Báo Mỹ ấn tượng quân đội Trung Quốc đột phá "vô tiền khoáng hậu"

An Bình |

Theo CNN, dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một cuộc 'cách mạng' đã diễn ra bên trong các lực lượng vũ trang của Bắc Kinh.

Quân đội Trung Quốc (PLA) đã phát triển và hiện đại hóa nhanh chóng kể từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại thế giới vào những năm 1980, nhưng dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, tốc độ đó đã tăng tốc với sự tập trung vào việc chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh trong tương lai.

Ông Tập cũng đã bắt tay vào việc tái tổ chức nội bộ lớn của PLA, hợp lý hóa tổ chức và tăng cường ảnh hưởng của ông trong lực lượng này.

Hôm thứ ba, chính phủ Trung Quốc đã tiết lộ mức tăng 7,5% chi tiêu quân sự trong dịp diễn ra "Hai phiên họp" hàng năm tại Bắc Kinh, giảm nhẹ so với mức tăng chi tiêu của năm ngoái.

Các chuyên gia cho biết sự sụt giảm nhẹ có khả năng là để tránh việc trong nước cho rằng chi tiêu quân sự vượt xa mức tăng trưởng kinh tế chung- dự kiến sẽ tăng trưởng không quá 6,5% trong năm 2019.

Trong khi quân đội Trung Quốc có thể là một trong những lực lượng vũ trang được tài trợ tốt nhất thế giới, ngân sách của nước này vẫn kém nhiều so với Hoa Kỳ. Vào tháng 12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý tăng ngân sách ngân sách quốc phòng lên 750 tỷ USD vào năm 2019.

Hải quân Hoa Kỳ vẫn có sức ảnh hưởng lớn tại các đại dương trên thế giới, vượt xa Trung Quốc về khả năng hậu cần và tầm bao quát quốc tế.

Nhưng Bắc Kinh cũng đang nhanh chóng giành được chỗ đứng trước đối thủ Mỹ, gia tăng số lượng tàu hải quân và tiến bộ công nghệ, theo Andrew Erickson, giáo sư về chiến lược tại Viện Nghiên cứu về Hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học Hải chiến Hoa Kỳ.

"Không ai định hướng mức độ phát triển quân sự Trung Quốc như vậy trong lịch sử nước này trước thời ông Tập Cận Bình", ông Andrew Erickson nói.

Báo Mỹ ấn tượng quân đội Trung Quốc đột phá vô tiền khoáng hậu - Ảnh 1.

Ngân sách quân sự 1 số nước đứng đầu thế giới năm 2017.

Sự phát triển các lực lượng

Erickson nói, việc so sánh trực tiếp mọi khía cạnh của ngân sách quân sự hai quốc gia là điều không thể, bởi vì các chính phủ khác nhau tính chi tiêu theo những cách khác nhau.

Nhưng chuyên gia Mỹ cho biết, không thể thay đổi một điều rằng ngân sách quân sự của Trung Quốc lớn thứ hai trên thế giới.

"Rõ ràng, về tổng thể, những lực lượng vũ trang này đã được tính toán. Trong nhiều lĩnh vực, họ có hệ thống vũ khí mà chỉ một số quốc gia khác sở hữu", ông nói.

"Nếu bạn nhìn vào quân đội Trung Quốc cách đây vài năm, dưới thời Chủ tịch Tập, sự tiến bộ thực sự rất lớn. Điều đó rất ấn tượng."

Dấu hiệu của nỗ lực hiện đại hóa quân đội có ở khắp mọi nơi. Từ năm 2016 đến 2017, 32 tàu mới đã được PLA đưa vào lực lượng thường trực, theo báo cáo của chính phủ Mỹ. Còn con số này ở phía Mỹ là 13 tàu.

Kể từ năm 2014, Trung Quốc đã hạ thủy nhiều tàu ngầm, tàu chiến, tàu đổ bộ và phụ trợ hơn tổng số tàu hiện đang phục vụ trong hải quân Đức, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Đài Loan và Vương quốc Anh, theo báo cáo năm 2018 của hãng tham vấn IISS.

"Hải quân Trung Quốc đang tiếp nhận tàu chiến nhanh đến mức các nguồn tin Trung Quốc ví điều này như dầm bánh bao vào nước dùng", Erickson nói.

Không quân Trung Quốc cũng thường xuyên ra mắt các máy bay và vũ khí mới và cải tiến, bao gồm cả máy bay chiến đấu tàng hình hai động cơ J-20.

Không quân Trung Quốc hiện là lực lượng lớn nhất ở châu Á và lớn thứ ba trên thế giới, theo Bộ Quốc phòng Mỹ, và đang thu hẹp khoảng cách với Mỹ "ở một loạt các khía cạnh năng lực."

Đồng thời, ông Tập cũng đã bắt đầu tổ chức lại các lực lượng quân đội, nhấn mạnh chất lượng và hiệu quả hơn là số lượng. Nhiều cựu tướng đã bị kỷ luật hoặc bỏ tù vì tham nhũng trong nỗ lực chuyên nghiệp hóa các lực lượng vũ trang.

Cán cân tàu sân bay và tàu hộ tống

Trong khi sức mạnh quân sự của Mỹ và Trung Quốc thường được mang ra so sánh, hai chính phủ dường như đã xây dựng lực lượng vũ trang của họ để phục vụ các mục tiêu khác nhau.

Washington nói rằng họ hướng tới duy trì một phạm vi toàn cầu cho quân đội của mình để bảo vệ các đồng minh và lợi ích của Mỹ trên phạm vi quốc tế.

Còn Bắc Kinh tuyên bố lợi ích của họ nằm gần nhà hơn.

Zhang Yesui, phát ngôn viên Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (NPC) vào chiều thứ Hai nói với các phóng viên: "Chi tiêu quốc phòng có giới hạn của Trung Quốc, nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, không gây ra mối đe dọa nào cho bất kỳ quốc gia nào khác.

Các kịch bản chính mà quân đội Trung Quốc quan tâm có thể được gọi là "tác chiến tại sân nhà, thay vì sân khách", ông Erickson nói.

Trong khi Mỹ có một đội tàu khổng lồ gồm 12 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, Trung Quốc chỉ có một tàu sân bay chạy bằng năng lượng thông thường đang hoạt động. Type 001A, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc, được ra mắt vào năm 2018 nhưng vẫn chưa gia nhập hạm đội.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã nhanh chóng sản xuất các tàu hộ tống lớp Jiangdao-loại tàu chiến nhỏ thường phù hợp nhất để chiến đấu gần nhà. Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2018 cho biết động thái này có mục đích là tác chiến ở "vùng duyên hải", hay chiến đấu sát bờ biển Trung Quốc.

Dù vậy, Trung Quốc cũng đang có hướng đến phát triển hạm đội để mở rộng ảnh hưởng toàn cầu. PLA đã mở căn cứ quốc tế đầu tiên tại Djibouti vào tháng 7 năm 2017. Một tàu sân bay thứ ba được cho là đang được phát triển và có thể có sức mạnh tiên tiến.

Nghi ngại?

Trung Quốc chắc chắn đang đạt được nhiều tiến bộ nhanh chóng. Tuy nhiên, một số chuyên gia nghi ngờ khả năng chiến đấu như một lực lượng được gắn kết và cả kinh nghiệm của lực lượng quân đội Trung Quốc.

Cũng có những nghi ngờ xung quanh hiệu quả của một số công nghệ mới của PLA. Nhà phân tích quân sự Carl Schuster, từng phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ, đã nghi ngờ về một số tiến bộ được cho là của quân đội Trung Quốc, bao gồm tuyên bố rằng họ đã phát triển một tên lửa đạn đạo diệt hạm.

Về mặt lý thuyết, một tên lửa như vậy có thể đặt các tàu sân bay của Mỹ vào tầm bắn.

Nhưng Schuster nói rằng, không có quân đội nào từng phát triển thành công tên lửa đạn đạo chống hạm và Trung Quốc không cho thấy bằng chứng nào thực sự về việc họ có thể bắn trúng mục tiêu đang di chuyển trong đại dương.

Nhưng Davis cũng cho biết, các triển vọng tăng cường quân đội của Hoa Kỳ đang ngày càng gặp khó khăn, khi chi phí bảo trì tăng và một hạm đội đang già cỗi- điều có thể cho Bắc Kinh cơ hội bắt kịp.

"Không rõ rằng liệu lợi thế truyền thống về công nghệ quân sự đối với Mỹ sẽ còn được giữ nguyên vẹn hay không", ông nói.

"Cân bằng giữa duy trì và hiện đại hóa là một thách thức thực sự đối với Hoa Kỳ khi các lực lượng của họ ngày càng già đi, trong khi Trung Quốc đang tiến lên phía trước", chuyên gia này cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại