Thị xã Ninh Hoà (tỉnh Khánh Hòa) được thành lập vào ngày 8/12/2010 trên cơ sở toàn bộ 1.197 km2 diện tích tự nhiên, và gần 234.000 nhân khẩu. Theo Niên giám Thống kê tỉnh Khánh Hòa năm 2019, Ninh Hoà là thị xã lớn nhất Việt Nam (rộng hơn một số tỉnh như Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên) và đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích lớn nhất tỉnh Khánh Hòa.
Nơi đây nằm cách thành phố Nha Trang khoảng 30 km, có hơn 837 km2 là núi rừng, khoảng 5,26 km2 là đồng cát ven biển. Vùng đồng bằng ở Ninh Hòa là một lòng chảo hơi tròn với các bên là núi có bán kính khoảng 15 km. Hệ thống sông Cái dài 49 km chảy qua địa bàn thị xã, chia thành 2 nhánh lớn là nhánh sông Cái ở phía nam và nhánh sông Đá Bàn ở phía Bắc.
Ninh Hoà có vị trí giao thông thuận lợi với đường sắt Bắc - Nam, quốc lộ 1A, quốc lộ 26 đi ngang, hình thành trục giao thông với hai cao tốc Vân Phong - Nha Trang (12.000 tỷ đồng), điểm đầu cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (gần 22.000 tỷ đồng). Đây còn là cửa ngõ giao thương của tỉnh Khánh Hoà với khu vực Tây Nguyên, kết nối với cảng hàng không Cam Ranh và Đông Tác (Phú Yên), các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia và các đô thị lớn trong khu vực Đông Nam Á trong bán kính bay từ 1-3 giờ. Trong ảnh là đèo Phượng Hoàng dài 12 km nằm trên quốc lộ 26, nối liền hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk.
Các thuận lợi về vị trí địa lý đã giúp thị xã rộng nhất Việt Nam trở thành điểm sáng trong hoạt động kinh tế biển với các dự án triệu USD. Trong đó, việc phát triển khu kinh tế Vân Phong (nằm trên địa bàn thị xã Ninh Hoà và huyện Vạn Ninh) trở thành động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung. Khu kinh tế Vân Phong được thành lập ngày 25/4/2006 với tổng diện tích khoảng 1.500 km2 (700 km2 mặt đất và 800 km2 mặt nước). Theo ban quản lý khu kinh tế Vân Phong, tính đến năm 2022, nơi đây đã thu hút được 155 dự án đầu tư (125 dự án trong nước và 30 dự án có vốn đầu tư nước ngoài). Trong ảnh là nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 với tổng vốn đầu tư là 2,58 tỷ USD.
Tổng số vốn đăng ký vào khu kinh tế Vân Phong khoảng 4,1 tỷ USD, vốn thực hiện 2,5 tỷ USD (đạt 61%). Trong đó, 97 dự án đã đi vào hoạt động, 58 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đang triển khai đầu tư xây dựng. Phần lớn các dự án đã và đang triển khai tập trung tại khu vực Nam Vân Phong thuộc thị xã Ninh Hoà. Trong ảnh là Tổng kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong có tổng vốn đầu tư 125 triệu USD, trong đó vốn đầu tư giai đoạn đầu là 60 triệu USD, sức chứa 500.000 m3; khối lượng xăng, dầu thông qua kho từ 5-6 triệu m3/năm; cùng với một cầu tàu có khả năng tiếp nhận tàu 150.000 tấn và các cầu cảng xuất hàng cho tàu từ 500 tấn đến 60.000 tấn.
Nhà máy đóng tàu Hyundai-Vinashin với tổng vốn 350 triệu USD là một trong những dự án lớn tại đây. Mỗi năm nhà máy này đóng khoảng 10 tàu trọng tải lớn cho các nước trên thế giới. Ngoài ra, cảng tổng hợp Nam Vân Phong cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư lớn, dần trở thành trung tâm logistic, thúc đẩy kết nối thương mại với khu vực Tây Nguyên. Cảng được đầu tư xây dựng với quy mô lớn nhất khu vực Nam Vân Phong, cập được tàu 70.000 tấn, trong tương lai nâng cấp có thể cập tàu lên đến 100.000 tấn. Dự kiến lượng hàng thông qua cảng đạt 1.000.000 tấn - 2.000.000 tấn/năm.
Bên cạnh đó, với hệ thống bãi biển, cảnh quan đẹp và khí hậu ôn hoà, thị Xã Ninh Hòa thu hút nhiều nhà đầu tư lĩnh vực du lịch - dịch vụ, bất động sản trong và ngoài nước với những cái tên nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam như Six Sense Ninh Van Bay, An Lam Retreats Ninh Van Bay, L'Alya Ninh Vân Bay, Pax Ana Doc Let Resort & Spa, bãi biển Dốc Lết, Khu du lịch Ba Hồ…
Trong đó, Dốc Lết (phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa) là địa điểm tham quan nổi tiếng được nhiều người lựa chọn trong hành trình du lịch. Nơi đây cũng nằm trong Đề án phát triển kinh tế đêm của tỉnh Khánh Hòa, hướng đến việc phát triển các hoạt động văn hóa vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm…
Bờ biển Ninh Hòa còn có đầm Nha Phu, nhiều cửa sông và diện tích bãi bồi ven sông ven biển lớn, thuận lợi cho nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, làm muối và phát triển rừng ngập mặn, có ý nghĩa trong cân bằng và phát triển du lịch sinh thái biển. Trong ảnh là đầm Nha Phu có diện tích gần 15 km2, là điểm tiếp giáp giữa vịnh Nha Phu và vịnh Vân Phong. Theo kết quả điều tra của Viện Hải dương học Nha Trang, đầm hiện có 232 loài thực vật phù du, trong đó có khoảng 150 loài tảo Silic, chiếm 65%; tảo Hai Roi (thuộc nhóm Tảo lục), chiếm 32% và đa dạng các loài khác.
Năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước của thị xã Ninh Hoà ước tính đạt 4.951 tỷ đồng, vượt 405% dự tía UBND tỉnh giao, bằng 134% so với cùng kỳ năm 2021. Thị xã đã hoàn thành kế hoạch toàn bộ 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, có 11/15 chỉ tiêu vượt mức kế hoạch giao. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp ước được 15.868 tỷ đồng, vượt 3,7% so với kế hoạch và tăng 18,9% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 3.135 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch và tăng 3,3% so cùng kỳ.
Hiện thị xã Ninh Hoà là đô thị loại IV thuộc tỉnh. Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Ninh Hòa đến năm 2040, nơi đây phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2030 với tốc độ đô thị hoá ở mức 70%. Ngoài ra, không gian thị xã sẽ được phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật - xã hội theo hướng tăng trưởng xanh, liên kết vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa, trở thành vùng kinh tế tổng hợp đóng vai trò động lực của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.