Bão Damrey có thể kèm vòi rồng: 2 năm vòi rồng liên tiếp xuất hiện ở Việt Nam

Hoa Hướng Dương |

Vòi rồng là hiện tượng thời tiết cực đoan không thể xem thường, được dự báo là có thể xuất hiện trong đợt bão số 12 - bão Damrey tấn công phía nam nước ta.

Một áp thấp nhiệt đới hình thành trên biển Đông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 12 với tên quốc tế là Damrey. Các chuyên gia dự báo, kèm với bão Damrey nguy cơ vòi rồng xuất hiện có thể sẽ xảy ra ở khu vực biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang.

Vậy vòi rồng là gì và nguy hiểm đến mức nào?

Theo định nghĩa của từ điển khí tượng học thì vòi rồng hay lốc xoáy "một cột khí xoáy dữ dội, hút từ bề mặt đất lên đám mây vũ tích, tạo thành hình như cái phễu di động lủng lẳng từ một đám mây, trông giống như cái vòi".

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Kiên Giang, trả lời trên báo Đời sống & Pháp luật cho biết: Chúng ta dùng từ vòi rồng khi nó xuất hiện và hoạt động trên biển, còn lốc xoáy khi nó đi vào đất liền.

Bão Damrey có thể kèm vòi rồng: Bi kịch ở Nhật và những lần vòi rồng xuất hiện ở Việt Nam - Ảnh 1.

Vòi rồng kèm sấm chớp. Ảnh NASA.

Vòi rồng thường xuất hiện trong các mùa dông bão, rất nguy hiểm và có màu trắng hay đen tùy thuộc những gì mà nó cuốn theo. Chúng thường kéo dài từ vài chục giây cho tới không quá 1 tiếng đồng hồ (chưa ghi nhận về cơn lốc xoáy/vòi rồng nào có thời gian lâu hơn).

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới vòi rồng, thậm chí ngay những ngày trời quang mây tạnh, không có bất cứ điều gì bất thường gì ("thời tiết đẹp") thì vẫn có thể có vòi rồng chứ không riêng gì khi có các cơn dông hay bão mạnh.

Vòi rồng nguy hiểm tới mức nào? Thực trạng vòi rồng ở nước ta

Giống như áp thấp nhiệt đới hay dông, bão... vòi rồng cũng được phân loại sức mạnh dựa vào sức gió, trên thang phân loại gió từ EF (từ EF0 đến EF5), nó chỉ được xếp vào mức yếu nhất là EF0.

Xem video:

Vòi rồng ở Hòn Đá Bạc - Cà Mau. Nguồn: Youtube/Ân Quách.

Tuy vậy đừng vì thế mà xem thường hiện tượng này. Giáo sư Trần Tân Tiến, nguyên Chủ nhiệm khoa Khí tượng – Thủy văn – Hải dương học (trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng trên báo Đời sống & Pháp luật cho biết thêm: Vòi rồng là hiện tượng đặc biệt nguy hiểm, rất khó quan trắc hay dự đoán mặc dù nước ta ít khi có vòi rồng mạnh.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 cho biết lốc xoáy thường tập trung vào tháng 4 đến tháng 8.

Trong các năm gần đây, diễn biến thời tiết phức tạp cũng kéo theo mưa đá, vòi rồng xuất hiện nhiều hơn trước như trường hợp vòi rồng vần vũ gần nửa tiếng, cao hàng trăm mét tại biển Bạc Liêu năm 2016 hay vòi rồng khổng lồ ở Quảng Nam cùng năm đó.

Đáng chú ý nhất là hiện tượng vòi rồng xuất hiện với tần suất 2 lần ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh) năm ngoái.

Đầu năm 2017, nhiều nơi cũng ghi nhận có vòi rồng như vòi rồng cao trăm mét ở Nha Trang hay vụ việc vòi rồng nhấn chìm một tàu cá ở Phú Quốc gần đây.

Sức mạnh của vòi rồng là không thể xem thường, tuy nhiên nhiều người vẫn còn tâm lý chủ quan hay hiếu kỳ khi quay phim, chụp ảnh gần nơi có vòi rồng. Đây là điều hết sức nguy hiểm mà mọi người cần lưu ý khi bắt gặp vòi rồng.

Cập nhật bão số 12 - bão Damrey tính đến 14h30 chiều 2/11/2017

Hồi 13 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 116,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 800km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và mạnh lên. Đến 13 giờ ngày 03/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10-11, giật cấp 14; biển động dữ dội. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm do bão (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 11-15 độ Vĩ Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15 và yếu dần. Đến 13 giờ ngày 04/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,0 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12.

Dự báo trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu.

* Nguồn: Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương

* Tham khảo nhiều nguồn: Nationalgeographic, Weatherwizkids, Kantoearthquake1923

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại