Thông tin trên được Phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Nga - Alexander Khramchikhin đưa ra trong một bài phân tích mới đây trên tạp chí Military Industrial Courier, với nội dung chính xoay quanh đối đầu quân sự giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến ở Syria.
Theo phân tích của chuyên gia quân sự Khramchikhin, khi đối đầu quân sự giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria chạm tới ngưỡng thì các hành động đáp trả bằng quân sự của hai bên là điều không thể tránh khỏi. Ở thời điểm hiện tại chỉ cần một trong hai bên "nổ súng" trước thì bên còn lại sẽ ngay lập tức có các hành động quân sự đáp trả.
Về phần Moscow từ lâu người Nga đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến với Thổ Nhĩ Kỳ (nước thành viên NATO), và các căn cứ của Nga chỉ nằm cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chưa tới 10km.
Cụ thể, bên cạnh các căn cứ ở Syria, Quân đội Nga còn có các căn cứ quân sự nằm sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở Armenia. Từ căn cứ số 102 của Nga ở Gyumri, Tây Bắc Armenia đến đường biên giới của Ankara chưa tới 10km, và Quân đội Nga hiện có trên dưới 4.000 quân ở căn cứ này.
Cũng theo Khramchikhin, Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rõ sự nguy hiểm của các căn cứ Nga trên đất Armenia, và để đối phó Ankara có thể sẽ kích động một cuộc xung đột mới ở Nagorno - Karabakh (khu vực lãnh thổ tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan) đẩy khu vực Trung Á vào một vòng xoáy xung đột mới.
Xe tăng Nga và Armenia trong một tập trận chung tại căn cứ số 102. Ảnh: TASS.
Trong trường hợp này Nga buộc phải đưa quân sang hỗ trợ cho Armenia dựa theo các hiệp ước của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).
"Khi xung đột lan rộng căn cứ số 102 nằm ở biên giới Armenia sẽ bị Thổ Nhĩ Kỳ uy hiếp, Quân đội Nga buộc phải ứng cứu cho căn cứ này thông qua lãnh thổ của Gruzia, bởi đơn giản đây là con đường nhanh nhất", chuyên gia Khramchikhin nhận định.
Theo ông Khramchikhin, nếu Quân đội Nga vượt qua biên giới Gruzia để cứu nguy cho Armenia hay đánh vào Thổ Nhĩ Kỳ đều sẽ dẫn tới một cuộc xung đột toàn diện giữa Nga và Gruzia, thậm chí nó còn có thể kéo cả NATO vào cuộc.
Tuy nhiên, chuyên gia Khramchikhin cũng thừa nhận rằng một kịch bản trên khó có thể xảy ra bởi lợi ích mà Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ có được từ Syria không đủ lớn để họ kéo nhau vào một cuộc chiến một mất một còn như trên.
Mặt khác, đối đầu giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria trong hai tuần qua đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib có hiệu lực, và có vẻ như Moscow hay Ankara đều muốn giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao hơn là chiến tranh.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập thêm các trạm kiểm soát mới ở Idlib.