Báo Nga: Diễn văn của TT Putin xác nhận "điều đáng sợ nhất" và sự kỳ lạ khó hiểu về kỳ nghỉ chống COVID-19

Hải Võ |

Các nhà kinh tế học cảnh báo Nga có thể rơi vào suy thoái sâu nhất trong cả một thế hệ, khi hàng triệu lao động có khả năng bị mất việc làm do tác động của dịch bệnh COVID-19.

Nhận định trên được đưa ra như một đánh giá rõ ràng về hậu quả kinh tế do dịch bệnh, cũng như giải pháp ứng phó của Nga đối với đại dịch.

Trong bài phát biểu trước cả nước chiều ngày 2/4 (giờ Moskva), tổng thống Vladimir Putin đã nới rộng lệnh phong tỏa đối với nền kinh tế Nga, yêu cầu các ngành nghề không thiết yếu tiếp tục đóng cửa, đồng thời cho phép người lao động nghỉ lễ hưởng nguyên lương đến hết ngày 30/4.

Các biện pháp quyết liệt được đưa ra trong bối cảnh Nga ghi nhận số ca nhiễm tăng kỷ lục trong ngày 2/4, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 3.548. Chỉ một ngày sau đó, nước này ghi nhận thêm 601 trường hợp nhiễm mới virus corona tính đến ngày 3/4, nâng số ca nhiễm lên 4.149 người.

Tuy vậy, ban lãnh đạo đất nước chưa đề xuất bất kỳ gói cứu trợ kinh tế hay hỗ trợ doanh nghiệp nào.

Dự báo suy thoái và hàng triệu người thất nghiệp

Bà Lilit Gevorgyan, chuyên gia kinh tế tại IHS Markit, bình luận trên báo Moscow Times:

"Diễn văn của ông Putin đã xác nhận điều lo sợ tồi tệ nhất... Cả một tháng dài phong tỏa sẽ khiến sự suy thoái và sụt giảm kinh tế cả năm là không thể tránh khỏi đối với Nga. Vấn đề là [thiệt hại] sẽ đi sâu đến đâu."

Các nhà kinh tế học được Moscow Times phỏng vấn nói rằng tổn thất kinh tế sau dịch COVID-19 có thể tồi tệ hơn bất kỳ sự kiện nào mà nước Nga từng trải qua kể từ khi ông Putin lên nắm quyền 20 năm trước.

"Với thời gian nghỉ việc hiện nay được kéo dài như vậy, cùng với giá dầu thấp kỷ lục trong nhiều năm, có nguy cơ lớn là mức sụt giảm GDP của Nga trong năm 2020 có thể chạm đến mức hai chữ số," Vladimir Miklashevsky - chiến lược gia tại ngân hàng nổi tiếng của Đan Mạch Danske Bank - nói.

Tại cuộc gặp với ông Putin ngày 1/4, trước khi Nga gia hạn kỳ nghỉ toàn quốc, người đứng đầu Cơ quan kiểm toán Liên bang Nga Alexei Kudrin nói với tổng thống Putin rằng nền kinh tế nước này sẽ sụt giảm 3-5% trong năm nay, ngay cả khi chỉ bị COVID-19 tác động vừa phải.

Sự suy giảm này có thể là thảm họa đối với các doanh nghiệp và hàng triệu người lao động trên khắp đất nước, nhất là khi đến nay Kremlin vẫn chưa thông báo bất kỳ gói cứu trợ quy mô lớn nào, trái với động thái từ nhiều quốc gia khác như Mỹ, Đức, Nhật Bản,...

"Hàng triệu người sẽ mất việc làm," chuyên gia Igor Nikolayev từ tập đoàn tài chính Grant Thornton nói. Ông ước tính tỉ lệ thất nghiệp chính thức có thể lên tới 15% vào cuối năm nay, so với mức 4.6% hiện tại.

Nhiều chuyên gia kinh tế khác chia sẻ quan ngại của Nikolayev về viễn cảnh tình trạng thất nghiệp tồi tệ ở Nga.

Kinh tế gia trưởng Anton Tabakh từ Expert RA, quan xếp hạng tín dụng lâu đời nhất của Nga, đánh giá có khoảng 3 đến 5 triệu việc làm trên khắp nước Nga đứng trước rủi ro. Timur Nigmatullin, Giám đốc danh mục đầu tư của Otkritie Broker, Nga, nói tỉ lệ thất nghiệp trong khoảng 10-15% là có thể xảy ra - tương đương 7 đến 10 triệu việc làm mất đi. Chuyên gia Miklashevsky cũng cho rằng Nga sẽ chứng kiến quy mô thất nghiệp với bảy chữ số.

Báo Nga: Diễn văn của TT Putin xác nhận điều đáng sợ nhất và sự kỳ lạ khó hiểu về kỳ nghỉ chống COVID-19 - Ảnh 1.

Dmitri Porochkin, chủ chuỗi 4 tiệm chăm sóc tóc nam Old Boy, nói rằng công việc kinh doanh đã sụt giảm 1/4. Hoạt động kinh doanh của hai quán cà phê mà anh làm chủ cũng giảm 50%. Anh hy vọng chính phủ Nga có biện pháp tài chính hỗ trợ để các chủ doanh nghiệp nhỏ trả được tiền thuê mặt bằng (Ảnh: Dmitri Porochkin)

Cũng có ý kiến lạc quan rằng hệ quả của dịch bệnh sẽ không ác liệt đến như vậy, nhưng Nga vẫn sẽ chịu ảnh hưởng của suy thoái.

"Về tổng thể tôi vẫn có cái nhìn tích cực về Nga," bà Sofya Donets, nhà kinh tế trưởng người Nga tại ngân hàng đầu tư Renaissance Capital, nhận định.

"Thế mạnh của Nga là tỉ lệ ngành nghề dịch vụ - vốn nhạy cảm nhất với biện pháp cách ly - tương đối thấp, tỉ trọng các ngành trong khu vực công trong GDP và công ăn việc làm là cao hơn, và tích lũy dự trữ cao cho phép thực thi kích thích tài chính."

"Nhưng có lẽ điều then chốt là Nga là một đất nước, một xã hội, có lịch sử làm việc tốt trong một chế độ động viên [nhân dân]."

Một phần khó khăn trong đánh giá tác động của lệnh phong tỏa là do thiếu sự rõ ràng về cơ chế áp dụng với các thành phần kinh tế.

Stanislav Murashov, nhà phân tích vĩ mô tại Ngân hàng Raiffeisen, ước tính chỉ 30% nền kinh tế Nga sẽ chịu tác động của các biện pháp hạn chế, bởi các ngành năng lượng và tài nguyên thiên nhiên của Nga vẫn đang vận hành, trong khi nhiều doanh nghiệp có thể chuyển đổi sang làm việc từ xa.

Có nguồn lực tài chính dồi dào, vì sao Nga chần chừ hành động?

Theo Moscow Times, mối quan tâm hiện nay tập trung vào đường hướng mà Kremlin dự định hỗ trợ nền kinh tế và kìm hãm tỉ lệ thất nghiệp leo thang - những mục tiêu mà ông Putin vạch ra như ưu tiên hàng đầu cần bảo đảm trước tác động của dịch COVID-19.

Các nhà kinh tế nhấn mạnh chính phủ Nga có đầy đủ "hỏa lực" để ứng phó khủng hoảng. Nước này có 150 tỉ USD - tương đương gần 10% nền kinh tế - trong Quỹ Thịnh vượng Quốc gia (NWF), và đặc biệt là nợ công cực thấp. Tuy nhiên, ngay cả khi tỉ lệ thất nghiệp bắt đầu gia tăng và cảnh báo được đưa ra hàng ngày về tình trạng doanh nghiệp đóng cửa hay sa thải hàng loạt, Kremlin vẫn chưa khởi động một gói cứu trợ có ý nghĩa.

Bà Evghenia Sleptsova - chuyên gia kinh tế về các thị trường mới nổi tại Oxford Economics, cho rằng "Mặc dù Nga dường như có không gian tài chính rộng lớn, kích thích kinh tế cho đến nay là rất nhỏ - chỉ 1.3% GDP".

Hứng chịu các biện pháp cấm vận đồng nghĩa với Nga không thể ném kỷ luật tài chính qua cửa sổ như một số nước phát triển đang làm, hay ngay cả như một số thị trường mới nổi.

Evghenia Sleptsova - chuyên gia kinh tế về các thị trường mới nổi tại Oxford Economics

Ông Nikolayev bổ sung, "Tôi có ấn tượng rằng [Nga] không có nhìn nhận đúng đắn với tình hình này. Nâng trợ cấp từ 8.000 rúp lên 12.000 rúp, và trợ cấp 5.000 rúp cho các gia đình trong chế độ thai sản? Điều này là không đủ.

Thế còn những người chưa thất nghiệp hay những người không nhận được trợ cấp thai sản, nhưng công ty của họ không còn hoạt đông nữa? Các doanh nghiệp - đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ - sẽ lấy tiền ở đâu để trả lương nhân viên nếu họ không mở cửa?"

Sự không hài lòng với gói hỗ trợ của Kremlin với giới doanh nghiệp đang lan rộng - hàng chục chủ doanh nghiệp nhỏ nói với Moscow Times. Thủ tướng Mikhail Mishustin từng cảnh báo sẽ tiến hành thanh tra liên bang đối với các doanh nghiệp lợi dụng COVID-19 làm lý do sa thải lao động.

Chris Weafer - nhà sáng lập Công ty tư vấn Marco Avisory - tin rằng chiến lược của Kremlin là buộc các nhà tuyển dụng chịu trách nhiệm trợ cấp cũng như trả lương cho người lao động, hơn là huy động đến các nguồn lực quốc gia. Weafer cho rằng đây là lý do mà ông Putin đã định danh giai đoạn phong tỏa đất nước này là "kỳ nghỉ kéo dài".

"Điều này có nghĩa là các nhà sử dụng lao động ở Nga vẫn phải trả lương cho nhân viên và sẽ không dễ dàng để cắt giảm lương hay nhân sự," ông nói.

Bất chấp những răn đe từ nhà chức trách, việc duy trì tuyển dụng và trả lương dường như bất khả thi đối với nhiều doanh nghiệp - chuyên gia Vyacheslav Abramov của ngân hàng đầu tư Nga BKS Premier, nói với Moscow Times.

"Đơn giản là nhiều doanh nghiệp không có gì để trả lương. Các công ty lớn có thể chống chịu một tháng 'không làm việc', nhưng có rất ít công ty như vậy và kể cả họ cũng sẽ chịu tổn thất nghiêm trọng."

Báo Nga: Diễn văn của TT Putin xác nhận điều đáng sợ nhất và sự kỳ lạ khó hiểu về kỳ nghỉ chống COVID-19 - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại