Bạo loạn thời Euro: Hổ thẹn đến từ nỗi sợ hãi

Hà Quang Minh |

Người Anh đang châm ngòi cho những trận chiến ngoài sân cỏ tại nước Pháp. Nhưng không phải họ mạnh mẽ, hiếu chiến mà sợ hãi khủng bố.

"ISIS crew, where are you? We’ve got pork on the barbecue" (Lũ ISIS kia, chúng mày đang ở đâu? Bọn tao đang nướng thịt heo trên lò than đây). Đó là những gì mà các CĐV Anh hát vang lên ở Marseille suốt vài ngày trước trận gặp Nga.

Họ làm loạn thành phố cảng nước Pháp. Họ khiến cư dân ở đó cảm thấy khó chịu, và ngột ngạt. Trong số những cư dân ấy có cả những người nhập cư Hồi giáo. Và vài đụng độ nho nhỏ đã xảy ra.

Những người Marseille thừa hiểu thứ phiền toái ấy do bóng đá mang lại. Họ tránh những đụng độ không cần thiết. Với họ, người Anh ở đó cũng chỉ vài hôm. Và khi người Anh đã uống say, tránh họ thì tốt hơn hẳn.

Lúc ấy, những người Nga bắt đầu xuất hiện. Họ hát Kachiusha. Họ đông hơn người Anh. Đường phố Marseille không thể chịu đựng thêm những căng thẳng bắt đầu hình thành. Họ lao vào đánh nhau. Ngoài phố.

Trên khán đài. Người Anh có vẻ lép vế trong trận chiến không cân về quân số. Ước tính khoảng 5000 CĐV Nga tới Marseille trong khi phía Anh chỉ có khoảng 2000.

Bạo loạn thời Euro: Hổ thẹn đến từ nỗi sợ hãi - Ảnh 1.

UEFA cảnh báo, nếu Nga còn để CĐV quấy rối như thế nữa, Nga sẽ bị loại khỏi vòng bảng EURO 2016 này. Đó là một đe doạ trừng phạt cứng rắn.

Chuyện hooligans đụng độ nhau hầu như năm nào cũng có, và hầu như ở giải đấu lớn nào cũng có, đặc biệt nếu có sự tham dự của hooligans từ Anh, từ Hà Lan và từ Đức.

Nhưng thực sự lần đụng độ đáng xấu hổ và ô nhục này có phải chỉ đơn thuần là hooligans? Không chắc. Nó chính là một căn bệnh tâm lý nằm trong lòng châu Âu.

"Lũ hèn nhát. Chúng mày làm mất thể diện của những anh em Ăng lê thực thụ. Chúng mày để nó đánh chúng mày thế thì nhục nhã quá".

Đó là một bình luận, chắc là của một hooligans Anh quốc, dưới một video trong số đầy rẫy các video cận cảnh Anh – Nga đánh nhau ở Marseille được tung lên youtube, một bình luận đầy hiếu chiến và kích động.

"Từ từ nào, người anh em. Họ chỉ là CĐV bóng đá đơn thuần thôi. Họ không phải EDL. EDL không có tiền mua vé sang xem đá bóng. Xem ra, những CĐV của mình đã đụng phải những "firm" (từ ám chỉ các tổ chức hooligans) thứ thiệt".

Bạo loạn thời Euro: Hổ thẹn đến từ nỗi sợ hãi - Ảnh 2.

Đó là một bình luận khác, để trả lời lại bình luận kể trên, và nó cũng trả lời luôn cho câu chuyện xấu xa cuả EURO 2016 này.

Những CĐV Anh và CĐV Nga có phải là hooligans hay không? Chúng ta chưa có câu trả lời. Tại sao CĐV Anh và Nga lại đánh nhau, dù đây không phải lần đầu họ chạm trán nhau trên sân bóng? EDL là cái gì? Nó liên quan gì đến những sự kiện đổ máu kể trên?

EDL (English defence league) là một phong trào bài Hồi giáo đang lớn mạnh thực sự ở Anh quốc, thậm chí nó còn lớn mạnh gấp mấy lần phong trào bài Do Thái (anti-semisic) ở Pháp những năm qua.

Và EDL đang trở nên bùng nổ hơn, sau khi châu Âu trở thành mục tiêu của khủng bố với thứ gọi là "chiến tranh đô thị".

Trước khi EURO khởi tranh, người Anh vẫn còn tranh cãi về cái gọi là Brexit, một quan điểm đưa ra cho rằng Anh nên rời khỏi EU.

Người Anh không muốn dính đến EU nữa, không phải vì họ e ngại những phiền toái kinh tế mà liên minh bao gồm nhiều quốc gia châu Âu chênh lệch nhau ấy có thể mang lại, mà bởi nỗi sợ thực sự, nỗi sợ chủ nghĩa khủng bố đang lên ngôi như một bóng ma vô hình.

Bạo loạn thời Euro: Hổ thẹn đến từ nỗi sợ hãi - Ảnh 3.

Người Anh cảm giác rằng việc là đồng minh quá gần với các nước EU, những nước mới đây đã là nạn nhân của khủng bố, cũng có thể sẽ kéo nước Anh vào vấn nạn chiến tranh đô thị như chính những đồng mình của mình.

Và họ nghĩ Brexit có thể là giải pháp. Nó như sự thể hiện một thái độ về việc Anh quốc không phải là kẻ thù của những lực lượng khủng bố thoắt ẩn thoắt hiện kia. Và nó cũng là một thái độ ứng phó trước nỗi sợ.

Nhưng đấy là suy nghĩ của những người Anh hiền lành. Còn những người Anh cũng đang sống những cuộc đời không mấy sáng sủa về tương lai, họ sẽ tìm đến cách giải toả cực đoan hơn để đối phó nỗi sợ ấy.

Nó chính là EDL, một phong trào bài Hồi giáo đến mức gây hấn, kể cả là gây hấn phi lý như những hooligans sống không mục đích được mô tả trong bộ phim Green Street Hooligans.

Người Nga giữ một vai trò bí hiểm trong cuộc khủng hoảng Syria và những người Anh cực đoan không thích điều đó. Họ có thể sẽ đánh đồng người Nga với thế giới đáng sợ, bí ẩn kia y như cái cách họ lo sợ bị lực lượng khủng bố đánh đồng mình với Pháp, Đức hay EU nói chung.

CĐV Anh - Nga loạn chiến như... giang hồ

Mâu thuẫn có thể nảy sinh từ đó, nhất là khi nó được tuôn ra từ vài cái miệng quá khích của những CĐV đã quá say men.

Và câu chuyện ở Marseille đã nói lên tất cả. Không phải EURO này khâu tổ chức kém hẳn quá khứ. Càng không phải EURO này đông hooligans hơn quá khứ.

Đơn giản, sự thay đổi chóng mặt của tình hình chính trị, xã hội suốt mấy năm qua trên tất cả các điểm nóng toàn cầu đã tạo nên một nỗi sợ thật sự: Sợ khủng bố cực đoan.

Nỗi sợ ấy dần dần được quy đồng mẫu số thành nỗi sợ Hồi giáo, Và cuối cùng, những hổ thẹn như sự kiện Marseille đã xảy ra, như nó phải xảy ra, đúng kiểu một giải toả tức thời của một đời sống ngày càng ngột ngạt và bức bối…

Trong trận đầu ở Euro 2016, Anh hòa Nga 1-1 dù tạo được nhiều cơ hội hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại