Ngày 5/10, sau khi người đứng đầu cơ quan quốc phòng Đài Loan Phùng Thế Khoan tuyên bố, nếu hai bờ khai chiến, quân đội Đài Loan có thể cầm cự lâu hơn hai tuần trước quân đội Bắc Kinh thì truyền thông Đài Bắc đã ngay lập tức phản bác phát biểu này.
Tờ China times (Đài Loan) cho rằng, đó là phát biểu thái quá bởi khi so sánh sức mạnh quân đội hai bên, Đài Loan tuyệt đối không phải là đối thủ của Bắc Kinh, nếu chống cự càng lâu, thiệt hại về người của phía Đài Bắc càng nghiêm trọng.
Tờ này cảnh báo ông Phùng nên chú ý đến an toàn tính mạng của người dân hơn là dốc lực chiến đấu một cách thiếu thận trọng.
Theo Báo cáo về sức mạnh quân đội Trung Quốc do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi tháng sáu, chi tiêu quân sự Đài Loan chiếm khoảng 2% GDP, trong khi dự toán ngân sách quốc phòng đại lục gần như gấp 14 lần Đài Loan.
Báo Đài nhận định, với sức mạnh quân đội hai bờ hiện nay, Đài Loan muốn đánh trận trên biển, mà còn duy trì giằng co trong vòng hai tuần là điều hoàn toàn không thế.
"Nếu hai bờ nổ ra chiến tranh và cuộc chiến diễn ra trong vòng hai tuần thì chỉ có một khả năng: quân đội Đài Loan nhận thua.
Muốn kiềm chế sức mạnh hải quân và không quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc PLA để giành ưu thế ở eo biển Đài Loan là điều không thể nên chỉ có thể dựa vào các lực lượng mặt đất, đợi PLA lên bờ rồi tiến hành một trận thư hùng", China times viết.
Tờ này còn cho rằng, phát biểu của ông Phùng Thế Khoan cho thấy quyết tâm "tử thủ Đài Loan", không tiếc chiến đấu đến binh sĩ cuối cùng, để đến khi PLA giành được Đài Loan thì hòn đảo này cũng chỉ là phế tích.
"Nếu hai bờ thực sự đi đến bước này thì đó chính là hình ảnh ngọc nát đá tan, là một phen đại họa. Với cục diện như vậy, Đài Loan cầm cự thêm một ngày sẽ càng nhiều người thiệt mạng, hai bờ vốn cùng một nguồn cội nhưng lại tàn sát lẫn nhau nên hai bên sẽ phải trả giá đắt", China times cảnh báo.
"Nếu chiến tranh nổ ra, cho dù chỉ giằng co thêm một ngày, Đài Loan đều không thể gánh vác nổi cái giá phải trả. Nếu khai chiến, cả hai bờ đều thua bởi căn bản không có bên nào thắng", báo Đài cho rằng, sức mạnh quân đội hai bên chênh lệch quá lớn nên tránh những hy sinh vô ích.
Hồi tháng 6 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn việc bán lô vũ khí trị giá 1,42 tỷ USD cho Đài Loan. Theo Reuters gói vũ khí mà Mỹ dự định cung cấp cho Đài Loan bao gồm, công nghệ hỗ trợ radar cảnh báo sớm, các tên lửa tốc độ cao chống bức xạ, ngư lôi và các bộ phận của tên lửa.
Đài Bắc khi đó khẳng định, số vũ khí mà Mỹ sắp cung cấp sẽ giúp hòn đảo này tăng cường khả năng chiến đấu trên không, trên biển cũng như hệ thống cảnh báo sớm.
Trước sự kiện này, Bắc Kinh đã rất tức giận và cáo buộc động thái trên của Washington đã đi ngược lại với "tinh thần" trong các cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Gần đây, một số nguồn tin cho rằng, có khả năng Mỹ sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD ở Đài Loan nhằm đối phó Trung Quốc nhưng chính quyền bà Thái Anh Văn đã bác bỏ thông tin trên.
Hồi tháng 2/2017, Đại tá Trung Quốc Lương Phương cảnh cáo rằng, ngày Mỹ triển khai THAAD là ngày Trung Quốc thống nhất Đài Loan.
Theo bà này, hiện Mỹ đang muốn xây dựng một mạng lưới mắt xích bao vây khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm thách thức Bắc Kinh và Đài Loan là một trong những mắt xích quan trọng đó.
Triển khai THAAD ở Đài Loan có thể giúp Washington giám sát toàn bộ khu vực duyên hải Đông Nam Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với Bắc Kinh. Nói cách khác, hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Trung Quốc rất dễ dàng bị phát hiện bởi THAAD được trang bị hệ thống radar có cự ly dò tìm xa nhất là 2.000 km, bà Lương Phương cảnh báo.
Đài Loan tập trận sau khi tàu sân bay Liêu Ninh đi qua eo biển Đài Loan hồi đầu năm nay