Ngày 9/8 vừa qua đánh dấu 20 năm từ khi cựu tổng thống Nga Boris Yeltsin bổ nhiệm người đứng đầu Cơ quan tình báo Nga KGB Vladimir Putin làm thủ tướng nước này, mở ra một "trang sử" mới mà ngay chính cả những người trong cuộc cũng khó ngờ tới.
Dù với xuất phát điểm là một người không có nhiều kinh nghiệm chính trị, nhưng 20 năm sau ngày nhậm chức, ông Putin vẫn thể hiện bản lĩnh của một chính trị gia tài năng và đóng một vai trò quan trọng đối với tình hình thế giới.
Tuy nhiên, ông Putin đã phải đón kỉ niệm 20 năm cầm quyền với nhiều tin xấu. Tỉ lệ tín nhiệm ông Putin đã sụt giảm bởi tình hình kinh tế trì trệ và chất lượng đời sống người dân sụt giảm.
Các phong trào biểu tình tại Moskva - khiến hàng nghìn người bị bắt giữ trong những tuần gần đây - cũng là một điều đáng quan ngại.
Tuy nhiên, theo Euronews, không thể phủ nhận rằng ông Putin đã công lao to lớn trong việc xây dựng nên một nước Nga được như ngày hôm nay.
Từ một người có ít kinh nghiệm chính trị, ông Putin trở thành một nhà lãnh đạo tầm cỡ thế giới.
Từ bạn bè tới đối thủ
Những năm đầu khi ông Putin làm tổng thống, nền kinh tế Nga đã phát triển mạnh mẽ. Đây là nhờ tầm nhìn chiến lược của ông Putin. Đây cũng là giai đoạn khi ông Putin sẵn sàng hợp tác cùng phương Tây.
Tổng thống Nga là một trong những người đầu tiên điện đàm với tổng thống Mỹ khi đó là ông Bush để bày tỏ sự cảm thông sau cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11/9. Ông Putin cũng giúp Mỹ đánh Taliban tại Afghanistan và cho phép Mỹ hiện diện quân sự tại vùng Trung Á - một trong những lãnh thổ quan trọng với an ninh địa chính trị của Nga.
Nhưng từ sau cuộc cách mạng năm 2004 ở Ukraine, thái độ của ông Putin đã thay đổi.
Điện Kremlin tin rằng các thế lực nước ngoài đã tìm cách làm giảm ảnh hưởng của Nga tại đây và can thiệp của phương Tây tại Iraq không hề giúp cải thiện tình hình.
Việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 khiến Nga càng xa cách phương Tây hơn nhưng đã giúp củng cố sự ủng hộ cho ông Putin trong nước và thuyết phục được người dân rằng chính sách đối ngoại của Kremlin vẫn đang đi đúng hướng.
Những câu hỏi xoay quanh quyền lãnh đạo
Ban đầu, nhiều người đã tỏ ra nghi ngờ về việc ông Putin lên nhậm chức lãnh đạo đất nước, chủ yếu bởi ông Putin từng có thời gian công tác trong lực lượng KGB.
Tuy nhiên, nhiều người khác tin rằng ông Putin là người đã khôi phục sức mạnh Nga sau khi Liên Xô tan rã.
Kinh tế Nga suy yếu
Nền kinh tế yếu kém là một trong những nguyên nhân chính khiến tỉ lệ tín nhiệm ông Putin sụt giảm.
Năm 2018, ông Putin một lần nữa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, những nhà phân tích chính trị đặt ra câu hỏi rằng liệu đây có phải là chiến thắng "bất đắc dĩ" không khi nước Nga không còn lựa chọn nào khác.
Theo nhà phân tích Konstantin Kalachev, tỉ lệ ủng hộ ông Putin có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau.
"Tỉ lệ tín nhiệm ông Putin ngày nay khác hoàn toàn với bản chất ban đầu. Nếu trước đây nó thể hiện sự ủng hộ, thì bây giờ nó phản ánh việc không có ai thay thế được ông Putin.
Trong 20 năm qua, ông Putin là người có tiếng nói lớn nhất. Nhưng người Nga ngày nay đang muốn tìm một tiếng nói khác. Và khi người này xuất hiện, tỉ lệ ủng hộ ông Putin có thể sẽ giảm," ông nói.
Điều gì sẽ xảy ra trong tương lai?
Một số chuyên gia cho rằng ông Putin và những người thân cận sẽ tiếp tục có tiếng nói nhất định kể cả sau khi ông Putin từ chức vào năm 2024.
Trả lời AFP, nhà phân tích và bình luận truyền thông Gregory Bovt nhận định: "Chính phủ Nga có thể sẽ thiết lập một bộ phận để điều hành đất nước, và ông Putin sẽ là người đứng đầu. Ông Putin vẫn sẽ giám sát đất nước. Ông ấy có trách nhiệm hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình."