Theo tờ này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã "tạo sóng" ở Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc khi đe dọa nước chủ nhà.
Ông Obama đã đưa ra cảnh báo cứng rắn nhằm vào những hành vi không đúng mực của Trung Quốc ở biển Đông.
Tổng thống Mỹ nói rằng sẽ có "những hậu quả" nếu Bắc Kinh từ chối xuống thang trong những hành động gây hấn, khiến cho các nước láng giềng quan ngại.
Obama nói trong cuộc phỏng vấn với đài CNN của Mỹ: "Một phần những gì tôi cố gắng truyền đạt tới Chủ tịch Tập [Cận Bình], đó là nước Mỹ có được sức mạnh phần nào nhờ vào sự kiềm chế chính mình."
"Mọi người biết đấy, khi chúng ta ràng buộc mình vào một loạt chuẩn mực và quy tắc, thì đó không phải bởi chúng ta phải làm vậy, mà do chúng ta nhận thức rằng xét về dài hạn, việc tạo dựng một trật tự quốc tế mạnh mẽ là vì lợi ích của chính mình. Và tôi nghĩ, về lâu dài, điều đó cũng vì lợi ích của chính Trung Quốc nữa," ông nói.
Sputnik bình luận, tuyên bố trên đã "vạch trần" mục đích của Obama trong nỗ lực giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực, như một phần chính sách "xoay trục châu Á" của ông, cũng như liên quan đến những rắc rối ngoại giao mới nhất giữa Mỹ với một đồng minh quan trọng - Philippines.
Tổng thống Mỹ hôm 5/9 quyết định không gặp mặt người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte tại Vientiane, Lào, sau khi bị ông Duterte xúc phạm là "đồ chó đẻ".
Sputnik cho rằng, căng thẳng Mỹ-Philippines ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến tình hình tranh chấp ở biển Đông, bởi chính quyền của ông Obama đã nỗ lực thúc giục Manila theo đuổi "giải pháp đơn phương" ở tòa án quốc tế tại The Hague, Hà Lan nhằm kiềm chế yêu sách chủ quyền (phi pháp-PV) của Bắc Kinh.
Sau vụ kiện kéo dài 3 năm, Tòa trọng tài thường trực (PCA) hôm 12/7 đã phán quyết bác bỏ (cái gọi là) "chủ quyền lịch sử" mà Trung Quốc tuyên bố ở biển Đông, cũng như căn cứ pháp lý của yêu sách "Đường 9 đoạn" do nước này áp đặt.
Ông Obama cho biết:
"Ở nơi chúng ta thấy họ (Trung Quốc) vi phạm luật pháp và các tiêu chuẩn quốc tế, như chúng ta chứng kiến một vài trường hợp ở biển Đông hoặc trong một số hành vi của họ liên quan đến chính sách kinh tế, chúng ta đã rất kiên quyết. Và chúng ta đã gửi tín hiệu cho họ rằng sẽ có những hậu quả."
Sputnik gọi tuyên bố của Tổng thống Obama là "bay thẳng vào mặt các yêu cầu của Bắc Kinh", khi Trung Quốc muốn né tránh vấn đề biển Đông ở G20, nhằm duy trì bầu không khí ngoại giao tại hội nghị thượng đỉnh về kinh tế.
Cùng ngày 5/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố ủng hộ lập trường của Bắc Kinh liên quan đến vụ kiện biển Đông giữa Trung Quốc-Philippines, tức không thừa nhận phán quyết của PCA.