Báo cáo của thủ tướng TQ bị chê thẳng tay, cựu Bộ trưởng mắng tơi tả "Made in China 2025"

Hải Võ |

Những quan điểm trái chiều được phát biểu ở kỳ họp "Lưỡng hội" Trung Quốc năm nay được đánh giá là tín hiệu thú vị - theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).

Công chúng Trung Quốc thường ít khi chứng kiến những tranh luận chính sách có ý nghĩa. Các cuộc thảo luận thực sự dường như được tiến hành sau những cánh cửa đóng kín, nhằm hướng đến một hình ảnh đoàn kết nhất trí trước dư luận.

Tại kỳ họp "Lưỡng hội" vào tháng 3 hàng năm ở Trung Quốc - gồm Đại hội đại biểu Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân toàn quốc (CPPCC) và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC), các đại biểu thường phát biểu theo chủ trương của chính phủ và tránh đưa ra những luận điểm chi tiết.

Sự gia tăng đáng kể những tiếng nói phản biện ở kỳ "Lưỡng hội" năm nay, dù là với mức độ nhẹ, vẫn là điều khiến dư luận quốc tế quan tâm.

Theo SCMP, phần lớn quan điểm trái chiều đưa ra nhằm vào chính sách đối ngoại của ban lãnh đạo, khi Trung Quốc bị sa lầy trong chiến tranh thương mại với Mỹ và đứng trước mối lo bị kìm hãm trong tham vọng gia tăng ảnh hưởng toàn cầu.

Báo cáo của thủ tướng Lý Khắc Cường bị chê thẳng

Tại một phiên thảo luận mở, ông Diệp Đại Ba - cựu quan chức ngoại giao, nay là ủy viên Chính hiệp Trung Quốc, chất vấn rằng liệu có chính xác khi thủ tướng Lý Khắc Cường nêu trong báo cáo chính phủ rằng "Sáng kiến Vành đai và Con đường" đã đạt được "tiến triển quan trọng" trong năm 2018.

"Tôi cho rằng đánh giá như vậy là hơi thổi phồng," ông Diệp nói. "Chúng ta đạt được một số kết quả và phát triển nhanh, nhưng vẫn còn những vấn đề."

Vành đai và Con đường - sáng kiến chiến lược của chủ tịch Tập Cận Bình nhằm mở rộng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ra phạm vi châu Á và thế giới - được bổ sung vào Điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2017.

Năm 2018, Vành đai và Con đường vấp phải những rào cản không nhỏ. Bên cạnh việc Mỹ công khai cảnh báo đồng minh, đối tác và các nước khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cẩn trọng khi tham gia vào các dự án kinh tế với Trung Quốc, những dự án quan trọng mà Bắc Kinh đã đạt được với Malaysia và Pakistan cũng bị đình chỉ do chính quyền sở tại lo ngại về rủi ro "bẫy nợ".

Ông Diệp chỉ ra mối hợp tác giữa Bắc Kinh với các nước thông qua Vành đai và Con đường "không được suôn sẻ".

"Mối hợp tác với một số nước có vẻ không được toàn diện," ông nói. "Chúng ta chỉ hợp tác được ở số ít dự án cụ thể. Thay vì nói rằng đã đạt được 'tiến triển quan trọng', tôi gợi ý chúng ta sửa thành 'các lĩnh vực hợp tác tiếp tục gia tăng'."

Báo cáo của thủ tướng TQ bị chê thẳng tay, cựu Bộ trưởng mắng tơi tả Made in China 2025 - Ảnh 1.

Ông Khổng Tuyền không bằng lòng với việc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung được đề cập trong báo cáo của thủ tướng Lý Khắc Cường (Ảnh: AFP)

Khổng Tuyền, Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng tiểu tổ lãnh đạo công tác đối ngoại trung ương ĐCSTQ, Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Chính hiệp Trung Quốc, thì cho rằng đối đầu thương mại Mỹ-Trung không nên được đề cập nổi bật trong báo cáo của ông Lý.

"Mọi người đều chú ý vào đó và đó là một vấn đề lớn," ông Khổng nói. "Nhưng cá nhân tôi không nghĩ rằng cần phải làm nổi việc cải thiện thương mại Mỹ-Trung trong báo cáo chính phủ... Tại sao chúng ta phải đặt Mỹ vào một vị trí nổi bật như thế? Tôi cho là chúng ta thậm chí có thể không đề cập [đối đầu thương mại Mỹ-Trung]."

Khác với các năm trước khi báo cáo thường niên của thủ tướng không đề cập quá nhiều đến chính sách đối ngoại, năm nay ông Lý Khắc Cường đã nêu tới 3 lần vấn đề thương chiến với Mỹ trong báo cáo.

Cụm từ "nguyên tắc cạnh tranh công bằng" cũng lần đầu tiên xuất hiện trong báo cáo. Đây là cụm từ mà Mỹ thường sử dụng để chỉ việc Trung Quốc hỗ trợ cho các doanh nghiệp quốc doanh, gây mất cân bằng cạnh tranh. Trong báo cáo, ông Lý cam kết chính phủ Trung Quốc sẽ đối đãi công bằng với doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong các gói thầu nhà nước.

Sau khi ông Lý Khắc Cường đọc báo cáo công tác chính phủ năm 2018 tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm 5/3, các đại biểu Quốc hội và Chính hiệp Trung Quốc đã chia về các tổ tiến hành thảo luận. Quốc hội Trung Quốc sẽ bỏ phiếu về báo cáo cuối cùng và ngân sách năm mới trong ngày cuối của kỳ họp, 15/3.

Kế hoạch "Made in China 2025" bị chỉ trích mạnh

Trong một phiên thảo luận khác ở "Lưỡng hội", kế hoạch Made in China 2025 - bản quy hoạch chiến lược và cương lĩnh hành động 10 năm cấp quốc gia nhằm đẩy mạnh ngành chế tạo công nghệ cao, do Quốc vụ viện Trung Quốc ấn hành tháng 5/2015 - đã bị cựu Bộ trưởng tài chính Lâu Kế Vĩ chỉ trích gay gắt.

Ông Lâu, nay là ủy viên Chính hiệp, gọi cương lĩnh này là "sự lãnh phí tiền thuế của người dân" và "nói được rất nhiều nhưng làm được rất ít".

"Ngay từ đầu đã không cần thiết phải nêu rõ mốc thời gian năm 2025," ông Lâu bình luận trên SCMP. "[Chính phủ] muốn các ngành công nghiệp sẽ đạt đỉnh cao vào năm 2025, nhưng [xu thế phát triển] của những ngành này là không thể đoán định, và chính phủ không nên tự nghĩ rằng họ có khả năng dự đoán điều không thể thấy trước."

"Tôi đã chống lại [Made in China 2025] ngay từ đầu, tôi không đồng tình với kế hoạch đó lắm," ông Lâu nói thêm.

Đây là lần đầu tiên trong 3 năm, bản quy hoạch Made in China 2025 không được đề cập trong báo cáo của thủ tướng Trung Quốc. Một số ý kiến đổ lỗi đây là nguồn cơn gây ra làn sóng phản đối Trung Quốc tại Mỹ. Tổng thống Donald Trump gọi kế hoạch của Bắc Kinh là "sự xúc phạm" và áp đặt hàng loạt biện pháp ngăn chặn Trung Quốc đột phá trong những lĩnh vực công nghệ then chốt.

Washington cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng thương mại và thị trường bất công để giành lợi thế cho Made in China 2025. Trong các cuộc đàm phán thương mại mới đây, Mỹ đòi hỏi Trung Quốc có biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ tốt hơn, cấm hành vi cưỡng ép chuyển giao công nghệ, dỡ bỏ rào cản thị trường để bảo đảm cạnh tranh công bằng đối với doanh nghiệp nước ngoài.

Báo cáo của thủ tướng TQ bị chê thẳng tay, cựu Bộ trưởng mắng tơi tả Made in China 2025 - Ảnh 2.

Cựu Bộ trưởng tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ (Ảnh: SCMP)

Kế hoạch thu hút nhân tài bị phê phán

Tương tự "Made in China 2025", Kế hoạch ngàn người - một chiến dịch cấp quốc gia khác nhằm thu hút tinh anh người Hoa từ nước ngoài trở về Đại lục - đã bị các đại biểu Quốc hội và Chính hiệp chỉ trích là quá hấp tấp.

Chương trình trên bị giới chức tình báo Mỹ mô tả là "[thúc đẩy] chuyển giao hợp pháp và bất hợp pháp công nghệ Mỹ, sở hữu trí tuệ Mỹ và tri thức Mỹ". Bắc Kinh cũng đã trở nên kín kẽ hơn trong các thông tin liên quan đến kế hoạch này.

Nhiều quan điểm bất đồng tại Lưỡng hội 2019

Trong khi nhiều quan điểm chỉ trích được đưa ra, Chủ tịch tỉnh Chiết Giang, đại biểu Quốc hội Trung Quốc, ông Viên Gia Quân khẳng định với SCMP rằng tỉnh này vẫn đang theo đuổi "Made in China 2025".

Ninh Ba, trung tâm sản xuất của tỉnh, đã trở thành thành phố tiên phong của chiến lược này vào năm 2016, tập trung vào phát triển thiết bị thông minh và các hệ thống tự lái. Trả lời về lộ trình công nghệ hóa, ông Viên cho biết "Chúng tôi vẫn xúc tiến [kế hoạch Made in China 2025]".

Các sáng kiến của chính phủ và ưu-khuyết điểm của chúng không phải là chủ đề duy nhất gây tranh cãi trong Lưỡng hội năm nay.

Giáo sư Thời Ân Hoằng, cố vấn Quốc vụ viện Trung Quốc, cho rằng các tranh cãi ở Lưỡng hội là hệ quả của sự thiếu minh bạch từ giới chức cấp cao.

"Đàm phán thương mại vẫn diễn ra trong các vấn đề như sáng tạo công nghệ, nhưng lại thiếu chỉ dẫn rõ ràng từ các nhà quyết sách hàng đầu," ông Thời nói.

"Có thể là các nhà lãnh đạo chưa có quyết định, cũng có thể họ chưa thể công khai những quyết định đó bởi vẫn đang đàm phán,... do đó chúng ta sẽ còn thấy nhiều không gian để công chúng tranh luận."

Dù vậy, ông Thời cho rằng những ý kiến trái chiều khó có thể tác động đến định hướng chính sách của Bắc Kinh.

"Mọi người đều hiểu những chính sách đó đang được điều chỉnh, nhưng không rõ ràng là điều chỉnh thế nào," ông nói. "Tranh cãi sẽ ngừng lại một khi ban lãnh đạo có quyết sách và ban hành chỉ thị xuống cấp dưới."

Trương Bá Hối, chuyên về chính trị Trung Quốc tại Đại học Lingnan, Hồng Kông, nhận xét Bắc Kinh có truyền thống "cởi mở" hơn với quan điểm trái chiều về chính sách đối ngoại hơn là chính sách đối nội.

"Cho đến gần đây, chính sách đối với Triều Tiên của Trung Quốc vẫn thể hiện nhiều bất đồng trong nước," ông nói. "Một số người thậm chí gọi Triều Tiên là gánh nặng và cho rằng chúng ta nên từ bỏ họ. Lúc nào cũng có tranh cãi trong các vấn đề đối ngoại."

"Không có gì ngạc nhiên khi những quan điểm phê bình nhẹ nhàng xuất hiện tại Lưỡng hội," ông Trương đánh giá. "Có thể chính phủ cũng muốn điều đó, bởi họ muốn nhận được phản hồi [về chính sách] từ tầng lớp tinh anh trong xã hội."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại