng Văn Thạnh, Giám đốc DKRA Danang cho rằng, đã 2 năm nay, thị trường bất động khu vực Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam như lò xo bị nén lại, nhưng nén rồi nó sẽ bung.
Có những tiền đề để bất động sản khu vực này trở lại và phục hồi trong năm 2022 như các dự án đầu tư công được triển khai, các cơ sở hạ tầng giao thông, các tuyến cao tốc từ Quảng Ngãi ra Túy Loan, từ Túy Loan ra La Sơn… đang được đẩy nhanh tiến độ và đưa vào sử dụng.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại chương trình.
Cộng thêm việc khởi công các đại dự án như Khu du lịch làng Vân, cảng Liên Chiểu. Đặc biệt, tháng 3 tới đây, Chính phủ chính thức mở cửa du lịch sẽ trở lại.
“Quảng Nam và Đà Nẵng đã từng diễn ra tình trạng sốt đất, hiện nay rất khó lặp lại tình trạng này. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Thừa Thiên Huế có thể xảy ra tình trạng sốt đất. Nguyên nhân là do từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết Thừa Thiên Huế hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương và những thông tin về việc mở rộng TP. Huế.
Do đó, những khu vực xung quanh TP. Huế giá tăng rất nhanh. Trước thời điểm này, bất động sản tại đây rất trầm lắng, giá hầu như không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ. Có thể trong năm 2022 Thừa Thiên Huế rất dễ xảy ra tình trạng sốt đất”, ông Thạnh chia sẻ.
Ông Phạm Lâm, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO DKRA Vietnam cho biết, khi xảy ra sự việc sốt đất, chính quyền địa phương cần ra tay ngay lập tức, đưa ra những giải pháp ngăn chặn, thông tin minh bạch về khu vực đang nóng sốt thì mọi chuyện sẽ được giải quyết ngay. Việc làm này sẽ giúp cho những nhà đầu tư hiểu rõ và điều chỉnh tâm lý có nên đầu tư vào thị trường hay không.
“Hiện nay, một câu hỏi tôi thấy mọi người đặt ra là có sốt đất không? Thực sự mọi người có muốn sốt đất không? Mọi người có muốn phát triển không? Do đó, thị trường bất động sản xảy ra sốt đất là chuyện bình thường. Khi xảy ra những việc này, chúng ta sẽ thấy các bên tham gia vào thị trường sẽ có giải pháp điều tiết phù hợp”, ông Lâm cho hay.
Một dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Theo ông Lâm, nếu trước đây việc sốt đất hay diễn ra là do tâm lý đầu tư bầy đàn, tuy nhiên trong những năm gần đây, việc sốt đất được kiểm soát rất tốt cho thấy sự trưởng thành của thị trường, nhà đầu tư bắt đầu có sự chọn lọc, kiểm tra, rà soát thông tin. Và hơn hết, vai trò của chính quyền cũng đã được phát huy tối đa, đây là một trong những bước tiến rất tốt để người dân tham gia một cách an toàn.
Trong khi đó, TS - KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết, sốt đất không phải là vấn đề, nếu như giá cao mà người dân có thu nhập cao có thể trả được tiền mua nhà ở tại khu vực đó thì sốt đất không phải là vấn đề. Tuy nhiên, sốt đất mà người dân không ai có thể trả nổi tiền đất ở đó thì nơi đó sẽ trở thành đô thị ma.
“Tôi không lo sốt đất, mà tôi chỉ lo giá đất tăng có tương xứng với thu nhập của người dân tại địa phương, khu vực đó hay không”, ông Sơn nhấn mạnh.
Nói về tiềm năng bất động sản tại khu vực Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam, ông Sơn cho biết, khi nhìn trong quy hoạch ta có thể thấy rõ Đà Nẵng sẽ phát triển theo dạng hướng đô thị nén, mật độ đô thị cao. Do đó, nơi đây phải gắn kết với giao thông công cộng, phải có metro, phải có xe buýt nhanh, phải có đường sắt… Vị trí sẽ được ưu tiên ở những vị trí đẹp, tầm nhìn cao.
Trong khi đó, ở Huế và Quảng Nam thì sẽ có lợi thế để phát triển các loại hình bất động sản khác như biệt thự, nhà ở riêng cho người dân. Trong đó, đối với Huế, cần phải hoạch định rõ ràng lại khu vực nào cần được bảo tồn và khu vực nào được phát triển.
Còn Quảng Nam, địa phương này tiềm năng rất giống Bình Dương, có quỹ đất rất là rộng do đó có khả năng phát triển công nghiệp. Chưa kể nơi đây đã có Khu kinh tế mở Chu Lai, có sân bay, cảng biển phù hợp để phát triển đô thị sân bay, đô thị cảng biển.