Vai trò của Nga tại Syria
Can thiệp quân sự của Nga tại Syria đã đem lại lợi ích đáng kể cho chính quyền Damascus. Hiện tại, chính phủ Syria đã thu hồi được gần như toàn bộ các khu vực, thành công chiếm lại Aleppo, vùng sa mạc trung tâm bị IS chiếm giữ và hầu hết các địa bàn lớn từ tay phe nổi dậy.
Tuy nhiên, mặc dù Syria có chiến lược rất rõ ràng trên chiến trường, giải pháp xử lí các vấn đề đối nội lại không thực sự có hiệu quả. Đặc biệt, các vấn đề lớn liên quan tới vùng lãnh thổ tự trị của người Kurd, số phận của 1/4 dân số phải tị nạn và sự suy sụp của nền kinh tế đất nước vẫn đặt ra dấu hỏi lớn đối với ông Assad.
Theo Asia Times, để giải quyết các mâu thuẫn tại Syria, Moskva đã đề nghị vận dụng giải pháp tương tự như Nga đã áp dụng với Chechnya hồi những năm 2000. Đại sứ Nga tại Washington còn lấy Grozny - thủ phủ được xây dựng khang trang của Chechnya - làm hình mẫu cho Aleppo.
Tuy nhiên, mô hình hồi phục Chechnya có thể sẽ khó có thể áp dụng được với Syria vì một số lí do khách quan.
Khi nhậm chức tổng thống Nga, ông Putin đã quyết liệt xử lí tình hình ở Chechnya, đưa quân đội, phi cơ tới tiêu diệt khủng bố, dần dần trao lại quyền kiểm soát cho người dân địa phương khi quân đội liên bang rút lui.
Mô hình tái thiết Chechnya khó áp dụng được tại Syria? Ảnh: Trigtent
Sau đó, các nguồn hỗ trợ tái thiết khổng lồ đã giúp xây dựng khu vực này, đặc biệt đưa thủ phủ Grozny trở thành một thành phố hiện đại, sang trọng và sạch bóng khủng bố.
Với những chuyên gia nghiên cứu, câu chuyện dường như đang lặp lại tại Syria. Năm 2015, Nga chính thức can thiệp vào nội chiến Syria với một loạt cuộc không kích quy mô lớn. Trong hơn 2 năm tiếp theo, hỗ trợ của Moskva đã giúp lực lượng chính quyền Syria và đồng minh chiếm lại được hầu hết lãnh thổ, ngoại trừ vùng phía bắc.
Gần đây, Nga đã giảm đáng kể cuộc không kích; trong năm nay, số lượng cuộc tấn công bằng phi cơ đã giảm một nửa nhờ vào các thời kì đạt được thỏa thuận đình chiến. Quân đội Nga đã giúp thông qua nhiều thỏa thuận hòa giải và sơ tán. Các tay súng nổi dậy buộc phải tới Idlib hoặc giao nộp vũ khí hạng nặng và chịu đầu hàng quân chính phủ.
Một khi các thỏa thuận "đâu vào đấy", quân đội Nga nhanh chóng rút lui và thay vào đó tài trợ các dự án tái thiết những công trình mang tính biểu tượng cao ở Homs và Aleppo.
Những trở ngại khó vượt qua
Với điểm tương đồng như vậy, có thể đối chiếu lại những gì Chechnya đang có ngày hôm nay. Các địa danh Gudecmes, Grozny hay chung nhất là Chechnya đã không còn bị gắn liền với những cụm từ "xung đột", "bạo lực" hay "chiến tranh". Không khí hòa bình bao trùm và người dân nỗ lực để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Tuy vậy, có rất ít cơ sở để cho rằng chiến lược hồi sinh Chechnya có thể áp dụng được tại Syria.
Xét tới quy mô, Chechnya là một khu vực nhỏ - cả về địa lí lẫn dân cư. Khi bắt đầu Chiến tranh Chechnya lần thứ 2, số lượng lính Nga còn nhiều hơn số cư dân tại Chechnya.
Chechnya có mật độ dân cư thưa thớt. Ngoài thủ phủ Grozny, Chechnya chỉ có 3 thành phố lớn khác là Gudecmes, Shali và Urus-Martan.
Trong khi đó, Syria lại có dân số lên tới 20 triệu người và có lãnh thổ rộng gấp 10 lần Chechnya. Quan trọng hơn cả, Syria không ở gần Nga về mặt địa lí.
Vấn đề tài chính lại là câu chuyện khác. Năm 2000, một quan chức Nga ước tính chi phí tái thiết Chechnya là khoảng 1 tỉ USD. Ngày nay, các số liệu của Liên Hợp Quốc cho rằng Syria cần tới 388 tỉ USD để phục hồi.
Vì vậy, việc áp dụng chiến lược tái thiết ở Chechnya vào Syria sẽ gặp nhiều khó khăn. Can thiệp của cộng đồng quốc tế trong việc định hình tương lai cho Syria, đặc biệt là vùng Idlib và vùng lãnh thổ tự trị của người Kurd, sẽ là mấu chốt trong quá trình giải quyết căng thẳng còn tồn đọng tại Syria.