Anh hùng duy nhất trong sử Việt coi đại tướng của 2 vạn quân địch chỉ là "trẻ khờ dại..."!

Nhật Minh |

Thân là con vua, lại được phong đại tướng thống lĩnh hơn 2 vạn quân, nhưng trong mắt người anh hùng đất Đường Lâm, Hoằng Tháo không khác gì 1 đứa trẻ. Và thực tế đã chứng minh...

Anh hùng đất cổ

Sau Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, mảnh đất cổ Đường Lâm (nay là làng Cam Lâm, Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) sinh ra thêm một minh vương nữa cho dân tộc, đó là Ngô Quyền.

Ông sinh năm 899, mất năm 944, là con của Tướng Ngô Mân, châu mục Đường Lâm. Ngô Quyền nổi tiếng trong lịch sử là người có sức khỏe phi thường, chí lớn, mưu cao, giỏi cả võ công lẫn chiến thuật. Theo sử sách, Ngô Quyền "khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi như cọp, có trí dũng, sức có thể nhấc vạc, giơ cao".

Khi Ngô Quyền mới sinh, có ánh sáng lạ đầy nhà, trạng mạo khác thường, có ba nốt ruồi ở lưng, thầy tướng cho là lạ, bảo có thể làm chủ một phương, nên mới đặt tên là Quyền.

Do nổi tiếng khắp vùng, ông được Dương Đình Nghệ (người đánh bại quân Nam Hán năm 931) gả con gái là Dương Phương Lan và giao cho trấn giữ vùng Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay). Bằng tài năng của mình, Ngô Quyền đã đem lại yên vui và no đủ cho vùng đất mới này.

Năm 905, Khúc Thừa Dụ, hào kiệt An Nam cùng nhân dân đánh đuổi viên Tiết độ sứ người Trung Quốc, giành lại tự chủ cho dân tộc, xưng làm Tiết độ sứ (nhà Đường buộc phải sắc phong, sau là nhà Hậu Lương). Sau khi ông mất, con là Khúc Hạo tiếp tục sự nghiệp xây dựng bảo vệ đất nước.

Anh hùng duy nhất trong sử Việt coi đại tướng của 2 vạn quân địch chỉ là trẻ khờ dại...! - Ảnh 1.

Ngô Quyền chỉ huy quân lính trên sông (nguồn: Internet)

Khi vua Nam Hán kéo quân xâm lược An Nam, bắt Tiết độ sứ và tái lập nền cai trị vào năm 930, 1 tài tướng của Khúc Hạo là Dương Đình Nghệ đứng lên lãnh đạo nhân dân đánh đuổi quân Hán thắng lợi. Tuy nhiên, sau sáu năm trị vì, ông bị một nha tướng là Kiều Công Tiễn giết hại đoạt ngôi.

Con rể ông là Ngô Quyền kéo quân từ Thanh Hóa ra tiêu diệt nội phản Kiều Công Tiễn. Sợ hãi trước đội quân này, họ Kiều đã cử người mang của cải sang Nam Hán xin vua Hán xuất quân tương trợ. Lợi dụng sự cầu viện này, vua Nam Hán đã huy động đại quân xâm lược, âm mưu biến An Nam thành quận huyện một lần nữa.

Câu nói bất hủ của anh hùng đất Đường Lâm

Vua Hán không khỏi băn khoăn vì cách đó 7 năm (931) đã từng đại bại dưới tay nha tướng họ Dương. Các cựu thần Hán cực kỳ thận trọng khuyên nhà Vua "nay mưa dầm đã mấy tuần, đường biển thì xa xôi nguy hiểm, Ngô Quyền lại là người kiệt liệt không thể khi xuất được. Đại quân phải nên thận trọng chắc chắn, dùng nhiều người hướng đạo rồi sau mới nên tiến".

Nhưng, vì cơ hội tái chiếm An Nam đến gần, lại ôm tham vọng từ trước, chúa Nam Hán đã không đả động đến những lời gan ruột của những bề tôi dạn dày kinh nghiệm, huy động đại quân, nhanh chóng thực hiện mưu đồ.

Rút kinh nghiệm cho lần tiến quân trước, lần này Nam Hán tận dụng sở trường của mình, huy động nhưng binh thuyền hiện đại và thiện chiến nhất, tiến quân theo đường biển, từ Quảng Đông sang.

Lưu Cung phong con là Vạn vương Hoằng Tháo làm Tĩnh hải Tiết độ sứ Giao vương (với kỳ vọng chiếm được Giao Châu-thủ phủ của An Nam sẽ lấy đây làm thực ấp cho con), thống lĩnh đại binh (20.000 quân) theo đường thủy sang xâm lược An Nam.

Để cổ vũ và gây thanh thế, đích thân vua Hán cũng đốc thúc binh lính đóng ở biên giới (vùng Đông Bắc Quảng Ninh), sẵn sàng tiếp ứng khi cần thiết.

Anh hùng duy nhất trong sử Việt coi đại tướng của 2 vạn quân địch chỉ là trẻ khờ dại...! - Ảnh 2.

Vạn vương Hoằng Tháo (bên phải) thống lĩnh đại quân tiến đánh Giao Châu (nguồn: internet)

Mùa đông năm Mậu Tuất (938), gió mùa đông bắc đã về, thiên nhiên như cũng hưởng ứng quân Nam Hán, điều này càng làm đạo quân thiện chiến này phấn chấn, chủ quan, nghĩ rằng sẽ có thể tiêu diệt và chiếm đất dễ dàng, ai ngờ, đây lại là mở đầu cho một thất bại nghìn thu trên sông Bạch Đằng của Nam Hán.

Để đương đầu với quân xâm lược nhà Hán, Ngô Quyền đã huy động các binh sĩ, tướng lĩnh từ Ái Châu ra Giao Châu tiêu diệt nội phản họ Kiều, chặt đứt người nội gián khi Nam Hán xâm lược. Sau đó, với tài năng và quyền lực của mình ông huy động toàn bộ sức người, sức của của đất nước vào cuộc chiến trên sông Bạch Đằng.

Anh hùng duy nhất trong sử Việt coi đại tướng của 2 vạn quân địch chỉ là trẻ khờ dại...! - Ảnh 3.

20.000 thủy binh Nam Hán sang xâm lược Giao Châu (nguồn: internet)

Quân đội dưới trướng của Ngô Quyền ngoài 3000 nghĩa binh cảm tử đánh trận Đại La năm 931, còn có thêm một lực lượng lớn binh sĩ ở châu Ái và hào trưởng khắp vùng, cùng đông đảo nhân dân ủng hộ.

Tiêu biểu trong số đó có: Đội quân của Lã Minh (Thuận Thành Bắc Ninh); Phạm Bạch Hổ (Hưng Yên); Đỗ Cảnh Thạc (Quốc Oai, Hà Nội); Phạm Chiêm (Hải Dương); Đinh Công Trứ (Ninh Bình); Dương Tam Kha (Thanh Hóa)...

Đối đầu với đại quân Nam Hán cùng những thuyền binh khổng lồ, tân tiến bậc nhất lúc bấy giờ, Ngô Quyền đã loại trừ được nội phản, huy động được sức mạnh tổng lực của toàn nhân dân đánh giặc, là điều kiện tiên quyết dẫn đến thắng lợi của dân tộc. Tự tin vào bản thân, vào sức mạnh của đất nước, trước thế giặc xâm lược đang đến gần, ông nói với các bộ tướng của mình:

"Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được.

Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn, vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm trước ở cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát".

Anh hùng duy nhất trong sử Việt coi đại tướng của 2 vạn quân địch chỉ là trẻ khờ dại...! - Ảnh 4.

Thủy chiến trên sông Bạch Đằng (938) Nam Hán đại bại (nguồn: internet)

Nhận định của của Ngô Quyền như lời sấm truyền báo trước sự đại bại của chiến thuyền Nam Hán do Hoằng Tháo chỉ huy.

Và, thực tế lịch sử diễn ra theo đúng kịch bản đó, quân Hán bị đánh tan chỉ trong một con nước triều. Tên tuổi, tài năng của đại tướng quân Ngô Quyền, sau là Ngô Vương Quyền đi vào nghìn thu về lòng yêu nước, tài năng, khí phách và nghệ thuật quân sự thủy chiến Đại Việt.

Tài liệu tham khảo

Lê Thành Khôi (2016), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Nxb Thế giới, HN, Tr. 139.

Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê (1998), Đại Việt sử ký toàn thư tập, Ngoại kỷ, Quyển V, Kỷ Nam Bắc phân tranh, Nxb Khoa học Xã hội, HN, Tr 203-204.

Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng (2005), Các triều đại Việt Nam, Nxb Thanh niên. Tr. 63-65.

Trần Thị Vinh (2013), Lịch sử Việt Nam tập 2 (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX), Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội, HN, Tr 41-44.

Ủy Ban Khoa học Xã hội Việt Nam (1985), Lịch sử Việt Nam tập I, Nxb Khoa học Xã hội, HN, Tr 138-141.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại