Sau thảm họa cháy rừng Amazon ở Brazil hồi tháng 8/2019, bước sang năm 2020, chúng ta tiếp tục chứng kiến đại thảm họa cháy rừng ở Úc. Biển lửa hung tàn và lan rộng tới nỗi đã thiêu rụi gần nửa tỉ sinh vật, 1/3 số gấu Koala bị chết cháy; Hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy; Khiến hàng chục người thiệt mạng.
Nước Úc đang bị bão lửa hoành hành, không chỉ gây thiệt hại vô cùng tàn khốc về người và kinh tế mà còn giáng những đòn nặng nề vào hệ sinh thái và chức năng hệ sinh thái tại xứ sở Kangaroo này.
E rằng, nỗi đau mà nước Úc đang phải gánh chịu chưa dừng lại khi giới khoa học thế giới cảnh báo về sự tuyệt chủng thảm khốc của động vật và thực vật trên toàn Trái Đất.
Một người lính cứu hỏa đang nỗ lực chữa cháy gần thị trấn Nowra, bang New South Wales, Úc. Photo: Saeed Khan/AFP via Getty Images
Nhìn rộng ra, con người hiếm khi chứng kiến những thảm họa cháy rừng khủng khiếp như thế này xảy ra thường xuyên trong quá khứ. Bởi thế, ít ai biết rằng, những trận cháy rừng quy mô lớn đã thúc đẩy sự tuyệt chủng hàng loạt và định hình lại sự sống trên Trái Đất ít nhất một lần, cùng với sự kiện thiên thạch tấn công Trái Đất khiến loài khủng long tuyệt chủng hoàn toàn cách đây hơn 60 triệu năm.
Úc là một trong 17 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học giàu có nhất hành tinh. Điều đáng buồn là, phần lớn sự phong phú về loài tại Úc lại tập trung ở những khu vực đang bị tàn phá bởi các trận cháy rừng tàn khốc.
Trong khi một số động vật có vú và các loài chim đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao, mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn đối với động vật không xương sống nhỏ, ít di động (chiếm phần lớn đa dạng sinh học động vật).
Ví dụ, rừng mưa nhiệt đới Gondwana ở các bang New South Wales và Queensland đã bị ảnh hưởng xấu bởi các đám cháy. Những khu rừng được xếp hạng Di sản Thế giới này là nơi cư trú của sự đa dạng phong phú của côn trùng và một loạt các loài ốc đất khổng lồ.
Các vụ cháy rừng ở Úc đã được mô tả là "chưa từng có", và sự tuyệt chủng có thể tiếp diễn trong một thời gian dài.
Lịch sử Trái Đất từng chứng kiến những vết thương lớn trên mình của nó, đó là là những vụ cháy rừng lớn mà giới khoa học tìm thấy trong các dấu tích khảo cổ xưa kia.
Trong khi con người hiện đại đang chống chọi với đại thảm họa cháy rừng thì giới khoa học cung cấp những bằng chứng mạnh mẽ và đáng lo ngại về việc dòng lửa hung tàn, đẩy Trái Đất lâm vào sự kiện tuyệt chủng lớn, làm biến dạng hoàn toàn sự sống trên hành tinh.
Cách đây 66 triệu năm, một sự kiện đại tuyệt chủng có tên Cretaceous–Paleogene đã chấm dứt sự thống trị của loài khủng long; đồng thời xóa sổ 75% sự sống trên hành tinh của chúng ta, gây ra sự tác động rất lớn đến sự đa dạng sinh học về sau của Trái Đất.
Sự kiện đại tuyệt chủng có tên Cretaceous–Paleogene đã chấm dứt sự thống trị của loài khủng long. Photo: Kbeis/iStock
Giới khoa học đồng tình rằng, thảm họa sự sống này chủ yếu bắt nguồn từ sự tàn phá của tiêu hành tinh đường kính 10 km khi đâm sầm vào Trái Đất tại khu vực Mexico ngày nay - làm nổ tung vùng đất và tạo ra một miệng hố khổng lồ có kích thước bằng bang hải đảo Tasmania của Úc. Hệ quả, một mùa đông hạt nhân bao trùm khắp thế giới. Bóng tối kéo dài đã giết chết hệ sinh thái, từ thực vật phù du trở lên.
Về lý thuyết, mùa đông hạt nhân có nhiều đặc điểm giống với kỷ băng hà, nhưng không khí trong mùa đông hạt nhân đặc biệt độc, có thể khiến sinh vật sống mắc bệnh hoặc chết ngay lập tức khi hít thở phải.
Nghiên cứu gần đây cho thấy các vụ cháy rừng lớn trên toàn cầu có khả năng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự tuyệt chủng, ít nhất là đối với sự sống trên cạn.
Giới khoa học tin rằng, việc thiên thạch ma sát khủng khiếp với bầu khí quyển Trái Đất rồi phát nổ khi va chạm với Trái Đất đã phát tán hàng triệu vẫn thạch nóng, trở thành mồi lửa khổng lồ, thiêu rụi nhiều sinh vật và đốt cháy nhiều khu rừng trên Trái Đất.
Các mẫu hóa thạch của động vật sống trên cạn - đặc biệt là của các loài bò sát, chim và động vật có vú - trở thành minh chứng đanh thép nhất từ 'bão lửa khủng long'. Rất nhiều loài sinh vật sống trên cạn bị giết chết ngay lập tức. Số ít còn lại sống sót nhờ khả năng ẩn nấp trong các kẽ hở sâu dưới lòng đất hoặc thoát nạn khi sống ở biển sâu.
Gián tiếp sinh ra từ thiên thạch, các vụ cháy rừng trên quy mô lớn trở thành nguyên nhân gây nên cuộc đại tuyệt chủng cách đây hơn 60 triệu năm; tái cấu trúc hoàn toàn sinh quyển Trái Đất về sau.
Các vụ cháy rừng lan tràn gần đây ở phạm vi khu vực chứ không phải toàn cầu (ví dụ cháy rừng ở Úc, cháy rừng Amazon, ở Canada, California (Mỹ), Siberia); và dĩ nhiên hủy hoại ít hơn so với thời kỳ 'bão lửa khủng long' cách đây hơn 60 triệu năm.
TUY NHIÊN, dưới cái nhìn xa trông rộng của giới khoa học, ảnh hưởng tuyệt chủng lâu dài của các vụ cháy rừng khu vực thảm khốc này có thể nghiêm trọng hơn về sau, bởi vì hành tinh của chúng ta đã mất một nửa diện tích rừng dưới bàn tay của con người.
Ít nhất 24 người đã thiệt mạng sau thảm họa cháy rừng ở Úc. Bang New South Wales hứng chịu hậu quả nặng nề nhất. Photo: Glen Morey via AP
Những đám cháy rừng này đang tấn công các 'trại tị nạn' của sinh vật sống khiến sự đa dạng sinh học bị đe dọa khẩn cấp, đồng thời góp phần gây nên sự nóng lên toàn cầu.
Nhìn từ quá khứ, các nhà khoa học cung cấp những câu chuyện thảm họa được viết lên từ những tảng đá, những bằng chứng khảo cổ: Những trận bão lửa có thể góp phần thúc đẩy cuộc đại tuyệt chủng thời hiện đại, dù cho các loài động vật có xương sống có lớn, phân bố rộng khắp và có tính di động cao thời nay đi nữa.
Sau cuộc đại tuyệt chủng Cretaceous–Paleogene, phải mất hàng triệu năm, sinh vật mới có khả năng tái sinh và tiến hóa để phục hồi sau thảm họa mùa đông hạt nhân và cháy rừng do tác động từ thiên thạch.
Bài viết dịch từ nghiên cứu của Giáo sư sinh học tiến hóa Mike Lee, thuộc Đại học Flinders (Úc) đăng trên The Conversation
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.