Ông tên Yamanato, người Nhật, năm nay đã 75 tuổi. Ông là bảo vệ tại một công trường xây dựng gần ga Kokubunji.
Công việc hàng ngày của ông Yamanato khá đơn giản, nếu không muốn nói là nhàm chán: Mỗi khi có xe trộn bê tông hoặc xe tải chạy vào công trường, ông phải đảm bảo chắc chắn là không còn người qua đường lúc đó.
Nếu có người qua đường, ông sẽ ra hiệu lệnh để xe tải dừng lại, chờ tất cả người dân qua đường xong xuôi thì ra hiệu lệnh cho xe tiến vào công trường.
Bất kể là Đông, Hè, trời nắng ấm hay tuyết rơi lạnh buốt, ông Yamanato luôn đứng ở đúng cái vạch kẻ cho người sang đường.
Tình cờ nghe ông Yamanato chỉ đường cho một vị khách phương Tây, tôi mới biết hóa ra ông từng có thời gian học ở Mỹ, trở về Nhật làm việc cho một tập đoàn lớn và giờ đã nghỉ hưu.
Người Nhật luôn nghiêm túc trong công việc - dù là đơn giản hay khó khăn. Ảnh minh hoạ
Cuộc sống của ông không thiếu thốn, nếu không muốn nói là thuộc hạng dư dả giữa đất Tokyo đắt đỏ. Nhưng cũng giống như bao người già khác ở Nhật, ông Yamanato vẫn đi làm, dù đó chỉ là công việc của một ông bảo vệ ngày ngày dừng xe tải cho người dân qua đường an toàn.
"Tại sao ông không chọn một công việc nhẹ nhàng, sang trọng hơn, như đi dạy tiếng Anh chẳng hạn", tôi, sau dăm ba câu xã giao, quyết định thỏa mãn thắc mắc trong đầu bằng một câu hỏi thẳng thắn.
"Tôi làm việc chỉ để bản thân không trở thành người vô giá trị. Dân số Nhật đang già đi, báo chí nói rằng người già trở thành gánh nặng của xã hội và tôi thì không muốn trở thành gánh nặng.
Còn chuyện dạy tiếng Anh đâu đơn giản, phải có bằng cấp, chứng chỉ mới được đi dạy", ông Yamanato cũng rất thật lòng trả lời.
Những người như ông Yamanato không thiếu ở Tokyo. Đa phần các lái xe taxi ở Tokyo đều là người già. Bảo vệ các nhà ga, nhân viên làm việc trong quầy thu đổi ngoại tệ, nhân viên dọn vệ sinh, những người chuyên bấm thang máy… hầu hết đều là người già.
Nhưng đó vẫn chưa phải hình ảnh đáng khâm phục nhất của người Nhật. Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là sự tận tâm, thái độ hết mình với công việc, bất kể đó là công việc gì.
Không ai bắt ông Yamanato phải đứng nghiêm chỉnh ở góc ngã tư đó dưới trời mưa tầm tã. Chỉ lương tâm và sự nghiêm túc thôi thúc ông làm vậy.
Tôi gặp một cụ ông khác trong một trung tâm thương mại. Công việc của ông rất đơn giản chỉ là đứng trong tháng máy và bấm số tầng hộ khách.
Nhưng ông làm công việc mà đến một đứa trẻ 5 tuổi cũng có thể làm một cách chuẩn chỉnh, nghiêm túc đến ngỡ ngàng.
Trình tự của công việc đó sẽ là: Cúi người chào khách, hỏi số tầng, bấm thang, khi khách ra khỏi thang thì cúi người chào, đứng chặn để cửa không đột ngột đóng vào, ngoái đầu ra xem còn ai đứng ngoài, hô lên một tiếng: ‘Cửa sắp đóng’ và cứ thế lặp lại quy trình như một chiếc đồng hồ.
Người cao tuổi tại Nhật vẫn luôn cố gắng chứng tỏ giá trị bản thân. Một bà chủ hàng đã đi qua tuổi 90 nhưng vẫn mở bán mỗi ngày. Ảnh minh hoạ
Sự nghiêm túc, tận tâm với những công việc tưởng như là đơn giản và thủ công nhất của người Nhật chính là điều mà chúng ta nên học hỏi.
Ở Việt Nam, mức độ nghiêm túc, tận tâm và tập trung có lẽ tỷ lệ thuận với sự quan trọng của công việc mà họ đang làm.
Bạn sẽ không quá khó bắt gặp một nhân viên trông xe uể oải, vừa cầm điện thoại chơi game vừa trả vé cho khách.
Bạn cũng sẽ không khó bắt gặp một bảo vệ chung cư nằm bò ra bàn ngủ gục khi trời đã về khuya.
Khi bị chất vấn, câu trả lời đáng sợ nhất mà tôi từng được nghe: Lương thấp nên chỉ làm thế thôi, đòi hỏi gì nhiều.
Chúng ta luôn có thói quen nghĩ rằng, cần một mức đãi ngộ xứng đáng thì mới bỏ ra công sức xứng đáng mà không ai hiểu rằng, bạn sẽ còn nhận được điều lớn hơn gấp bội so với tiền khi bạn làm một việc đơn giản theo cách chuẩn chỉnh nhất có thể.
Đó là sự tôn trọng của xã hội, là sự thanh thản của lương tâm và thậm chí có cả sự cầu tiến nữa.
Bởi nếu bạn không chú tâm làm những việc đơn giản thì bạn sẽ không bao giờ đủ nghiêm túc và sẵn sàng cho những điều to lớn hơn trong tương lai cả.
Người già tại Nhật muốn được đối xử công bằng như những người trẻ tuổi. Vì họ vẫn có giá trị trong xã hội. Ảnh minh hoạ
Và cuối cùng, tôi không hề có ý bất kính khi so sánh những người già ở Việt Nam với Nhật Bản, nhưng trong khi những người đã lên chức cụ ở Nhật vẫn miệt mài làm việc để được xã hội thừa nhận là người có ích, thì khá nhiều người già ở Việt Nam mang tâm lý hưởng thụ, dựa dẫm vào tuổi tác.
Rất nhiều người cao tuổi lợi dụng việc họ đã già để chen lấn ở các siêu thị, sân bay, thậm chí tự cho mình quyền lên máy bay sớm hơn mọi người vì "tôi già rồi".
Trong khi đó ở Nhật, người già thậm chí còn không cần được nhường chỗ xe trên bus hoặc tàu điện ngầm.
Họ cho rằng việc được đối xử một cách đặc biệt là dấu hiệu của sự kém cỏi và đang nằm trong quá trình thải loại của xã hội. Không ai muốn mình trở thành gánh nặng hay cần được đối xử đặc biệt cả.