Theo đó "bữa ăn" này được tìm thấy trong hóa thạch ruột của khủng long có cánh Microraptor khi một nhà nghiên cứu phát hiện chân của động vật có vú còn sót lại trong bụng khủng long.
Giáo sư sinh học Hans Larsson, từ Bảo tàng Redpath thuộc Đại học McGill ở Montreal, cho biết khi quan sát kỹ bộ sưu tập của bảo tàng đặt tại Trung Quốc, ông phát hiện chân của một loài thú có vú như chuột, dài khoảng 1cm được bảo quản tốt, bên trong bộ xương khủng long Microraptor.
Theo giáo sư này, những phát hiện như trên cung cấp những bằng chứng chắc chắn duy nhất để con người hiểu hơn về cách thức tiêu thụ thức ăn của những loài động vật có vú đã tuyệt chủng từ lâu.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Vertebrate Paleontology ngày 20/12. Đây là bộ hóa thạch khủng long thứ 21 được phát hiện có thức ăn còn lưu lại bên trong và cũng là lần thứ 2 hóa thạch thức ăn được tìm thấy là của một loài động vật có vú.
Trước đó, các nhà khoa học từng phát hiện thức ăn còn sót lại trong hóa thạch Microraptor như cá, chim, bò sát và đây là lần đầu tiên phát hiện động vật có vú. Theo Giáo sư Larsson, điều này cho thấy Microraptor là loài khủng long ăn đa dạng các loại thịt động vật.
Việc tìm ra bằng chứng cho thấy Microraptor là động vật ăn thịt đa dạng mở ra một khía cạnh mới về cách các hệ sinh thái vận hành trong quá khứ. Động vật ăn thịt đa dạng, như cáo và quạ, có vai trò quan trọng góp phần đảm bảo ổn định các hệ sinh thái ngày nay vì chúng có thể ăn nhiều loại thức ăn khác nhau.
Theo nghiên cứu trên, Microraptor là ví dụ đầu tiên về loài động vật ăn thịt đa dạng ở thời kỳ khủng long. Điều này cũng gợi ra khả năng những loài khác trong họ therapod, trong đó có chi khủng long bạo chúa T-rex, cũng có đặc tính ăn uống tương tự.
Hóa thạch của khủng long Microraptor được phát hiện tại vùng Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc từ đầu những năm 2000. Loài này có điểm đặc biệt là có lông trên cánh và chân, cũng là một trong những loài khủng long có cánh đầu tiên được phát hiện.