Trưa 2/8, công tác phòng chống cơn bão số 3 đổ bộ đất liền tại thị trấn Cát Hải (Cát Hải, TP Hải Phòng) cơ bản đã hoàn tất. Hàng trăm hộ dân dọc bờ kè thị trấn Cát Hải đã đắp bao cát, gia cố nhà cửa, neo tàu thuyền về bãi tập kết trú bão.
Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 2/8, tại thị trấn Cát Hải biển lặng, tĩnh gió. Nhiều người dân địa phương tranh thủ lúc nhàn dỗi ra bờ kè bắt hải sản trước khi bão về.
Ông Quang, người dân địa phương cho hay, sáng sớm nước rút để lại nhiều loài vật biển tại các hốc đá thuộc bờ kè. Ông tranh thủ ra bắt cua, rạm, ốc để ăn trưa. Theo ông Quang, hàng ngày người dân ven biển thường ra khơi đánh bắt và bán lấy tiền mưu sinh. Mỗi khi bão đổ bộ, người dân phải nghỉ 3-4 ngày nên khá nhàn rỗi.
Tại bãi kè dài hàng km, nhiều loài hải sản nhỏ sinh sống và mắc kẹt tại các hốc đá sau khi nước rút.
Một loài giống cua biển thường làm hang dưới hốc đá, là món ăn ưa thích của người dân ven biển.
Trong khi đó, nhiều ngư dân khác tranh thủ xách nước biển về để bảo quản ngao, ốc đánh bắt được trước đó trong những ngày bão đổ bộ.
Theo người dân ở Cát Hải, bờ kè đá cao gần 2m nhưng khi triều cường lên nước biển gần chạm tới bờ. Do đó, bão về, sóng mạnh và dữ dội hất nước tràn vào nhà dân. Đối với những hộ sát bờ kè, bão biển có thể khiến nhà kiên cố hư hỏng, cuốn theo nhiều đồ đạc của ngư dân. Vì thế, việc đắp bao cát và gia cố nhà cửa là điều cần thiết nhất khi có bão.
Trao đổi với Tiền Phong, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Cát Hải, TP Hải Phòng cho biết, tới trưa 2/8, hàng nghìn tàu thuyền đánh bắt và tàu du lịch được yêu cầu vào bãi đậu thuộc huyện Cát Hải. Trong đó, hơn 1000 lượt khách du lịch được di dời khỏi Cát Bà vào đất liền. Hiện trên đảo Cát Bà còn khoảng 500 khách du lịch còn lưu trú. UBND huyện thông báo, yêu cầu toàn bộ khách du lịch ở trong khách sạn, nhà nghỉ hoặc trú ở nơi an toàn trước trong và sau bão. Ngoài ra, UBND huyện cũng lập ban chỉ đạo phòng chống thiên tai với hàng trăm cán bộ, bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 3.