Bảo tàng Bệnh viện chống bom hạt nhân được đặt ở thủ đô Budapest của Hungary.
Chị Lotti Hatyka-Varga, làm việc tại Bảo tàng Bệnh viện chống bom hạt nhân, cho biết: "I rong Chiến tranh Lạnh, không khí chung là lo sợ khả năng bị tấn công hạt nhân . Do đó, ở đâu cũng xây dựng hầm chống bom hạt nhân như thế này. Bệnh viện này ban đầu được xây dựng để sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, sau đó được phát triển thành hầm chống bom hạt nhân ".
Hệ thống hầm này dài 10 km, hiện được bảo tồn như một lời cảnh tỉnh về sự khủng khiếp của chiến tranh. Được xây dựng dựa trên một hang động tự nhiên trong những năm 1941 - 1943, hệ thống này vừa là hầm trú ẩn vừa là bệnh viện.
Từ năm 1958, thời Chiến tranh Lạnh, bệnh viện được nâng cấp, mở rộng thành hầm chống bom hạt nhân để sử dụng trong trường hợp có tấn công hạt nhân hoặc hóa học. Tuy nhiên, hiện hầm được đánh giá là không còn phù hợp với mục đích này.
Hầm trú ẩn nay trở thành Bảo tàng Bệnh viện chống bom hạt nhân. (Ảnh: Lonely Planet)
Chị Lotti Hatyka-Varga nói: " Nơi này giờ không còn là hầm chống bom hạt nhân hiệu quả nữa, bởi từ cuối những năm 1950, nó không còn được phát triển cho kịp với đòi hỏi của hiện tại. Ví dụ như khả năng chứa vẫn chỉ là khoảng 300 người, và nó không đủ sâu, chúng ta đang chỉ ở độ sâu 15 mét thôi ".
Cho tới năm 2002, hệ thống hầm này vẫn được liệt vào hàng "cơ sở bí mật hàng đầu". Sau đó, cơ sở này được chuyển thành bảo tàng.
Theo chị Lotti Hatyka-Varga: " Mục tiêu chính của bảo tàng là giúp người dân hiểu chiến tranh là phi nghĩa, hiểu về hậu quả của nó và rằng thường dân luôn là người phải trả cái giá thật sự của chiến tranh. Để hiểu rằng hòa bình rất mong manh, việc bảo vệ thế giới hòa bình và an toàn là trách nhiệm lớn ".
Hiện tại, thành phố Budapest có 2 tuyến đường tàu điện ngầm có khả năng chống chịu được một cuộc tấn công hạt nhân thời nay. Các nhà ga và đường ngầm này có thể chứa được 220.000 người.