Những câu chuyện về sự văn minh của thế giới khi kể cho người Việt nghe thường nhận về 2 dạng phản ứng: Trầm trồ thán phục và mong ước dân ta làm theo hoặc ngược lại hoàn toàn, coi sự văn minh là biểu hiện của sự gò bó, cứng nhắc.
Tôi kể cho khá nhiều người bạn – những người cũng đã ra nước ngoài du lịch, về sự ngăn nắp, kỷ luật của người Nhật Bản nơi công cộng. Họ xếp hàng ở tất cả những nơi đông người.
Trong siêu thị, lên thang cuốn, vào thang máy, vào tàu điện ngầm, chờ taxi, xe bus cập bến. Dân Nhật luôn lấy người đứng đầu tiên làm cột mốc và cứ như vậy nối thành hàng dài.
Tôi không nghĩ có một quy tắc ứng xử nơi công cộng nào đó được ghi vào luật và được phổ cập trong các trường trung học hay tiểu học ở Nhật. Họ xếp hàng mọi lúc mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh cũng không phải để khoe khoang với thế giới.
Sự ngăn nắp, tuần tự thực tế là cách nhanh nhất để đi tới đích. "Cứ xếp hàng rồi cũng sẽ đến lượt", đó là là niềm tin vào một xã hội công bằng.
Người Nhật tuần tự xếp hàng lên thang cuốn.
Họ tin rằng dù có đứng cuối hàng thì cánh cửa tàu điện ngầm vẫn sẽ mở cho tới khi người cuối cùng bước vào.
Họ tin rằng chiếc máy bay vẫn mở cửa cho tới những hành khách cuối cùng, và cứ việc xếp hàng cuối cùng bạn cũng sẽ lên được chuyến bay.
Họ cũng tin rằng trong một xã hội văn minh, dù bạn khôn lỏi chen ngang trong khi tính tiền ở siêu thị, bạn cũng sẽ không được phục vụ, chứ không thể có chuyện "thông cảm, đang vội" xảy ra nhan nhản ở Việt Nam.
Tôi đã hy vọng những hình ảnh về sự ngăn nắp đó có thể tác động phần nào đó tới nhận thức hành vi nơi công cộng của người Việt. Nhưng thật kinh ngạc khi 7/10 người nghe tôi kể về những hàng dài thẳng tăm tắm đó lại phẩy tay cười nhạo.
Với câu thần chú quen thuộc: "Ở Việt Nam mà, bừa bãi quen rồi, gọn gàng người ta lại tưởng mình thích… chơi trội", họ bao biện cho sự thiếu văn minh của mình. Họ cho rằng từ xưa tới nay đều sống như vậy và chưa gặp vấn đề gì, tại sao phải thay đổi?
Họ cho rằng người Nhật quá cứng nhắc, nguyên tắc và sống như vậy thì không gọi là sống. Nó giống như những con robot được lập trình. Con người hành xử có sai số, miễn không quá lố bịch là được.
Nhưng rồi cứ đến mỗi dịp ví dụ như xếp hàng mua vé xem bóng đá hay tuần tự tiến vào sân Mỹ Đình, chính những người cười nhạo dân Nhật cứng nhắc và nguyên tắc thái quá lại gào lên đòi hỏi được văn minh.
Nhìn cảnh đoàn người xô đổ cổng Liên đoàn bóng đá Việt Nam đòi mua vé, và sắp tới có thể sẽ là cảnh đám đông chen chúc bằng mọi giá chui vào sân Mỹ Đình, chắc chắc sẽ có những người lên tiếng chê bai sự kém văn minh và rồi ví dụ về sự chuẩn mực họ đưa ra sẽ lại là nước Nhật.
Cảnh người dân chen lấn xô đẩy tại sân Mỹ Đình.
Thật khôi hài khi người ta cho rằng việc không xếp hàng trong siêu thị chẳng có vấn đề gì, trong khi đó không xếp hàng mua vé xem bóng đá lại là chuyện đáng bị lên án.
Phải chăng khao khát được thể hiện quan điểm cá nhân thông qua những chỉ trích là chính đáng, còn việc ta có thực hiện như vậy ngoài đời hay không lại là chuyện khác.
Tuy nhiên, đôi khi tôi tự hỏi: Dân ta vô ý thức, kém văn minh để được lợi cho chính mình hay thực tế, họ hoàn toàn không biết gì về sự văn minh? Văn hóa thôn làng, với câu thần chú: "Thông cảm" đang được sử dụng tràn lan ngay cả những nơi văn minh nhất.
Trong chuyến bay từ Hồ Chí Minh về Hà Nội mới đây, một phụ nữ trung tuổi từ đâu chen ngang vào hàng dài đã xếp từ khá lâu. Chị đứng ngay trước mặt tôi xin "thông cảm vì chị sắp muộn chuyến bay". Rốt cuộc tôi phát hiện chị bay cùng chuyến với tôi.
Một người đàn ông tìm đủ mọi cách thuyết phục 2 người ngồi cạnh đổi ghế để anh ta có 3 ghế liền nhau tiện cho việc… ngủ. Khi tiếp viên không đồng ý, anh ta lớn tiếng quát tháo về chuyện "sao không chịu thông cảm".
Đã tới lúc chúng ta ngừng việc đem những chuẩn mực rất thấp của xã hội mà chúng ta đang sống để áp dụng vào tốc độ phát triển của thế giới.
Chúng ta có thể cảm thấy thật tự do khi được hút thuốc và vứt tàn bừa bãi, thay vì phải cuốc bộ vài trăm mét để tìm nơi cho phép hút thuốc. Nhưng vì bộ mặt chung của xã hội, có những nguyên tắc bắt buộc phải được tuân thủ.
Xã hội hiện đại có những luật lệ riêng của nó, và nếu như những xã hội văn minh có thể tuân thủ được, tại sao chúng ta lại không?