Anh-Liên Xô từng ăn miếng trả miếng vì gián điệp, đại sứ Anh "kêu cứu" Thủ tướng Thatcher

Hồng Anh |

Lần cuối cùng chính phủ Anh ban lệnh trục xuất số lượng lớn các nhà ngoại giao Liên Xô nghi là gián điệp là tháng 9/1985, vào giai đoạn cao điểm của Chiến tranh Lạnh.

Anh-Liên Xô thi nhau "tung hứng" đòn trả đũa

"Bà đầm thép" Margaret Thatcher đã ra lệnh trục xuất 25 nhà ngoại giao Liên Xô sau khi cựu Đại tá KGB Oleg Gordievsky đào tẩu khỏi Xô viết. Là một điệp viên hai mang, ông Gordievsky đã cung cấp thông tin tình báo về 25 điệp viên của Xô viết được cài cắm trong đại sứ quán của nước này tại Anh.

"Phát súng" đầu tiên của Anh đã mở đầu những vụ trục xuất trả đũa giằng co qua lại giữa hai nước. Căng thẳng giữa hai bên chỉ dừng lại khi đại sứ Anh tại Liên Xô "kêu cứu" và cựu thủ tướng Thatcher quyết định dừng tay.

Trước nguy cơ đại sứ quán Anh tại Liên Xô bị đóng cửa, đại sứ Anh Bryan Cartledge đã viết thư cầu cứu Thủ tướng và các bộ trưởng tại London khi các lãnh đạo chuẩn bị tung nước cờ trả đũa mới. Ông Cartledge viết trong bức điện tín gửi tới trụ sở London: "Đừng đấu đá nữa. Múa rìu qua mắt thợ thì chỉ có nước thua thôi".

Chỉ trong vòng 2 ngày sau khi bà Thatcher ban bố lệnh trục xuất, chính quyền Liên Xô đã ra đòn trả đũa khi yêu cầu 25 công dân Anh – bao gồm các nhà báo và nhà ngoại giao – phải rời khỏi lãnh thổ Liên Xô trong vòng 48 giờ đồng hồ.

Danh sách các công dân Anh bị trục xuất bao gồm hai nhân viên MI6 đã giúp ông Gordievsky đào tẩu, các nhân viên đại sứ quán, phóng viên và nhà báo của các hãng thông tấn lớn của Anh như Observer, Daily Mail, Telegraph và Reuters.

Anh-Liên Xô từng ăn miếng trả miếng vì gián điệp, đại sứ Anh kêu cứu Thủ tướng Thatcher  - Ảnh 1.

Ông Oleg Gordievsky. Ảnh: AP

Cựu Đại sứ Anh tại Liên Xô Cartledge cho biết: "Đòn trả đũa của họ [Liên Xô] tương ứng về số lượng với đòn tấn công của Anh. Điều tệ hơn là những nhân viên nói tiếng Nga bị nhắm đến đầu tiên, khiến chúng tôi gặp bất lợi lớn. Cùng một lúc, tôi mất đi tất cả những nhân viên nói tiếng Nga, và một phần ba số nhân viên đại sứ quán".

Vậy sau đó London đã phản ứng ra sao? Bà Thatcher và Ngoại trưởng Anh khi đó là ông Geoffrey Howe đã dự định trục xuất thêm 6 công dân Liên Xô nữa. Ông Cartledge đã phản đối điều này vì không muốn mất thêm người, nhưng sau đó quyết định của bà Thatcher vẫn được thực thi.

Ông Cartledge cho hay: "Phía Liên Xô cũng ‘trả miếng’ khi đuổi thêm sáu nhân viên ngoại giao Anh nữa về nước, nghĩa là khi ấy tôi chỉ còn nửa số nhân viên đại sứ quán. Phải rất lâu sau chúng tôi mới có thể hoạt động lại bình thường. Trong 3 tháng sau đó, đại sứ quán của chúng tôi gần như tê liệt, và không thể bổ nhiệm thêm nhân sự vào các chức vụ trống".

Liệu hai nước có đi vào vết xe đổ năm xưa?

Hôm 14/3 vừa qua, thủ tướng Theresa May vừa tuyên bố sẽ trục xuất và đóng băng tài sản của 23 nhà ngoại giao Nga để trả đũa vụ ám sát cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal bằng chất độc thần kinh hôm 4/3.

Bà May còn tuyên bố đây sẽ là vụ trục xuất ngoại giao lớn nhất trong vòng 30 năm qua.

Moscow cũng nhanh chóng đáp trả tuyên bố của London khi gọi hành động của chính phủ Anh là "không thể chấp nhận", và cảnh báo Nga sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng với quyết định của Anh.

Mặc dù Nga luôn phủ nhận, nhưng Anh vẫn khẳng định chính quyền Tổng thống Putin đã gây ra vụ ám sát. Giới quan sát trên thế giới vẫn đang 'nín thở' theo dõi các động thái của hai quốc gia này.

Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga vì vụ ám sát cựu điệp viên Skripal

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại