Loại pháo này được đưa vào biên chế từ năm 1950, sau khi cải tiến đã có năng lực tác chiến hoàn toàn mới. Lão “hổ tướng” có thể thực hiện nhiệm vụ phòng không ở thế kỷ 21, tăng cường cho hệ thống phòng không hiện đại Việt Nam.
Video được đăng trên trang Quốc phòng Việt Nam ghi lại quá trình tự động hóa của cả kíp trắc thủ một khẩu đội pháo phòng không 57. Để thực hiện được điều này, hệ thống điều khiển hỏa lực được tích hợp một đài radar, thiết bị quan sát quang điện tử, hệ thống điều khiển cơ điện tử pháo và thiết bị tính phần tử bắn kỹ thuật số với máy tính điện tử.
Nhờ đó có thể cùng lúc điều khiển một khẩu đội pháo cùng tập trung hỏa lực cho một hướng mục tiêu, tăng cường độ trúng, chụm và mật độ đạn cho một hướng mục tiêu nhất định. Tốc độ lấy phần tử bắn tự động nhanh hơn rất nhiều lần.
Một đặc điểm khác nữa là thay thế pháo thủ nạp đạn bằng bộ nạp đạn tự động, số lượng đạn nạp 1 lần lên đến 11 viên, cho phép các pháo 57 có tốc độ bắn nhanh, nhịp bắn đều, ổn định và đồng loạt.
Với khả năng này, pháo phòng không 57 trong đội hình đại đội phòng không có thể đánh trả các cuộc tập kích đường không bảo vệ mục tiêu chống lại các loại tên lửa hành trình, máy bay không người lái.
Hệ thống pháo phòng không 57 trở thành một hệ thống tác chiến tự động, hoạt động ngày đêm và trong mọi điều kiện thời tiết. Hiệu quả tác chiến của pháo đạt tầm bắn đến 6.000 m.
Quá trình tự động hóa khẩu đội pháo phòng không 57 đã làm giảm đến tối thiểu số pháo thủ thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình chiến đấu, các pháo thủ không cần có mặt trên trận địa. Trước đây, mỗi khẩu pháo cần từ 6 đến 8 thành viên, hiện nay số lượng đã giảm đến mức tối thiểu.
S-60 đã có thời gian dài phục vụ trong lực lượng phòng không nhân dân, tiêu diệt nhiều máy bay chiến đấu của Mỹ. Đến thời điểm này, những hệ thống, thiết bị, bộ phận hầu như không còn được sản xuất nữa. Về lý thuyết, pháo 57 mm S-60 đã có thể nghỉ hưu, nhưng việc tích hợp công nghệ tự động hóa và số hóa đã mang lại cho S-60 một cuộc sống mới.
Pháo 57 mm là loại pháo có cỡ nòng đa nhiệm, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau không chỉ là phòng không.
Việc Cục kỹ thuật quân chủng Phòng không – Không quân hiện đại hóa thành công pháo 57 theo hướng tự động hóa tạo cơ sở cho việc hiện đại hóa hàng loạt vũ khí trang thiết bị khác, từ đó tiến lên khả năng mô đun hóa và tích hợp hóa các tổ hợp vũ khí phòng không hiện đại, đáp ứng yêu cầu chiến tranh trong tương lai.