Báo Mỹ: Trung Quốc giàu có, nhưng thích giấu mình để tận dụng thế giới

L.T |

Thu nhập trung bình của người Trung Quốc năm 2017 là gần 9.000 USD, còn rất xa mới cân bằng được với nhóm các quốc gia nằm trong nhóm thu nhập cao. Nhưng điều đó chỉ thể hiện Trung Quốc thực tế rất giàu.

Suốt 20 năm qua, hầu hết giới doanh nhân nước ngoài đến Trung Quốc đều được rót vào tai thực tế chẳng mấy dễ chịu: Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế đang phát triển, nên rất khó có thể đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cũng như có một nền kinh tế thị trường toàn diện. Lập luận này có vẻ hợp lý vào những năm 90, nhưng tới tận ngày nay, chuyện chẳng có gì tiến triển gì.

Theo Bloomberg, nguyên nhân chính là bởi sự phân hóa rất lớn trong xã hội quốc gia Đông Á này. Khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, nước này mới chỉ là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới và đang trong giai đoạn đầu tái cấu trúc lại các doanh nghiệp Nhà nước để tăng tính cạnh tranh.

Giờ đây, vị thế của Trung Quốc là thứ hai và là nước có giá trị thương mại lớn nhất thế giới, với việc sản sinh ra 115 trong số 500 công ty lớn nhất thế giới theo bảng xếp hạng vào năm 2017. Một nửa dân số Trung Quốc đang sở hữu ít nhất 1 chiếc điện thoại thông minh, được cấp nhiều bằng sáng chế nhất thế giới (từ năm 2015) và là cái nôi của 98 công ty kỳ lân (chỉ đứng sau Mỹ).

Thu nhập trung bình của người Trung Quốc năm 2017 là gần 9.000 USD, tăng gấp 8 lần so với năm 2001, nhưng vẫn còn rất xa mới cân bằng được với nhóm các quốc gia nằm trong nhóm thu nhập cao (khoảng 12.200 USD). Nhưng thực tế, Trung Quốc giàu có hơn thế rất nhiều.

Vượt trên tất cả các quốc gia thuộc nhóm G20, Trung Quốc đã xâm nhập sâu rộng trong chuỗi giá trị toàn cầu, với một thị trường trong nước còn nhiều khoảng trống và số lượng bạn hàng thế giới lớn hơn bất cứ đối thủ nào.

Hơn 200 triệu người Trung Quốc, tập trung chủ yếu ở các khu vực thành thị trung tâm như Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, hoặc các thành phố ven biển như Giang Tô, Chiết Giang... có thu nhập rất cao. Riêng ở Giang Tô, GDP trung bình của 80 triệu người ở tỉnh này lên tới 17.000 - vượt Argentina, Chile và Hungary. Con số trung bình ở Thâm Quyến - thành phố có 12 triệu dân - là 27.000 USD.

Không chỉ gây nhầm lẫn về mức sống, Trung Quốc còn duy trì một hệ thống thông tin tài chính nằm ngoài sự kiểm soát chung của thế giới. Một mặt, họ sở hữu hệ thống ngân hàng lớn nhất thế giới, thị trường chứng khoán lớn thứ hai, thị trường trái phiếu lớn thứ ba, là nước xuất khẩu ròng lớn nhất thế giới, nhưng Chính phủ vẫn áp dụng các biện pháp bảo hộ trong nước, tránh xa các cuộc chiến cạnh tranh công bằng.

Trong nhóm G20, Trung Quốc được xem là nước kín tiếng nhất, khi các nhà đầu tư nước ngoài bị cấm góp vốn vào rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ, dù ba công ty công nghệ lớn nhất của quốc gia này đều đang có khoản đầu tư rất lớn vào ngành điện toán đám mây của Mỹ.

Điều đó có nghĩa là các công ty của Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội đầu tư và mở rộng xuất khẩu trên phạm vi toàn cầu, đồng thời tận hưởng thị trường trong nước được bảo vệ đáng kể trước sự xâm nhập từ các đối thủ.

Trong rất nhiều năm, cơ chế này mang tới lợi ích không gì so sánh được cho Trung Quốc. Nhưng giờ đây, khi thế giới bất ổn hơn, Trung Quốc sẽ là nước tổn thương nhiều nhất nếu xảy ra chiến tranh thương mại. Sự bất hợp tác của các thị trường xuất khẩu có thể khiến vị thế mắt xích trong chuỗi giá trị của Trung Quốc giảm dần.

Thách thức chính của Trung Quốc hiện nay là thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, để trở thành một nền kinh tế tiên tiến, đổi mới. Nhưng trên chặng đường ấy, Trung Quốc hiểu rằng họ không thể kỳ vọng mang tới một "xã hội thịnh vượng" cho tất cả mọi công dân của mình; còn thế giới sẽ không thể đặt cược vào sự minh bạch của Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại