Baltic sẽ bị quân đội Nga đè bẹp bởi điều 5 NATO?

Thiên Nam |

Trong trường hợp chiến tranh xảy ra ở Baltic, các nước này có thể nhận thiệt thòi vì chính Điều 5 về phòng thủ tập thể của NATO.

Cổng thông tin Mỹ “War on the Rocks” vừa tiến hành so sánh lực lượng vũ trang của Nga - NATO, mô phỏng một cuộc xung đột quân sự giả định ở khu vực Baltic, từ đó đưa ra những điểm yếu của NATO và những điểm vượt trội của phía Nga trên hàng loạt các tiêu chí.

Các chuyên gia quân sự đã lấy vùng Baltic, bao gồm 3 nước Lithuania, Latvia và Estonia và mà trọng điểm là tỉnh lỵ ngoại biên Kaliningrad - được coi là tiền đồn của Nga ở châu Âu, làm trọng tâm nghiên cứu, đánh giá và đưa ra các kết luận về một cuộc chiến tranh Nga - NATO.

Vị trí địa lý giáp Nga bất lợi của Baltic

Tướng Petr Pavel, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO đã từng cảnh báo rằng, NATO không đủ khả năng bảo vệ 3 nước thành viên Baltic có vị trí địa lý giáp Nga là Lithuania, Latvia và Estonia. Moscow sẽ có thể xâm chiếm 3 nước đều đã gia nhập NATO này trong vòng hai ngày.

Phần lớn nguyên nhân dẫn đến khả năng trên là do quy trình tổ chức lực lượng tương đối phức tạp của NATO, các quyết định của khối sẽ chỉ được thực hiện nếu tất cả 28 nước thành viên cùng đạt được sự đồng thuận, mà không ít nước trong NATO không muốn đối đầu với Nga.

Ngoài ra, các chuyên gia quân sự cho rằng, việc NATO liên tục giảm bớt sự hiện diện quân sự ở khu vực này, ví dụ như quân đội Mỹ đã rút hai sư đoàn thiết giáp ra khỏi Đức và chỉ duy trì hai đơn vị ở châu Âu ở thời điểm hiện tại, đã khiến cán cân quân sự nghiêng hẳn về phía Moscow.

Cả ba quốc gia đều không chỉ không chung đường biên giới với bất kỳ đồng minh nào trong khối NATO mà còn nằm kẹp giữa biển Baltic với Nga, Belarus - nước đồng minh chính của Moscow và vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga, có tiềm lực quân sự cực mạnh.


Các chuyên gia cho rằng, nếu chiến tranh nổ ra ở Baltic, Nga sẽ thắng NATO

Các chuyên gia cho rằng, nếu chiến tranh nổ ra ở Baltic, Nga sẽ thắng NATO

Thời gian qua, Nga đã đầu tư mạnh tay để hiện đại hoá hạm đội Baltic có trụ sở ở Kaliningrad để chiếm ưu thế tuyệt đối trước hải quân NATO ở châu Âu, đồng thời tăng cường lực lượng phòng không - không quân cho vùng lãnh thổ hải ngoại này, nhằm triệt tiêu ưu thế trên không của quân đội Mỹ.

Yếu tố địa lý giáp Nga sẽ khiến Moscow dễ dàng đưa quân tràn ngập Baltic, trong khi Kaliningrad sẽ trở thành tiền đồn ngăn cản NATO đến cứu viện Baltic. Nếu xảy ra đụng độ quân sự, Nga có thể đánh bại Mỹ và các đồng minh châu Âu trong không quá 36 giờ.

Kaliningrad: Mũi dao nhọn Nga sẵn sàng cắm vào lòng NATO

Vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga, nơi đặt trụ sở của Hạm đội Baltic cách cảng Gdynia của Ba Lan khoảng 80 km. Đây là khu vực Nga tập trung lực lượng vài ngàn quân thường trực và ba căn cứ không quân, cùng với căn cứ hải quân của Hạm đội Baltic.

Kaliningrad được coi là 1 trong 3 trọng tâm xây dựng quân đội Nga (cùng với Crimea và Bắc Cực). Nó được coi như một mũi dao đâm vào giữa lòng các quốc gia thành viên NATO ở khu vực này, đồng thời là trọng điểm trấn giữ eo biển Baltic, có vị thế chiến lược hết sức quan trọng.

Hạm đội Baltic là một yếu tố cấu thành trọng yếu của Quân khu phía Tây, Bộ tư lệnh đặt tại thành phố Baltiysk-Kaliningrad. Lực lượng hải quân chủ chốt là Lữ đoàn tàu mặt nước 128, Lữ đoàn tàu đổ bộ 71, Lữ đoàn tàu tên lửa 36, Lữ đoàn tàu ngầm 123.


Vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad/Nga là mũi dao nhọn cắm vào lòng NATO

Vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad/Nga là mũi dao nhọn cắm vào lòng NATO

Kể từ khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine nổ ra, Moscow đã tăng cường cho Hạm đội này tới hơn 20 chiến hạm, nhằm nâng cao khả năng khống chế hoàn toàn khu vực biển này.

Lực lượng không quân Nga ở Kaliningrad có 2 căn cứ không quân Donskoye và Chernyakhovsk, có vai trò rất quan trọng, là điểm xuất phát của các máy bay trinh sát, chiến đấu, ném bom, đảm nhận nhiệm vụ tuần tra chiến đấu, ngăn chặn hoạt động theo dõi trên không phận vùng Baltic của NATO.

Đặc biệt là ngoài các loại chiến đấu cơ thông thường, Nga đã huy động tới đây cả máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 và máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3. Lực lượng phòng không cũng được bổ sung sức mạnh với các hệ thống tên lửa tối tân S-300 và S-400.

Vào năm 2012, phương Tây đã phát hiện các tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander được triển khai ở Kaliningrad.

Ngoài ra, có những báo cáo chưa rõ ràng về việc Nga đã triển khai đầu đạn hạt nhân đến khu vực này, sau khi Mỹ tuyên bố về kế hoạch xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa ở Czech và Ba Lan.

Baltic thiệt thòi bởi Điều 5 trong Hiệp ước NATO

Một trong những nguyên tắc sáng lập của NATO là phòng thủ tập thể, thể hiện trong điều khoản số 5 - một trong những điều khoản quan trọng nhất của Hiệp ước Washington 1949 (còn gọi là Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương).

Đây tuy là điểm mạnh nhưng cũng là điều yếu chí mạng của NATO.

Điều khoản này quy định rằng “bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh” và tất cả các thành viên có trách nhiệm hỗ trợ nạn nhân của một cuộc tấn công như vậy “ngay lập tức.”

Điều khoản số 5 đòi hỏi những gì từ các đồng minh NATO, và liệu họ có tuân thủ nó nếu cần hay không?

Nên nhớ rằng, từ trước đến nay điều khoản số 5 chưa bao giờ được thực hiện đúng với ý nghĩa của nó và những can thiệp quân sự của NATO gần đây đều là các cuộc chiến mà khối này chủ động tiến hành.

Trong lịch sử, Điều 5 từng được kích hoạt sau sự kiện 11-9 ở Mỹ nhưng nó không phải là sự đáp trả bằng hành động quân sự nhằm chống lại một cường địch hữu hình nào đó (ví dụ như Nga) tấn công vào một nước thành viên NATO, mà là cuộc chiến chống khủng bố

Điều khoản số 5 quy định rằng hành động đáp trả có thể bao gồm tấn công vũ trang, song không bắt buộc, có nghĩa là NATO có thể “hành động như vậy nếu xét thấy cần thiết”, còn không, thì đó cũng có thể chỉ đơn thuần là hành động “phản đối ngoại giao gay gắt”.

Có ba yếu tố chính cần được cân nhắc khi xem xét bản chất của sự đáp trả từ NATO. Thứ nhất là vị trí địa lý: ở những nơi kẻ tấn công có thể nhanh chóng hoàn tất và củng cố một cuộc xâm lược, ví dụ như Baltic thì NATO có rất ít khả năng chiến thắng.


Các nước Baltic không có khả năng tự vệ trước Nga và sẽ nhanh chóng thất thủ

Các nước Baltic không có khả năng tự vệ trước Nga và sẽ nhanh chóng thất thủ

Vùng Baltic là một dải đất phẳng và mỏng ven biển, không có khả năng tự vệ. Một cuộc tấn công bất ngờ của Nga có thể lan tới bờ biển trong vài giờ, và đảo ngược một cuộc xâm lược thành công của Nga như thế là rất khó, thậm chí là bất khả thi.

Các quốc gia Baltic cho rằng theo Điều khoản số 5 thì bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào họ cũng đồng nghĩa với một sự đáp trả của NATO. Song điều khoản số 5 không quy định bắt buộc phải thực hiện điều này.

Hơn nữa, không ai dám chắc chắn rằng cả 28 nước đều muốn đánh nhau với Nga, mà chỉ cần 1 nước không chấp thuận thì các nước Baltic cứ đợi đấy, NATO sẽ không điều quân đánh nhau với Nga.

Vấn đề thứ hai là việc xử lý những căng thẳng leo thang. Giả sử trường hợp cả 28 nước thành viên NATO nhất trí áp dụng hành động quân sự với Nga, nhưng nếu Moscow khởi động kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, thì cuộc đối đầu sẽ nhanh chóng đạt đến cấp độ hủy diệt.

Quyết định đáp trả hay không thực ra không được đưa ra ở trụ sở của NATO ở Brussels, mà là ở Washington, DC. Khó mà hình dung được một Tổng thống Mỹ sẽ mang chiến tranh hạt nhân ra đánh cược với Nga, chỉ để bảo vệ một quốc gia bé nhỏ cách đó nửa vòng trái đất.

Vấn đề thứ 3 đối với NATO là định nghĩa một cuộc tấn công cần phải đáp trả.

Nga hiện đang tiến hành một dạng chiến tranh mới, mang tính phi truyền thống là “chiến tranh lai” (hybrid war), là sự tổng hòa các biện pháp chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, trong đó quân sự chỉ giữ vai trò thứ yếu.


Nga được cho là sẽ áp dụng chiến tranh phi truyền thống (chiến tranh lai) với các nước Baltic

Nga được cho là sẽ áp dụng chiến tranh phi truyền thống (chiến tranh lai) với các nước Baltic

Moscow có thể áp dụng chiến tranh thông tin, tuyên truyền, hối lộ, phá hoại, gián điệp, khai thác sự phụ thuộc về kinh tế và năng lượng, ngoại giao, và sử dụng các lực lượng vũ trang mức độ hạn chế (như vụ “người xanh” đổ bộ vào Crimea hồi năm 2014).

Ngoài ra, “chiến tranh lai” của Moscow có thể bao gồm những nỗ lực kích động căng thẳng sắc tộc, tôn giáo, hoặc sử dụng con bài ly khai, khiến các nước này tự loạn, một số vùng sáp nhập hoặc do Nga điều khiển, giúp Moscow “bất chiến tự nhiên thành”, như ở Donbass của Ukraine.

Trong tình huống đó, những đặc trưng mà các nước Baltics coi là một cuộc tấn công đe dọa đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ chưa chắc đã được Brussels xem là một cuộc “tấn công vũ trang” để đưa ra các hành động đáp trả quân sự.

Do đó, nếu chiến sự xảy ra, Moscow sẽ nhanh chóng đánh chiếm được Baltic, triển khai tên lửa hạt nhân chiến thuật ở Kaliningrad để uy hiếp cả châu Âu, và có lẽ NATO sẽ không đưa ra được các hành động đáp trả quân sự để giành lại 3 nước Baltic từ tay Nga.

Còn trong trường hợp Nga không sử dụng đến vũ khí hạt nhân và 2 bên nổ ra 1 cuộc chiến tranh thông thường thì cơ hội chiến thắng của NATO cũng không cao. Điều này chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ sau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại