Ông Zhang Liangui, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại trường Đảng Trung ương của Trung Quốc tin rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội không đi tới thỏa thuận là bởi Mỹ đã đi một bước ngoài tính toán của Triều Tiên vào những phút cuối của cuộc đàm phán.
Cụ thể theo ông Zhang, Washington đã đưa ra một danh sách mới về các cơ sở hạt nhân mà Triều Tiên chưa từng hé lộ. Điều này còn làm nhà lãnh đạo Kim Jong-un "sốc" và trở tay không kịp.
Chuyên gia về Triều Tiên này cho biết song song với việc đưa ra danh sách mới, Mỹ yêu cầu Bình Nhưỡng phải dỡ bỏ tất cả các cơ sở vũ khí hạt nhân bí mật, cộng thêm với đề nghị đã được thảo luận trước đó về việc phá hủy các cơ sở làm giàu plutonium và uranium tại khu phức hợp hạt nhân Yongbyon.
"Khi Mỹ đưa ra bản danh sách này, ông Kim đã sốc nhưng không phải là vì Mỹ biết tới sự tồn tại của các cơ hạt nhân bí mật này mà là bởi Bình Nhưỡng cảm thấy rằng kỳ vọng của họ về cuộc đàm phán sẽ không thể đạt được", ông Zhang nói tại một diễn đàn về Triều Tiên hôm 24/3.
"Các yêu cầu mới vượt quá những gì mà đặc sứ Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun từng đề cập trong một cuộc thảo luận tại Đại học Stanford vào tháng 1 về phi hạt nhân hóa Triều Tiên", ông Zhang cho hay.
Theo ông này, động thái bất ngờ của Washington ở Hà Nội có thể thay đổi tiến trình đàm phán trong tương lai bởi bất cứ cuộc thảo luận nào trong thời gian tới sẽ buộc phải đề cập tới các cơ sở hạt nhân công khai và bí mật của Triều Tiên.
"Các cuộc đàm phán từ giờ trở đi sẽ phải giải quyết các vấn đề thực sự và điều này làm gia tăng tăng đáng kể khó khăn của các cuộc đàm phán", chuyên gia Trung Quốc nhận định.
Cũng theo ông Zhang, lời đe dọa ngừng đàm phán với Mỹ , nối lại các thử nghiệm hạt nhân mà Thứ trưởng Triều Tiên Choe Son-hui đưa ra cách đây hơn 1 tuần có thể chỉ là đòn gió để thử phản ứng từ các bên.
Ông Zhang tin rằng giờ đây, ông Trump sẽ phải tìm cách thuyết phục ông Kim ngừng thử nghiệm hạt nhân đối lấy việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ bị ảnh hưởng bởi các trợ lý thân cận, những người phản đối các yêu cầu từ Mỹ.
"Họ phản đối vì họ muốn bảo vệ ông Kim cũng như lo lắng rằng vị trí hiện tại của ông có thể bị lung lay nếu như ông đi tới một thỏa thuận với Mỹ", ông Zhang phân tích.