Bà bầu bị nhóm giang hồ phê ma túy tra tấn khiến sinh non, thai nhi tử vong: Làm gì để giúp nạn nhân vượt qua sang chấn?

Xuân Phương |

Chị H.N.Y. (18 tuổi, quê Long An, ngụ quận 11), nạn nhân trong vụ bị tra tấn đến sẩy thai đang bị sang chấn tâm lý nặng nề.

Trải qua nhiều cú sốc nên Y. đang bị sang chấn tâm lý nặng nề

Hiện chị Y. đang được điều trị ở khoa sản bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM).

Chiều 16/4, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Tiến Minh, Trưởng khoa Sản Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết lúc 0h ngày 11/4, Khoa cấp cứu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tiếp nhận bệnh nhân H.N.Y (18 tuổi, ngụ Long An).

Y. nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, nhiều vết trầy xước, vết thương tay, chân, mặt sưng nề. Y. khai vừa sẩy thai khi thai mới được 6 tháng.

"Lúc nhập viện Y. la hét, kích động. Kết quả xét nghiệm máu xác định cô có mang thai. Bác sĩ nhiều khoa đã đến hội chẩn, khám cho bệnh nhân. Đến sáng 16/4, sau khi được điều trị tích cực, Y. đã đi lại, ăn uống được. Bệnh nhân không bị gãy tay, chỉ bị chấn thương phần mềm", bác sĩ Minh cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo bác sĩ, do bệnh nhân trải qua nhiều cú sốc nên bị sang chấn tâm lý nặng nề. Hiện bệnh viện đã mời chuyên gia tâm lý đến hỗ trợ cho Y., cũng như tiếp tục theo dõi tình hình bệnh.

Sau khi biết được hoàn cảnh của bệnh nhân Y. cũng như sự việc kinh hoàng mà chị này vừa trải qua, Ban giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương quyết định  hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt cho gia đình Y.

Bà bầu bị nhóm giang hồ phê ma túy tra tấn khiến sinh non, thai nhi tử vong: Làm gì để giúp nạn nhân vượt qua sang chấn? - Ảnh 1.

Y. gặp nhiều chấn thương sau những ngày bị giam giữ, hành hạ

Bệnh nhân cần sự động viên, quan tâm đặc biệt của gia đình, người thân

Theo thạc sĩ tâm lý Trần Hoài Minh - Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam (TP.HCM), chị Y. vừa trải qua những cú sốc như bị giam giữ, tra tấn, đặc biệt là bị sẩy thai nên bị sang chấn tâm lý là điều không tránh khỏi.

"Thật khó để Y. có thể vượt qua được sang chấn tâm lý trong thời gian ngắn, cô sẽ bị ám ảnh bởi những gì đã phải trải qua, phải chịu đựng.

Trong giai đoạn này, Y. thường xuyên buồn bã, mệt mỏi và sẽ có những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống. Sẽ có thời điểm cô ấy hoảng loạn khi nghĩ về những ký ức buồn đã phải trải qua.

Chính vì thế, Y. cần sự quan tâm đặc biệt của gia đình. Gia đình cô không nên khơi gợi lại những điều vừa xảy ra mà nên nói những câu chuyện ý nghĩa, điều tích cực... để cô ấy vui vẻ trở lại, dần vượt qua giai đoạn sang chấn tâm lý nặng nề này.

"Mặc dù vậy, không phải dễ dàng để vượt qua, cần một thời gian khá dài Y. mới có thể bình thường trở lại", ông Minh chia sẻ.

Còn Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoài Thương, Trung tâm kỹ năng mềm Việt Tâm (TP.HCM), cho biết bà cảm thấy xót xa khi nghe được những chia sẻ của Y. qua báo chí. Trong đó có những lời chia sẻ như: "Tôi bắt đầu sống trong những ngày địa ngục...", đặc biệt là nỗi đau sẩy thai.

"Những cảm xúc mà Y. phải đối diện là sợ hãi, trầm cảm, dễ giận mình, sợ người lạ, cảm thấy tức giận, luôn lo âu và rơi vào trạng thái hoảng loạn", bà Thương phân tích.

Theo bà Thương, chính vết thương tâm lý nặng nề ấy sẽ khiến Y cảm thấy khó khăn trong cuộc sống, thường gặp cơn ác mộng khi ngủ... Cô bị đảo lộn cuộc sống hoàn toàn và trải qua những cảm giác đau khổ. Để giúp Y. vượt qua, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ của đội ngũ y bác sĩ thì cần sự động viên của người thân trong thời điểm này.

"Với nhiều người, để vượt qua sang chấn tâm lý cần vài ngày hoặc vài tuần. Nhưng trong trường hợp của Y., có thể thời gian khá lâu, kéo dài hơn vì tính chất nghiêm trọng. Y. sẽ hay nghĩ về những hình ảnh, cảnh tượng hãi hùng xảy ra trong suốt thời gian bị giam giữ, tra tấn, chuyện bị sẩy thai... thế nên người thân cần phải động viên Y. rất nhiều.

Bên cạnh đó, nên nói về những chuyện tương lai, kể về những kỷ niệm đẹp... để giúp Y. dần quên đi câu chuyện đang ám ảnh. Mỗi khi Y. nhắc về chuyện buồn, nên tìm cách né tránh và đề cập ngay chuyện khác. Có như vậy thì Y. mới có thể sớm vượt qua", bà Thương nói.

Ngoài ra, theo bà Thương, thì việc bị sang chấn tâm lý có thể khiến cơ thể dễ suy nhược, vì thế cần giúp Y có chế độ ăn uống điều độ, uống thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại