Tối 20/12, Giải thưởng chính VinFuture 2022 trị giá 3 triệu USD được trao cho 5 nhà khoa học: giáo sư Timothy John Berners-Lee, tiến sĩ Vinton Gray Cerf, tiến sĩ Emmanuel Desurvire, tiến sĩ Robert Elliot Kahn và giáo sư David Neil Payne với các tầng phát minh đột phá trong việc kết nối công nghệ mạng toàn cầu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (giữa) trao giải thưởng chính cho các nhà khoa học đoạt giải năm nay.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (giữa) trao giải thưởng chính cho các nhà khoa học đoạt giải năm nay.
Công nghệ mạng toàn cầu là kết quả của nhiều phát minh vĩ đại phục vụ nhân loại với hành trình phát triển và hoàn thiện suốt nhiều thập kỷ của các thế hệ nhà khoa học đến từ Anh, Pháp và Mỹ. Điều đó tạo ra nền tảng của kinh tế tri thức và là bệ phóng cho các công nghệ đột phá tiếp như Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, Điện toán đám mây, Dữ liệu lớn.
Đặc biệt, suốt thời gian thế giới bị chia cắt do đại dịch, công nghệ mạng toàn cầu đã trở thành nền tảng kết nối nhân loại, thay đổi toàn diện phương thức giao tiếp và làm việc của hàng tỷ người trên khắp hành tinh.
Khởi đầu của công nghệ mạng toàn cầu là phát minh về giao thức điều khiển truyền dẫn và giao thức Internet (TCP/IP) - cơ sở cho Internet hiện tại của tiến sĩ Vinton Gray Cerf và tiến sĩ Robert Elliot Kahn.
Tiếp theo là phát minh về Bộ khuếch đại sợi quang pha tạp Erbium (EFDA) của giáo sư David Neil Payne và tiến sĩ Emmanuel Desurvire giúp việc dẫn truyền internet với tốc độ ổn định trở nên khả thi trên phạm vi toàn thế giới nhờ thiết kế sợi quang, bộ khuếch đại quang học, sợi chuyên dụng, bộ laser và khuếch đại công suất cao.
Cuối cùng là phát minh của Timothy John Berners-Lee. Ông là tác giả của trình duyệt web đầu tiên World Wide Web, là người thiết lập ba tiêu chuẩn internet quan trọng bao gồm: HTML, HTTP và URIs, giúp việc chia sẻ và sử dụng tài nguyên thông tin trên toàn thế giới trở nên liền mạch nhờ internet.
Giáo sư David Neil Payne chia sẻ: "VinFuture 2022 là giải thưởng tuyệt vời. Giải thưởng vượt qua mục đích vinh danh các phát minh khoa học công nghệ, giải thưởng mà còn là cầu nối giữa các trí tuệ kiệt xuất để cùng nhau tạo ra những đột phá có ý nghĩa và thay đổi cuộc sống của hàng trăm triệu người trên toàn thế giới.
Được ghi nhận cùng Tim Berners-Lee, Vinton Cerf và những chủ nhân khác của giải thưởng VinFuture thực sự là điều tuyệt vời đối với tôi. Ở thời điểm hiện tại của sự nghiệp, tôi tự hào khi mình đã làm được một điều gì đó góp phần thay đổi thế giới".
Bên cạnh giải thưởng chính, VinFuture 2022 cũng trao 3 giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD dành cho các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới, nhà khoa học nữ và nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.
Trong đó, tiến sĩ Demis Hassabis (Anh) và tiến sĩ John Jumper (Mỹ) giành giải cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới. Họ sở hữu công trình tiên phong về hệ thống trí tuệ nhân tạo giải mã protein AlphaFold 2, tạo nên cuộc cách mạng trong mô hình hóa cấu trúc protein, thúc đẩy những phát triển đột phá trong lĩnh vực y sinh, y tế và nông nghiệp.
AlphaFold 2 giúp rút ngắn thời gian xử lý công việc từ vài năm xuống chỉ còn vài ngày, thậm chí là vài phút, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vấn đề quan trọng trong đời sống. Công trình cũng cung cấp cơ sở dữ liệu về cấu trúc của hơn 200 triệu protein làm tài nguyên nghiên cứu cho hàng nghìn nhà khoa học khác trên thế giới.
Giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển thuộc về giáo sư Thalappil Pradeep (Ấn Độ) với hệ thống lọc nước nhiễm asen và kim loại nặng chi phí thấp, góp phần mang lại nguồn nước sạch cho hàng trăm triệu người sinh sống tại các khu vực có nguồn nước ô nhiễm trên thế giới.
Giáo sư Thalappil Pradeep đã phát hiện các hạt nano kim loại có thể phá vỡ các liên kết đã kết nối và vận chuyển asen trong nước ngầm, giúp làm sạch nước ngầm với chi phí rất thấp. Đặc biệt, công trình có thể phát huy hiệu quả mà không cần sử dụng nguồn điện, mang lại lợi ích to lớn về sức khỏe cho hàng triệu hộ gia đình, nhất là ở các vùng sâu vùng xa.
Giải Đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ ghi nhận công trình nghiên cứu đột phá của giáo sư Pamela Christine Ronald (Mỹ) trong việc phân lập gene Sub1A tạo điều kiện phát triển các giống lúa chịu ngập úng dài hạn.
Từ gene lúa Sub1, giáo sư Ronald và các cộng sự đã tạo ra các giống lúa biến đổi gene sinh trưởng tốt trong điều kiện ngập úng lâu ngày và cho năng suất cao. Đây là nghiên cứu quan trọng, không chỉ giúp giải quyết nhu cầu lương thực cho hàng trăm triệu người mà còn mang tới giải pháp bền vững cho những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu trên thế giới.
Thành công của Giải thưởng VinFuture lần thứ 2 – năm 2022 đã khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam với cộng đồng khoa học công nghệ toàn cầu. Quỹ VinFuture tự hào được tiếp tục sứ mệnh phụng sự nhân loại và truyền cảm hứng cho công cuộc đổi mới trong khoa học công nghệ, góp phần hướng tới một tương lai thịnh vượng, công bằng và bền vững cho mọi người trên toàn thế giới.
Giải thưởng VinFuture là hoạt động trung tâm của Quỹ VinFuture, tổ chức phi lợi nhuận được đồng sáng lập vào 20/12/2020 - ngày Quốc tế đoàn kết nhân loại - bởi ông Phạm Nhật Vượng, tỷ phú Việt Nam đầu tiên và là Nhà sáng lập Tập đoàn lớn nhất Việt Nam, Vingroup, cùng với phu nhân, bà Phạm Thu Hương.
Giải thưởng nhằm ghi nhận những nhà phát minh và nhà nghiên cứu xuất sắc đến từ các trường, viện nghiên cứu toàn cầu, phòng thí nghiệm, và tập đoàn công nghiệp công nghệ để tôn vinh những nghiên cứu khoa học đột phá và đổi mới công nghệ, tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người.
Khởi động mùa thứ ba VinFuture 2023
Chu kỳ thứ ba của Giải thưởng VinFuture hiện đã bắt đầu, ngay sau khi Lễ trao giải VinFuture 2022 kết thúc. Sau khi hoàn thành sứ mệnh hồi sinh đầy mạnh mẽ, Giải thưởng VinFuture 2023 sẽ hướng tới vinh danh các phát minh, sáng kiến khoa học công nghệ giúp xây dựng một thế giới "Kiên cường và bứt phá".
Giải thưởng VinFuture phát động kêu gọi đề cử chính thức từ 2h ngày 9/1 đến 2h ngày 15/5/2023 theo giờ Việt Nam.