Báo Nga tiết lộ thông tin tên lửa chống hạm Trung Quốc

Lê Hùng - Nguyễn Hoàng |

Xin giới thiệu một lớp vũ khí biển của Trung Quốc – tên lửa chống hạm. Các ảnh và số liệu trong bài lấy từ “Bình luận quân sự” (Nga) cuối năm 2016.

1. Mấy dòng lịch sử

Đến giữa những năm 60, phần lớn các chuyên gia hải quân Phương Tây không quan tâm và không đánh giá cao hiệu quả tác chiến của tên lửa có điều khiển chống hạm.

Trong những năm đó, Liên Xô đã đi trước Mỹ trong lĩnh vực chế tạo tên lửa có điều khiển và trang bị tên lửa chống hạm cho các tổ hợp tên lửa bờ, tàu ngầm, tàu khu trục, tàu hộ vệ và các máy bay ném bom.

Mặc dù các tên lửa Xô Viết đầu tiên chưa hoàn thiện, nhưng do chúng rất hiệu quả trong cuộc xung đột quân sự A rập- Israel năm 1967 (tên lửa chống hạm P-15 đánh chìm tàu khu trục Israel Eilat) nên các chuyên gia đã thay đổi quan điểm về loại vũ khí này.

Kiểu tên lửa chống hạm Xô Viết phổ biến nhất lúc đó P-15 có động cơ phản lực hai thành phần nhiên liệu lỏng. Nó sử dụng nhiên liệu tự bắt lửa khi tiếp xúc với chất ô xy hóa là TG-02 " Tonka-250" và chất ô xy hóa AK-20 (chất ô xy hóa axitnitric lỏng). Động cơ làm việc ở 2 chế độ: tăng tốc và hành trình. Tốc độ bay hành trình của tên lửa đạt 320 m/s. Cự ly bắn của tên lửa chống hạm P-15 các biến thể đầu là 40 km.

Tên lửa P-15 có hệ thống dẫn đường tự động, trong đó có đầu tự dẫn radar hoặc đầu tầm nhiệt,thiết bị điều khiển bay tự động và máy đo cao khí áp hoặc đo cao vô tuyến cho phép tên lửa bay ở giải độ cao từ 100-200 m.

Đầu tác chiến bộc phá – định hướng trọng lượng 480 kg có thể phá hủy tàu chiến có lượng giãn nước >3.000 tấn.

Báo Nga tiết lộ thông tin tên lửa chống hạm Trung Quốc - Ảnh 1.

Phóng tên lửa P-15 từ tàu tên lửa dự án 183R

Tên lửa P-15 cùng với phương tiện mang là tàu nhỏ mang tên lửa dự án 183R được xuất khẩu sang nhiều nước. Chúng đã có trong trang bị của hải quân các nước: Angeria, Ai cập, Cuba, CHDCND Triều Tiên và Indonesia.

Riêng đối với Trung Quốc , ngoài tàu và tên lửa, nước này còn được cung cấp tài liệu kỹ thuật của P.15M – vì thế Trung Quốc trong nửa đầu những năm 70 đã triển khai sản xuất tên lửa hàng loạt tại nhà máy hàng không № 320 tại Nam Xương.

Tại Trung Quốc, tên lửa P-15 được đặt tên là SY-1, chúng được trang bị cho các tàu tên lửa, khinh hạm dự án 053 (kiểu "Jianghu") chế tạo theo mẫu của tàu dự án 50 và cho các đơn vị tên lửa bờ.

Thời gian đầu, các chuyên gia Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn trong khai thác SY-1 vì họ không đủ kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng sản xuất, còn chất lượng các tên lửa sản xuất tại Trung Quốc rất thấp. Rất nhiều trường hợp rò rỉ nhiên liệu, chất ô xy hóa và tên lửa tự phát nổ.

Đến cuối những năm 70, Trung Quốc chế tạo phiên bản P-15 cải tiến – tên lửa chống hạm SY-1A.

Điểm khác biệt (ưu điểm) của SY -1A so với biến thể trước đó là nó sử dụng đầu tự dẫn chống nhiễu xung và thiết bị đo xa vô tuyến.

Biến thể SY-1A cũng không còn bị rò rỉ nhiên liệu và có thể bảo quản tương đối lâu sau khi đã nạp nhiên liệu. Sau khi đã có những tiến bộ trong việc làm tăng độ tin cậy và an toàn khi bảo quản, vận chuyển và sử dụng tên lửa SY-1A, các kỹ sư Trung Quốc chế tạo tên lửa chống hạm phóng từ trên không đầu tiên của nước này là Y-16, - phương tiện mang chúng là máy bay ném bom tầm xa H-6.

Biến thể tên lửa chống hạm này có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly đến 100 km, xác xuất tiêu diệt mục tiêu trong điều kiện không có nhiễu được các chuyên gia Trung Quốc đánh giá là 0,7.

Do khai thác các tên lửa nhiên liệu lỏng sử dụng chất ôxy hóa ăn mòn và các nhiên liệu có độc tính cao rất phức tạp và cũng nguy hiểm khi sử dụng, Trung Quốc thiết kế tên lửa chống hạm SY-2 với động cơ nhiên liệu rắn.

Tuy nhiên, do cự ly phóng SY-2 không vượt quá 50 km, nên trong những năm 80 các kỹ sư Trung Quốc triển khai thiết kế tên lửa SY-2A sử dụng động cơ turbin phản lực.

Cùng với đó, do trong thời gian này công nghiệp quốc phòng Trung Quốc chưa có khả năng chế tạo động cơ turbin phản lực kích thước nhỏ có độ tin cậy cao nên nước này vẫn tiếp tục sản xuất các biến thể mới của tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng vì chúng đơn giản (khi khai thác bảo dưỡng, sử dụng) và rẻ tiền hơn.

Báo Nga tiết lộ thông tin tên lửa chống hạm Trung Quốc - Ảnh 4.

Hướng phát triển tiếp theo của tên lửa chống hạm Trung Quốc được tập trung vào việc nâng cao tốc độ bay và cự ly bắn, khả năng chống nhiễu của đầu tự dẫn và công suất đầu tác chiến.

Tuy nhiên, trong khi Liên Xô đã chế tạo các tên lửa chống hạm hiện đại tốc độ siêu âm, thì Trung Quốc tiếp tục cái tiến các mẫu cũ bằng cách lắp cho chúng động cơ nhiên liệu rắn và động cơ turbin phản lực. Kiểu tên lửa được thiết kế theo hướng hiện đại hóa các tên lửa chống hạm họ P-15 nói trên của Trung Quốc là HY-1.

Các tên lửa HY-1 được trang bị cho các tàu khu trục dự án 051. Các biến thể HY-1J và HY – 1JA cải tiến có đầu tự dẫn radar chủ động mới. Chúng mang đầu tác chiến định hướng trọng lượng hơn 500kg.

Tên lửa được phóng từ tàu chiến hoặc các tổ hợp tên lửa mặt đất được thực hiện bằng tầng tăng tốc nhiên liệu rắn, còn động cơ hành trình nhiên liệu lỏng bắt đầu khởi động khi tên lửa đã ở trên không ở cự ly an toàn (đối với kíp trắc thủ).

Tiếp theo HY-1, các kỹ sư Trung Quốc thiết kế tên lửa HY-2. Tên lửa HY-2 khác với HY-1 ở chỗ hệ thống dẫn đường được cải tiến và tên lửa có kích thước lớn hơn . Nhờ có khoang chứa nhiên liệu dung tích lớn bên cự ly phóng tên lửa tăng đến 100 km.

Nhưng đồng thời đây cũng là một nhược điểm – do kích thước lớn khiển không thể bố trí chúng trên các bệ phóng của tàu. Chính vì thế mà các tên lửa chống hạm họ HY-2 chỉ được trang bị cho các đơn vị tên lửa bờ của PLA.

Báo Nga tiết lộ thông tin tên lửa chống hạm Trung Quốc - Ảnh 5.

Tên lửa chống hạm HY-2G

Tên lửa biến thể HY-2A – được lắp đầu tự dẫn hồng ngoại , còn HY-2B và HY-2G – đầu tự dẫn radar xung đơn. Xác xuất tiêu diệt mục tiêu trong trường hợp đầu tự dẫn radar khóa được mục tiêu là 0,9 ( theo đánh giá của các chuyên gia Trung Quốc).

Từ khi công nghiệp Trung Quốc chế tạo được động cơ turbin phản lực kích thước nhỏ WS-11, các nhà thiết kế nước này đã lắp chúng cho tên lửa chống hạm lớp mới là HY-4.

Động cơ WS-11 Trung Quốc là bản sao của động cơ turbin phản lực Mỹ Teledyne-Ryan CAE J69-T-41A lắp trên máy bay không người lái AQM-34 (UAV AQM-34 vào thời gian đó được sử dụng trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ tại Bắc Việt Nam).

Tên lửa chống hạm HY-4 với cự ly bắn 150 km được đưa vào trang bị cho PLA vào năm 1983. Động cơ WS -11 cũng được sử dụng cho một số máy bay không người lái Trung Quốc. Bề ngoài của HY-4 khác với HY-2G ở chỗ nó có cửa hút khí phía dưới. Biến thể HY-4 dành cho xuất khẩu có ký hiệu là C-201W.

Báo Nga tiết lộ thông tin tên lửa chống hạm Trung Quốc - Ảnh 6.

Tên lửa chống hạm HY-4

Biến thể cải tiến của HY-4 là HY-41. Theo các phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc thì một tiểu đoàn tên lửa bờ HY-41 có thể tiêu diệt các mục tiêu ở hướng +/- 85 độ và với cự ly phóng 250 -300 km, có thể tấn công các mục tiêu trên một khu vực mặt nước diện tích 14.000 km2.

Báo Nga tiết lộ thông tin tên lửa chống hạm Trung Quốc - Ảnh 7.

Mẫu tên lửa chống hạm thử nghiệm HY-41

Trong những năm 80, Trung Quốc thử nghiệm và đưa vào trang bị cho máy bay tên lửa chống hạm YJ-61 (C-61) chế tạo theo mẫu tên lửa HY-2. Phiên bản tên lửa phóng từ máy bay có trọng lượng nhỏ hơn và không có tầng tăng tốc.

So với các model tên lửa chống hạm nhiên liệu lỏng của Trung Quốc trước đó cùng các phương tiện mang chúng là máy bay ném bom H-6, tên lửa YJ -61 dễ sử dụng và an toàn hơn. Cự ly bắn và xác xuất tiêu diệt mục tiêu cũng lớn hơn.

Báo Nga tiết lộ thông tin tên lửa chống hạm Trung Quốc - Ảnh 8.

Tên lửa chống hạm YJ-61

Một biến thể khác phát triển từ HY-4 là tên lửa chống hạm phóng từ máy bay YJ-63 (C-603) được đưa vào trang bị năm 2002 . Đấy là tên lửa chống hạm lớp "không đối biển" được trang bị động cơ turbin phản lực đầu tiên của Trung Quốc.

YJ-63 có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất và trên biển với độ chính xác tương đối cao. Hình dạng ngoài của tên lửa YJ-63 cơ bản giống với các phiên bản thế hệ trước, chỉ khác ở kết cấu phần đuôi.

Cự ly bắn của YJ -63 vào khoảng 180 km nhưng tốc độ tên lửa dưới âm và theo đánh giá của các chuyên gia Phương Tây thì nó rất dễ bị các phương tiện phòng không trên tàu bắn hạ.

Báo Nga tiết lộ thông tin tên lửa chống hạm Trung Quốc - Ảnh 9.

Tính năng kỹ - chiến thuật của các tên lửa chống hạm Trung Quốc thế hệ đầu

Thế hệ tên lửa chống hạm Trung Quốc đầu tiên chế tạo theo các mẫu tên lửa Xô Viết P-15 hiện vẫn đang có trong trang bị của các đơn vị tên lửa bờ của Hải quân PLA và các đơn vị máy bay ném bom tầm xa.

Nhưng trên các tàu chiến thì các tên lửa cũ này đã được thay thế bằng các tên lửa chống hạm động cơ nhiên liệu rắn và động cơ turbin phản lực hiện đại hơn do Trung Quốc và Nga sản xuất.

Các tên lửa chống hạm chế tạo theo mẫu SY-2, HY-1 và HY-2 hết hạn sử dụng cũng được PLA cải hoán thành các mục tiêu điều khiển bằng vô tuyến phục vụ công tác huấn luyện và tập trận.

Báo Nga tiết lộ thông tin tên lửa chống hạm Trung Quốc - Ảnh 10.

Các tên lửa Trung Quốc chế tạo theo mẫu P-15 Xô Viết đã được bán cho Myanmar, Cuba, CHDCND Triều Tiên, Iran, Iraq, Các Tiểu vương quốc A rập thống nhất , Pakistan, Sudan, - riêng CHDCND Triều Tiên và Iran được Trung Quốc cho phép sản xuất các mẫu tên lửa chống hạm kiểu này.

Tên lửa chống hạm Trung Quốc (các chuyên gia Phương Tây đặt tên là "Silk Warm" - "Con Tằm" ) đã được sử dụng nhiều trong các cuộc chiến tranh Iraq- Iran và trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.

Một trường hợp cụ thể, tháng 2/1991, Quân đội Iraq đã phóng 2 quả tên lửa chống hạm HY-1 vào tàu USS Missouri (BB-63) của Mỹ.

Một quả tên lửa bị hỏng hệ thống dẫn dường và bay chệch mục tiêu, quả còn lại bị tên lửa phòng không "Sea Dart" của tàu khu trục Anh HMS Gloster (D96) bắn hạ.

Đến giữa những năm 1980, các chuyên gia Trung Quốc kết luận là các giải pháp kỹ thuật áp dụng khi thiết kế P-15 đã lạc hậu và P-15 đã hết khả năng hiện đại hóa nên họ bắt đầu triển khai công tác tự thiết kế tên lửa chống hạm siêu âm bố trí trên bờ HY-3 (C-301).

Báo Nga tiết lộ thông tin tên lửa chống hạm Trung Quốc - Ảnh 11.

Tên lửa chống hạm HY-3

Nhưng HY - 3 không thực sự thành công. Nhược điểm lớn nhất là nó nặng tới gần 3,5 tấn và dài gần 10 m nên rất khó vận chuyển (khả năng cơ động kém) và khó ngụy trang.

Báo Nga tiết lộ thông tin tên lửa chống hạm Trung Quốc - Ảnh 12.

Tên lửa HY-3 sử dụng đầu tác chiến và đầu tự dẫn của HY-2G. Nó được phóng bằng 4 động cơ tăng tốc nhiên liệu rắn. Hai động cơ hành trình phản lực sử dụng dầu lửa được khởi động sau khi tên lửa đã đạt tốc độ 1,8M và sau đó tên lửa có thể đạt tốc độ 2,5M. Cự ly bắn trong khoảng 150-180 km và rõ ràng là với kích thước như vậy, cự ly trên là không đạt yêu cầu. Có lẽ vì thế mà tên lửa HY-3 chỉ được sản xuất với số lượng rất hạn chế.

Đến đầu những năm 1990, Trung Quốc cho thử nghiệm tên lửa chống hạm FL-7. Đây là một tên lửa nhiên liệu lỏng có kích thước không lớn và có thể đạt tốc độ siêu âm. FL -7 được trang bị cho máy bay lên thẳng Z-8 và máy bay tiêm kích- ném bom JH-7.

Báo Nga tiết lộ thông tin tên lửa chống hạm Trung Quốc - Ảnh 13.

Tên lửa chống hạm FL-7

Nhưng kiểu tên lửa nhỏ có cự ly bắn < 35 km và sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng nguy hiểm khi sử dụng này không được Hải quân PLA chấp nhận.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại