Vâng, nói gì được nữa, những hình ảnh trên thể hiện sự yếu kém quá lớn của chính quyền, của ngành giáo dục địa phương. Và không chỉ có riêng ông không nói được, hàng triệu người dân cả nước cũng vậy, thậm chí ngủ chập chờn khi nghe những tiếng ré lên kinh hãi, khiếp đảm của lũ trẻ.
Những cú đấm, đá, đạp, quăng, quật bằng tay chân hoặc bằng bất cứ vật dụng gì đều có thể nhắm vào lũ trẻ tội nghiệp.
Đâu đó, hẳn mọi người đều thấy, hình bóng của Quản Thị Kim Hoa, của Nguyễn Lê Thiên Lý, Lê Thị Đông Phương lại tái xuất ở lớp mẫu giáo kinh hoàng này.
Nhiều phụ huynh bức xúc đứng bao vây xung quanh cửa cơ sở mầm non.
Điều đáng nói, đây là một cơ sở trông giữ trẻ hợp pháp. Nhưng nếu không có phóng sự của báo Tuổi trẻ, chắc sẽ chẳng ai biết nó nhếch nhác, chật hẹp và tù túng đến mức nào. Ở cái không gian ngột ngạt đó, lũ trẻ không thể chơi đùa, chúng rúm ró lại ngay khi rời khỏi vòng tay cha mẹ.
Những cơ sở giữ trẻ kiểu như thế này có ở rất nhiều nơi. Những công nhân xa nhà ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp chẳng có lựa chọn nào khác. Thu nhập là yếu tố quyết định khiến họ phải "giao trứng cho ác".
Họ không biết làm gì ngoài nơm nớp lo sợ mỗi khi gửi con để đi làm. Và đến khi tận mắt xem được những hình ảnh con em mình bị bạo hành, chắc chắn trái tim họ vỡ vụn vì đau đớn, xót xa.
Nhưng nỗi xót xa đó cũng chỉ dừng lại vài ngày, vì ngay sau đó là nỗi lo cơm áo gạo tiền sẽ quay trở lại, đeo bám. Lũ trẻ sẽ lại phải quệt nước mắt theo bố mẹ vào cơ sở khác. Cái vòng tròn luẩn quẩn đó thật đáng sợ.
Chúng ta cần phải hành động như thế nào để bảo vệ con em mình một cách tốt nhất?
Hiện nay, ở nhiều khu dân cư trên các quận huyện của thành phố Hồ Chí Minh đã được gắn hệ thống camera an ninh dày đặc để phòng ngừa, phát hiện tội phạm. Những chiếc camera này khiến những kẻ trộm cắp, cướp giật, lừa đảo phải chùn tay.
Hiệu quả ngăn chặn tội phạm của camera an ninh đường phố là rất đáng ghi nhận, số các vụ phạm pháp tại những tuyến phố có "mắt thần" giảm xuống rõ rệt.
Đường phố, khu dân cư được lắp camera giám sát, vậy tại sao lại không thực hiện được giải pháp này tại các cơ sở mầm non tư thục?
Chính quyền hoàn toàn có thể yêu cầu các cơ sở trông giữ trẻ dân lập phải trang bị camera và hệ thống này phải đấu nối với trung tâm giám sát của UBND phường, phòng giáo dục hay một đơn vị chức năng nào khác.
Việc đầu tư camera an ninh không quá đắt đỏ, nó hoàn hoàn toàn nằm trong khả năng chi trả của các trường, lớp mầm non tư thục. Và nếu những cơ sở nào không đủ điều kiện lắp đặt camera giám sát, cơ quan chức năng có thể từ chối cấp phép thành lập. Những cơ sở này khi hoạt động nếu cố tình làm mất tín hiệu của hệ thống giám sát sẽ bị xử phạt nặng.
Giải pháp camera cơ sở mầm non dân lập không hề khó, nó thậm chí còn dễ làm hơn camera đường phố như nhiều nơi đã thực hiện.
Chúng ta đã than vãn, đau xót, phẫn nộ quá nhiều sau những vụ việc bạo hành trẻ mầm non nhưng chẳng có giải pháp nào được đưa ra. Những chủ cơ sở trông giữ vẫn thoải mái tung những trận đòi roi hung tợn xuống đầu con trẻ.
Việc bắt buộc lắp đặt camera giám sát tại các cơ sở mầm non tư thục sẽ đảm bảo cho lũ trẻ một không gian an toàn nhất định. Ít nhất chúng sẽ không bị đánh đập, hành hạ ở bất kỳ đâu. Những người giữ trẻ cũng như các chủ cơ sở sẽ phải dè chừng khi muốn bạo hành trẻ nhỏ.
Tất nhiên đây chưa phải giải pháp căn cơ và lâu dài nhất. Trẻ vẫn có thể bị lôi vào góc khuất để đánh đập. Nhưng hiện chúng ta chưa có cách nào khác tốt hơn, dễ thực hiện hơn.
Bây giờ là thời đại của công nghệ, và đã đến lúc phải áp dụng công nghệ để quản lý thay vì trông chờ đạo đức, lương tâm của những người giữ trẻ. Lũ trẻ không thể được bảo vệ bằng sự xót xa, bằng nước mắt hay những lời hô hào sáo rỗng như những năm qua.