Ẩn ý gì trong điện mừng Trung Quốc gửi Kim Jong Un?

Thủy Thu |

Hai bức điện mừng được Trung Nam Hải và Tập Cận Bình gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.

Dù năm nay, Bình Nhưỡng không mời Bắc Kinh tham dự đại hội đảng Lao động Triều Tiên, nhưng do được coi là "đồng minh" truyền thống nên việc Trung Quốc gửi điện mừng tới nhà lãnh đạo Kim Jong Un không phải là chuyện lạ.

Đặc biệt, điều khiến dư luận thế giới bất ngờ chính là việc Trung Quốc gửi hai bức điện thư để chúc mừng đại hội đảng Triều Tiên (6/5) và ông Kim Jong Un lên nắm giữ chức vụ Chủ tịch đảng (9/5).

Trong đó, bức điện đầu tiên được gửi với danh nghĩa Ủy ban trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, còn bức thứ hai do ông Tập gửi với tư cách Đại diện Ủy ban trung ương và cá nhân ông.

Hai bức điện thư ngắn nhất

Ngoài đại hội đảng, vào những dịp lễ như kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động (10/10), lãnh đạo Trung Quốc cũng thường gửi điện mừng tới lãnh đạo Triều Tiên.

Ví như, năm 2000 Triều Tiên kỷ niệm 55 năm thành lập đảng Lao động, cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đã gửi Triều Tiên bức thư dài 826 chữ.

Năm 2005 và 2010, cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào gửi điện thư dài 684 và 447 chữ.

Theo Đa chiều, nội dung các điện mừng của Bắc Kinh gửi ông Kim "rất súc tích" với khoảng hơn 200 chữ mỗi bức.

Được biết, đây là điện mừng ngắn nhất giữa các đời lãnh đạo Trung - Triều.

Vào năm 1980, Trung Quốc đã cử đại biểu cấp cao tham dự đại hội đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 36.

Đồng thời, lãnh đạo Trung Quốc khi đó là Hoa Quốc Phong còn gửi thư chúc mừng dài 1.153 chữ  tới cố lãnh tụ Kim Nhật Thành trước một ngày.

Điện mừng thiếu "từ khóa" quan trọng

Nhà nghiên cứu Trịnh Hạo trả lời phỏng vấn tờ Hongkong Commercial Daily khẳng định, việc gửi điện mừng giữa hai nước nhân những dịp lễ đặc biệt là điều hết sức bình thường, bởi đây là lễ nghi truyền thống cũng như thông lệ ngoại giao giữa các nước.

Ông Trịnh nhấn mạnh, cả bức điện của Trung Nam Hải và Tập Cận Bình đều không nhắc đến từ "đồng chí" hay mối quan hệ "hai đảng Trung - Triều" như thông lệ, mà chỉ là sự nhìn lại quan hệ "hữu nghị truyền thống" trong quá khứ.

Hai bức điện có chung một đoạn trích dẫn thể hiện phía Trung Quốc rất trân trọng quan hệ truyền thống hữu nghị Trung -Triều và coi đây là "tài sản chung vô giá" của hai nước.

Đồng thời, ông Tập cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc mong muốn hai nước sẽ hợp tác để góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.

Ông Trịnh Hạo cho rằng, thông điệp từ các bức điện mừng cho thấy Tập Cận Bình đang bày tỏ sự không hài lòng trước mối quan hệ song phương đang đi xuống và có ý "nắn gân" Kim Jong Un, đặc biệt về vấn đề vũ khí hạt nhân.

Bình Nhưỡng đã công khai chỉ trích Trung Quốc "ngả" theo phương Tây, áp đặt trừng phạt Triều Tiên về vấn đề hạt nhân.

Trong khi đó, Bắc Kinh cảnh cáo "không cho phép lợi ích quốc gia bị tổn hại", đồng nghĩa sẽ không ưu ái Triều Tiên nữa.

Trung Quốc cũng thể hiện sự cứng rắn khi tuyên bố thực thi đầy đủ các nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc.

Đại hội đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 7 khai mạc hôm 6/5 là đại hội đầu tiên được tổ chức trong 36 năm tại quốc gia này.

Tại phiên bế mạc hôm 9/5, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã được bầu làm Chủ tịch đảng.

Đây là dịp để ông Kim chính thức hóa quyền lực kể từ sau khi kế nhiệm cha mình, cố lãnh đạo Kim Jong Il, vào tháng 12/2011 - theo BBC.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại