Chương trình EB-5 của chính phủ Mỹ cho phép các công dân nước ngoài nhận thẻ xanh để thường trú tại quốc gia này.
Điều kiện được đặt ra là những người nước ngoài này phải đầu tư ít nhất 500.000 USD vào các dự án ở nông thôn tạo ra ít nhất 10 việc làm cho người Mỹ, hoặc đầu tư ít nhất 1 triệu USD vào các dự án khác. Điều này có nghĩa là bạn có thể mua quyền sống ở Mỹ. Nhu cầu lớn nhất đến từ Trung Quốc.
Mỹ có hạn ngạch 10.000 visa hàng năm cho các nhà đầu tư EB-5. Vào tháng 11/2017, số lượng người nộp đơn trong danh sách chờ là hơn 30.000 người, gần 90% trong số đó là người Trung Quốc. Canada cũng có một chương trình tương tự, nhưng đã loại bỏ nó vào năm 2014 sau khi có quá nhiều người Trung Quốc giàu có đăng ký.
Trong năm 2017, hơn 46% người Trung Quốc với tài sản từ 10 đến 200 triệu nhân dân tệ (1,3 triệu USD – 26,3 triệu USD) cân nhắc đến việc di cư, theo một cuộc khảo sát của Hurun, một công ty nghiên cứu ở Thượng Hải.
Trong một cuộc khảo sát chung với Visas Consulting Group, một công ty Canada, hơn ¾ số người được hỏi đề cập đến giáo dục cho con cái là một lý do cho ý định di cư. Gần 1/6 chọn môi trường chính trị ở Trung Quốc, và gần 1/5 nói rằng họ hi vọng sẽ bảo vệ được tài sản của họ.
Sự gia tăng người Trung Quốc ở vùng ngoại ô
Sự bất an của những người Trung Quốc và mong muốn giáo dục phương Tây cho con cái họ được thể hiện trong sự phát triển nhanh chóng của cộng đồng người Trung ở các vùng ngoại ô của các thành phố lớn ở Úc, Mỹ và Canada.
Hurstville ở Sydney, Box Hill ở Melbourne, Richmon ở San Francisco cũng như Richmond ở Vancouver là những địa điểm mà 20 năm trước Wei Li, một học giả tại Đại học bang Arizona, gọi là “ethnoburb”: các khu đô thị thịnh vượng nơi những người di cư tới từ Trung Quốc chiếm phần lớn dân số.
Dù Trung Quốc đang ngày càng phát triển, có nhiều cơ hội hơn, ngày càng nhiều người giàu có ở quốc gia này muốn rời đi.
Kể cả phương tiện truyền thông của nhà nước Trung Quốc cũng thừa nhận điều này: “Niềm đam mê của giới siêu giàu Trung Quốc với định cư ở nước ngoài và có hộ chiếu nước ngoài đã đạt mức kỷ lục. Tờ China Daily, một tờ báo chính thống bằng tiếng Anh của nhà nước Trung Quốc đã viết như vậy vào năm 2014.
Các giảng đường tại các trường đại học của Úc cung cấp những bằng chứng rõ ràng hơn. Tỷ lệ sinh viên Trung Quốc tham gia các môn học được chấm điểm cao trong hệ thống đánh giá thẻ xanh dựa trên điểm số của chính phủ Úc lớn hơn rất nhiều so với các môn học khác.
Số lượng sinh viên Trung Quốc tại Úc tăng 17% trong năm ngoái, lên 140.000 người.
Ngoài chất lượng giáo dục và ít cạnh tranh khốc liệt hơn so với các trường đại học tốt nhất ở Trung Quốc, còn có một sức hút khác khiến sinh viên Trung Quốc muốn đến với Úc: những người nước ngoài tương đối dễ dàng trở thành cư dân Úc nếu họ tốt nghiệp tại quốc gia này.
Tại Sydney, Monika Tu, người sáng lập Black Diamondz Property Concierge, chuyên bán những căn nhà đắt tiền cho những người Trung Quốc giàu có.
Cô cho biết cô thấy những nỗ lực gần đây của chính phủ Trung Quốc nhằm hạn chế dòng vốn đổ ra nước ngoài và ngăn chặn các quan chức chính phủ tham nhũng chạy trốn ra nước ngoài chưa có hiệu quả.
Số lượng khách hàng ngày ngày càng gia tăng của cô là những người Trung Quốc trẻ tuổi kiếm bộn tiền từ các ngành công nghệ đang bùng nổ ở quốc gia châu Á này. Theo cô Tu, họ thấy việc được sinh sống ở Úc là một món hời, khi Bắc Kinh và Thượng Hải đắt đỏ hơn rất nhiều so với Sydney.
Nhiều người Trung Quốc nghèo hơn cũng bị thu hút bởi cuộc sống ở nước ngoài. Nền kinh tế của Trung Quốc có thể bùng nổ, nhưng đối với những người tới từ vùng nông thôn, định cư và làm giàu ở một thành phố lớn của quốc gia này có thể khó khăn ngang với ở nước ngoài.
Đôi khi, thậm chí nó còn khó khăn hơn, vì người di cư trong nước ở Trung Quốc chỉ được coi là những công dân hạng hai.