Trong bài xã luận mới đăng trên trang American Conservative có tiêu đề "Nước Nga đã từ bỏ ông Trump và phương Tây", tác giả Patrick J. Buchanan đã bàn về mối quan hệ của hai nước Nga-Mỹ và chính sách của Washington đối với Moskva hiện nay.
Ông Buchanan cho rằng những thành quả từ thời cựu Tổng thống Ronald Reagan hay Richard Nixon giờ chỉ còn là lịch sử, và cuộc tập trận chung vừa qua của Nga, Trung Quốc và Mông Cổ - được cho là lớn nhất từ thời Liên Xô - đã gửi đến phương Tây một lời đe dọa rất rõ ràng và đanh thép.
Trong bài viết, tác giả đã đề cập đến một số vấn đề trong quan hệ giữa hai nước Nga-Mỹ, trong đó có tuyên bố xây dựng căn cứ mới trên biển Azov gần đây của Ukraine.
Theo đó, Ukraine - với sự hậu thuẫn của Mỹ - đã lên kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân mới gần bán đảo Crimea để đối phó với Nga trong khu vực. Căn cứ mới này, theo Trung tướng hải quân Ukraine Vasily Bogdan, sẽ trở thành quân bài đối trọng, buộc Moskva phải "nhượng bộ và ngồi vào bàn đàm phán" với Kiev.
Trước đó, Mỹ cũng đã 'đánh tiếng' với Ukraine rằng Washington sẵn sàng mở rộng nguồn cung và cấp thêm vũ khí sát thương hỗ trợ lực lượng hải quân của Kiev, đồng thời đe dọa Nga ngừng cản trở các tàu thuyền đi từ Biển Đen tới Biển Azov thông qua eo biển Kerch.
Hiện nay Kiev đã có một số tàu tuần tra trong vùng Biển Azov, và trong thời gian tới sẽ tiếp tục đưa thêm một số tàu khác tới địa điểm này. Tuy nhiên, theo ông Buchanan, thì hải quân Nga thừa sức đánh chìm đội tàu chiến ít ỏi hiện nay của Ukraine và xóa sổ căn cứ mới chỉ trong vòng vài phút.
Chính vì lí do trên, tác giả bài viết đã đặt ra câu hỏi liệu việc Mỹ quyết định điều lực lượng tới hỗ trợ Ukraine tại Biển Đen và Biển Azov có phải là điều đúng đắn hay không, khi khu vực ấy vốn dĩ được coi là 'sân sau' của Nga.
Ngoài vấn đề Ukraine, tác giả Buchanan còn đề cập tới việc Ba Lan đề nghị Mỹ xây dựng căn cứ mới trên lãnh thổ của mình mang tên "Pháo đài Trump", trong đó nước sở tại sẽ chi trả 2 tỉ USD cho dự án này. Còn tại vùng Balkan, bất chấp sự phản đối của Nga, Mỹ đang ra sức kêu gọi Macedonia gia nhập NATO.
Một lần nữa, tác giả lại đặt ra nghi vấn về quyết định của chính phủ Mỹ. Khi chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Ba Lan, phía Kremlin đã lập tức đáp trả bằng cách triển khai các tên lửa Iskander tiên tiến có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tại Kaliningrad, khu vực giáp vùng biên giới phía Bắc của Ba Lan.
Hiện nay Mỹ đang liên tục gây sức ép với Nga với những động thái đe dọa như điều tàu chiến tới Biển Đen và phía Đông của Biển Baltic, kế hoạch xây dựng căn cứ mới ở Ba Lan, hay hậu thuẫn cho Ukraine tại Donbass và Biển Azov.
Ông Buchanan cho rằng Mỹ không nên chủ quan trước sức mạnh của Nga. Một ví dụ điển hình là năm 2008, giữa Gruzia (quốc gia được Mỹ hậu thuẫn) và Nga từng xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, cuộc chiến ấy chỉ diễn ra chớp nhoáng trong vòng 5 ngày, với chiến thắng áp đảo của Nga.