Giải bơi VĐQG 2016 đã khai màn sáng 18.10 tại Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình (Hà Nội). Trong cuộc trò chuyện tại hồ bơi, HLV Đặng Anh Tuấn không khỏi bức xúc và cho rằng nữ kình ngư số 1 của Việt Nam đã bị đối xử thiếu công bằng.
Ông Tuấn bày tỏ quan điểm rất rõ ràng rằng: “Một VĐV tốt sau một quá trình tập huấn, tập luyện thì thi đấu ở các giải lớn, nhỏ đều quan trọng. Kế hoạch của Ánh Viên và chúng tôi về dự giải VĐQG 2016 không phải để kiếm thành tích hay các tấm huy chương.
Viên thi đấu có ý nghĩa kiểm tra thành tích cụ thể. Không thể lấy lý do rằng vì đăng ký 17 nội dung làm cơ hội của VĐV các địa phương khác không giành được thành tích để rồi hạn chế VĐV.
Đơn vị Quân đội không đăng ký Ánh Viên thi đấu giải VĐQG 2016 và chúng tôi chấp hành. Tuy nhiên, chúng ta phải vì cái chung định hướng phát triển VĐV bơi tốt thì các cháu mới không bị ức chế tâm lý.
Trên thế giới không ở đâu có việc VĐV đăng ký nhiều nội dung trong khả năng của họ thì lại bị giới hạn. Đây là một sự thiếu công bằng”. Ngoài ra, ông Tuấn cũng khẳng định hiện tại thầy trò của mình vẫn ở lại Hà Nội đến hết giải VĐQG 2016. Sau đó, Nguyễn Thị Ánh Viên sẽ được di chuyển vào TP.HCM tập luyện chuẩn bị cho giải quốc tế ở Nhật Bản.
Và ông Tuấn cũng dẫn chứng giải VĐQG năm nay có mời đội bơi của CLB BVSC Zugló (Hungary) tới thi đấu (trong đó có gương mặt nổi tiếng Verrasztó Evelyn – từng vô địch châu Âu) thì tính chất của sự cọ xát của các tuyển thủ khác liệu có khác hay không. Thực tế, đội bơi của Hungary thi đấu cũng chỉ mang tính chất kiểm tra thành tích, bản chất thì giống hệt trường hợp Ánh Viên.
Ở đây, chúng ta không đề cập quá nhiều chuyện của Ánh Viên nhưng phần nào cũng thấy sự thiếu nhất quán giữa các nhà quản lý, làm chuyên môn vô tình khiến VĐV bị thiệt thòi. Đơn vị Quân đội không đăng ký Ánh Viên thi đấu giải VĐQG và kình ngư này đã chấp nhận không tham dự.
Tất nhiên, chính Viên cũng rất buồn và lảng tránh mọi câu hỏi của báo giới ngay trên hồ bơi bởi vì “tôi không thi đấu nên không thể nói điều gì”.
Năm nay, giải bơi VĐQG vẫn tiếp tục thấy sự xuất hiện của các VĐV Việt kiều. Sức hấp dẫn của giải rõ ràng có. Từng VĐV Việt kiều đó (trong đó có Lê Nguyễn Paul – Việt kiều Mỹ) khẳng định thi đấu tại giải VĐQG bơi của Việt Nam tính chất không như các giải bơi ở Mỹ nhưng vẫn có sự cạnh tranh để các VĐV học tập nhau.
Chuyện của Ánh Viên xét cho cùng vẫn là vì bơi Việt Nam quá thiếu VĐV nổi bật. Chỉ có một Ánh Viên và không có đối trọng nên ai cũng cho rằng nếu cô cứ ra thi đấu ở giải VĐQG là sẽ thui chột tài năng các địa phương khác, do thấy không có khả năng tranh chấp. Hẳn thế, mọi e ngại xuất hiện khi Viên đăng ký 17 nội dung.
Mỗi người mỗi quan điểm, khó phân định đúng sai. Góc độ của người VĐV thể thao chuyên nghiệp, Ánh Viên có lý đúng rằng đã tập luyện thì sẽ thi đấu, không ngại bất kỳ giải nào.
“Chu kỳ tập luyện cao độ của Viên là 6km/ngày. Trong thời gian duy trì thì hàng ngày Viên tập 20km/ngày. Guồng tập luyện là rất căng nhưng so với VĐV quốc tế thì vẫn bình thường.
Mà mọi người đều tán dương những VĐV nữ của Mỹ, Hungary nổi tiếng thế giới nhưng ít người biết họ vẫn phải tập và thi đấu nhiều giải để có được thành công”, ông Tuấn khẳng định và cho rằng mấu chốt hoàn toàn không có chuyện tranh chấp giữa thể thao Quân đội với Trung tâm HLTTQG TPHCM để xem đơn vị là nơi cử Ánh Viên thi đấu lấy thành tích.
Vì vậy, câu chuyện cũng chỉ là “từ bé xé ra to”.