Ông Earle Dickson. Ảnh: Johnson & Johnson
Băng cá nhân được coi là một trong những phát minh xuất sắc nhất trong lịch sử y tế hiện đại. Một sáng tạo giản đơn nhưng mang lại hiệu quả tuyệt vời hỗ trợ điều trị vết cắt, vết xước nhỏ. Chúng được phát minh bởi một nhân viên của công ty Johnson & Johnson (Mỹ) có tên Earle Dickson. Earle Dickson không phải một nhà phát minh, ông đảm nhận công việc mua bông cho Johnson & Johnson. Việc phát minh ra băng cá nhân xuất phát từ sự quan tâm chăm sóc của ông dành cho vợ.
Phát minh xuất phát từ tình yêu
Earle Ensign Dickson sinh ngày 10/10/1892 tại Grandview, bang Tennessee. Ông là con của bác sĩ Richard Ensign và bà Minnie (Hester) Dickson. Dickson sống phần lớn cuộc đời mình ở Highland Park, New Jersey, nơi ông tìm được việc làm ở Johnson & Johnson vào khoảng thời gian xảy ra Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất.
Theo Chương trình Lemelson-MIT thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ông Earle Dickson kết hôn với bà Josephine Frances Knight vào năm 1917. Ông nhận thấy người vợ mới cưới của mình liên tục cắt vào ngón tay khi nấu nướng trong bếp. Earle Dickson cũng cảm thấy những miếng gạc lớn mà ông sử dụng để cầm máu cho vợ quá lớn và khó coi
Sau đó, ông đã tìm ra ý tưởng để giúp xử lý vết thương cho vợ từ chính căn nhà của mình. Nhà sử học của Johnson & Johnson – bà Margaret Gurowitz cho biết: “Ông Earle lấy hai sản phẩm của Johnson & Johnson là băng dính cứu thương và gạc rồi kết hợp chúng để tạo ra băng cá nhân đầu tiên”. Ông Dickson đã tạo ra một mẫu gồm gạc bông và mảnh vải dính được phủ một lớp đường viền có thể bóc ra để lộ chất kết dính, tạo điều kiện để gạc và vải dính trùm lên vết cắt.
Bao bì cũ của Band-Aid. Ảnh: Getty Images
Nỗ lực thông minh của ông Earle Dickson để chăm sóc vợ đã mang lại đột phá không nhỏ cho việc sơ cứu vết thương. Johnson & Johnson ủng hộ ý tưởng của ông Earle Dickson - và gọi sản phẩm này là Band-Aid. Theo tạp chí Kiplinger năm 1964, tên thương hiệu xuất sắc này do giám đốc nhà máy W. Johnson Kenyon đặt. Band-Aid được tung ra thị trường vào năm 1921, được các nhân viên bán hàng lưu động của Johnson & Johnson rao bán cho các hiệu thuốc.
Thuật ngữ chung cho phát minh của Earle Dickson là băng cá nhân. Tuy nhiên, người dân Bắc Mỹ và nhiều nơi khác trên khắp thế giới gắn chúng với thương hiệu Band-Aid. Band-Aid thành công đến mức thuật ngữ này được sử dụng trong trò chuyện hàng ngày bằng tiếng Anh Mỹ thay cho băng cá nhân. Nó rất giống với cách chúng ta gắn đồ dùng với thương hiệu nổi tiếng, đơn cử như việc người Mỹ thường gọi khăn giấy là Kleenex hoặc tăm bông là Q-Tips. Ở châu Âu có thương hiệu tương tự Band-Aid là Elastoplast.
Tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ National Inventors Hall of Fame nhận định: “Thành công của ông Dickson đã tạo ra loại băng cá nhân thương mại đầu tiên dành cho những vết thương nhỏ mà người tiêu dùng có thể sử dụng một cách dễ dàng đồng thời tạo ra một thị trường tiếp tục phát triển cho đến ngày nay”.
Thành công vượt thời gian của Band-Aid
Những hộp Band-Aids tại nhà thuốc ở New York (Mỹ) năm 2020. Ảnh: AP
Nhà sử học Gurowitz cho biết trước khi băng cá nhân ra đời, người Mỹ thường sử dụng thứ sẵn có trong nhà, thường là mảnh vải để quán chặt quanh vết thương nhỏ. Cộng đồng y tế cũng dành nhiều thập niên cố gắng cải thiện băng y tế tại nhà. Theo cuốn "Bách khoa toàn thư về những phát minh hiện đại hàng ngày" xuất bản năm 2003 của các tác giả David J. Cole, Eve Browning và Fred. E.H. Schroeder, trong suốt thế kỷ 19, nhiều loại băng khác nhau sử dụng cao su tự nhiên đã được phát minh… Tuy nhiên, không loại nào trong số này được vô trùng hoặc sát trùng.
Các tác giả này cũng nhấn mạnh rằng rất ít bác sĩ ở thời điểm đó sẵn sàng áp dụng lý thuyết mầm bệnh do bác sĩ người Anh Joseph Lister tiên phong. Theo lý thuyết mầm bệnh, các vi sinh vật cụ thể là nguyên nhân của các bệnh cụ thể. Nước súc miệng sát trùng phổ biến vẫn được sử dụng cho đến ngày nay được dựa trên tên của bác sĩ này, đó là Listerine. Bác sĩ Lister cũng truyền cảm hứng cho việc thành lập một trong những công ty lớn nhất thế giới: Johnson & Johnson.
Theo đó, một người Mỹ có tên Robert Wood Johnson đã nghe bác sĩ Lister nói chuyện vào năm 1876 và nghĩ đến việc chuẩn bị một dòng băng phẫu thuật thương mại không có mầm bệnh. Chín năm sau, ông thành lập quan hệ đối tác với hai anh em của mình và bắt đầu sản xuất tại New Brunswick, New Jersey, thành lập Johnson & Johnson vào năm 1887.
Như vậy, Earle Dickson là trường hợp điển hình của việc đúng người, đúng thời điểm và đúng sản phẩm, đúng công ty. Johnson & Johnson khi đó đã là nhà sản xuất băng gạc và bông lớn nổi tiếng cho các bệnh viện và quân nhân.
Band-Aid thủ công ban đầu không bán chạy, doanh số chỉ đạt 3.000 USD trong năm đầu tiên. Điều này có thể là do những phiên bản đầu tiên của Band-Aid có các phần rộng 6,3 cm và dài đến 45,7 cm. Người sử dụng phải cắt bỏ chiều dài băng cần thiết để phủ lên vết thương, một công đoạn được coi là “cồng kềnh”.
Cải tiến nhanh chóng được áp dụng. Band-Aid sản xuất bằng máy với nhiều kích cỡ khác nhau được giới thiệu vào năm 1924. Băng tiệt trùng được tung ra thị trường vào năm 1939. Phiên bản mỏng bằng nhựa vinyl ra mắt vào năm 1958.
Band-Aid đã thu nhận được “người hâm mộ quốc tế” khi theo hàng triệu binh sĩ Mỹ đến các chiến trường nước ngoài trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Việc quân đội Mỹ tham gia phe Đồng minh đã nâng cao mức độ phổ biến của Band-Aid.
Trong khi đó, ông Earle Dickson qua đời ở Ontario, Canada, vào ngày 21/9/1961 hưởng thọ 68 tuổi. Sau đóng góp mang tính đột phá, Dickson gắn bó với Johnson & Johnson cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1957. Ở thời điểm Earle Dickson qua đời, Johnson & Johnson đã bán được số Band-Aid trị giá 30 triệu USD mỗi năm. Theo Fox News, ngày nay Johnson & Johnson sản xuất 10 triệu Band-Aid mỗi ngày, tương đương 117 chiếc/giây.