Sau khi đô hộ Đông Dương vào cuối thế kỷ 19, Pháp nhân danh triều đình Nguyễn của Việt Nam quản lý hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trong thập niên 1930, các chiến hạm Pháp như Inconstant, Alerte, La Malicieuse hay De Lanessan được ghi nhận xuất hiện liên tiếp tại quần đảo Hoàng Sa, trong khi quần đảo Trường Sa cũng có lính pháp đồn trú. Các hoạt động này được xác nhận trong Công báo của Pháp vào tháng 7/1933.
Cùng năm 1933, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đưa quần đảo Trường Sa vào phạm vi quản lý hành chính của tỉnh Bà Rịa, trong khi quần đảo Hoàng Sa được sáp nhập vào tỉnh Thừa Thiên.
Sau thắng lợi của quân Đồng minh trong Thế chiến II, Pháp trở lại Đông Dương và yêu cầu quân đội Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch rút khỏi các đảo mà lực lượng này chiếm trái phép năm 1946. Quân Pháp trở lại đây và xây dựng các trạm khí tượng, đài vô tuyến...
Tại Hội nghị San Francisco được tổ chức để bàn về việc ký Hòa ước hòa bình với Nhật Bản vào đầu tháng 9/1951, đề xuất "trao trả" hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc đã được nêu ra, song bị hội nghị bác bỏ với tỉ lệ áp đảo: 46/50 phiếu.
Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai. Ảnh: Sovfoto/Getty
Kết quả này cho thấy Bắc Kinh đã không đạt được mục đích của mình, cho dù trong "Tuyên bố về Hội nghị San Francisco và Dự thảo hòa ước giữa Anh-Mỹ đối với Nhật Bản" vào ngày 15/8/1951, hơn nửa tháng trước Hội nghị, thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã cố lồng vào những tuyên bố vô căn cứ về chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa
Trong khi đó, phái đoàn Chính phủ Quốc gia Việt Nam dự Hội nghị, do ngoại trưởng Trần Văn Hữu dẫn đầu, không vấp phải sự phản đối nào khi khẳng định chủ quyền truyền thống của người Việt đối với hai quần đảo này.
Đến năm 1956, Pháp chuyển giao lãnh thổ miền Nam Việt Nam cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Chính quyền này đã đưa lực lượng tiếp quản, đồn trú, tổ chức đơn vị hành chính trên hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, cũng như duy trì các cơ sở khí tượng mà Pháp để lại.
Trong giai đoạn phức tạp khi các bên thực thi hiệp định Geneve (ký năm 1954), Trung Quốc đã bí mật chiếm đóng trái phép các đảo phía đông Hoàng Sa vào năm 1956. Năm 1959, 82 "ngư dân" Trung Quốc - trên thực tế là các binh sĩ cải trang - bị quân đội VNCH bắt giữ khi định xâm nhập các đảo phía tây của Hoàng Sa.
Năm 1974, Trung Quốc huy động không quân, hải quân tấn công xâm lược và chiếm nhóm đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa.
Bước sang năm 1975, sau chiến thắng Buôn Mê Thuột, thời cơ chiến lược để giải phóng miền Nam - bao gồm các đảo và các quần đảo Trường Sa, Côn Lôn, Phú Quốc... - đã đến. Ngày 5/4/1975, Bộ Tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam triển khai kế hoạch tiếp quản quần đảo Trường Sa.
Ngay trước thềm 30/4/1975 lịch sử, trong 16 ngày (13-28/4), các lực lượng của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiếp quản các đảo do VNCH nắm giữ đóng giữ và đóng giữ các đảo cùng một số vị trí khác ở quần đảo Trường Sa. Ngày 5/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đến tháng 7/1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 6 - được bầu ngày 25/4/1976 - thông qua quyết định đổi tên nước thành CHXHCN Việt Nam. Như vậy, Nhà nước CHXHCN Việt Nam cò toàn bộ quyền, nghĩa vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong tư liệu lịch sử do Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc - cung cấp, chiến lược về biển Đông của Bắc Kinh trong thập niên 1970-80 được mô tả là "tự vệ giới hạn kết hợp với tuyên bố chủ quyền", thường được đề cập cùng với sự kiện xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988.
1978-1988 là giai đoạn Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình. Đi kèm chính sách mở cửa là các hoạt động tuyên truyền sai trái của họ trên bình diện ngoại giao.
Trong 10 năm này, Bộ ngoại giao Trung Quốc nhiều lần rêu rao về "chủ quyền" đối với các đảo trên biển Đông, bao gồm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thậm chí quay sang vu khống việc Việt Nam thực hiện quyền-nghĩa vụ hợp pháp ở các quần đảo của mình là "xâm chiếm các đảo của Trung Quốc và ký thỏa thuận khai khoáng với Liên Xô nhằm cướp đoạt tài nguyên dầu khí của Trung Quốc".
Năm 1987, Hội nghị lần thứ 14 Ủy ban hải dương học của các nước trong tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) họp tại Paris, thông qua "Kế hoạch đo đạc mặt biển toàn cầu".
Bắc Kinh đã chớp cơ hội này để "nhận" xây dựng 5 trạm quan trắc biển, một trong số đó là Trạm số 74 ở Trường Sa. Bắc Kinh khởi công vào tháng 1/1988 và đến ngày 14/3 thì các tàu chiến Trung Quốc gây ra vụ xâm lược đá Gạc Ma - nơi 64 chiến sĩ Việt Nam hy sinh anh dũng khi bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Trung Quốc gây ra vụ xâm lược đá Gạc Ma. Ảnh tư liệu
Trong suốt nửa sau thập niên 1970 và cả thập niên 1980, Việt Nam đã đấu tranh ngoan cường trên mặt trận ngoại giao và không ngừng củng cố cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền trên cơ sở luật pháp quốc tế trước chính sách "cả vú lấp miệng em" của Bắc Kinh trên trường quốc tế.
Vào năm 1979, 1981 và 1988, Bộ Ngoại giao nước ta đã công bố ba cuốn Sách Trắng về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các tài liệu này chứng minh hết sức rõ ràng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam trên hai quần đảo, cả về lịch sử, pháp lý và thực tiễn.
Sách Trắng đầu tiên, được Bộ Ngoại giao công bố ngày 28/9/1979 có tiêu đề "Chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa’’, giới thiệu 19 tài liệu về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo.
Ngày 30/1/1980, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra văn kiện "Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Tây Sa và Nam Sa", đi kèm các tư liệu lịch sử, bản đồ, văn vật mà nước này khăng khăng là có thể chứng minh các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa "từ thời cổ đã là lãnh thổ Trung Quốc" - như một động thái đáp trả Sách Trắng của Việt Nam. Tuy nhiên đến ngày 5/2, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố vạch trần thủ đoạn xuyên tạc của Bắc Kinh.
Tháng 12/1981, Bộ Ngoại giao công bố tiếp Sách Trắng "Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam".
Tháng 4/1988, Bộ Ngoại giao công bố Sách Trắng "Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và Luật pháp quốc tế", sau khi thông báo cho Liên Hợp quốc và gửi nhiều công hàm phản đối đến Bắc Kinh - đặc biệt là các Công hàm ngày 16, 17, 23/3/1988.
Bên cạnh ba Sách Trắng được đông đảo dư luận quốc tế thừa nhận, tại nhiều diễn đàn quốc tế xuyên suốt thập niên 1980, như hội nghị quốc tế về Khí tượng châu Á lần thứ 2 tháng 6/1980; hội nghị Địa chất quốc tế lần thứ 26 tháng 7/1980; Thông tin vô tuyến điện thế giới tháng 1/1983,… Việt Nam đã vạch trần và tố cáo Trung Quốc lợi dụng các diễn đàn để tuyên truyền về cái gọi là chủ quyền của Bắc Kinh đối với Hoàng Sa, Trường Sa, đồng thời khẳng định Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý về chủ quyền đối với hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế.
Đặc biệt, tại Hội nghị Hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương (năm 1983) ở Singapore, Trung Quốc muốn mở rộng vùng thông báo bay (FIR) Quảng Châu lấn vào FIR Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhưng đã bị Hội nghị bác bỏ và quyết định duy trì nguyên trạng...
Cho đến nay, 30 năm sau sự kiện Gạc Ma 1988, những văn kiện được công bố đã và đang là những nền tảng vững chắc để khẳng định chủ quyền lâu đời và liên tục của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.