Ẩn tình liên minh Nga, Trung, Ấn “quay lưng” lại phương Tây?

Minh Đức |

Tại sao Ấn Độ lại gia nhập Tổ chức hợp tác Thượng Hải, đứng chung bàn đàm phán với Nga và Trung Quốc?

Tuần này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang có mặt tại Nga tham dự Hội nghị của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO). Đây là hội nghị đầu tiên của Ấn Độ trong tư cách một thành viên toàn diện của SCO. Được thành lập vào tháng 6/2001, SCO gồm 8 nước là Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và mới đây nhất là Ấn Độ và Pakistan.

Tờ Forbes nhận định, việc Ấn Độ tham gia SCO phản chiếu “ván bài” mà nước này đang thực hiện: theo đuổi các mối quan hệ chiến lược thân thiết hơn với Mỹ và Nhật Bản, trong khi vẫn duy trì các kết nối an ninh lâu dài với Nga.

Sự ra đời của SCO

Mục đích hình thành của SCO được cho là một nỗ lực của Nga và Trung Quốc nhằm giữ các nước Trung Á khỏi ảnh hưởng của Mỹ. Thời điểm năm 2001, vai trò của Mỹ tại Afghanistan đã khiến cho Nga và Trung Quốc không thể không nhanh chóng thực hiện kế hoạch của mình.

Tổng thống Vladimir Putin lúc đó là một nhà lãnh đạo đầy nhiệt huyệt, luôn mong muốn đưa Nga trở lại vị thế cường quốc trên trường quốc tế. Cùng lúc, Trung Quốc mong muốn có được thêm càng nhiều bạn bè và đồng minh càng tốt.

15 năm trôi qua, những yếu tố như giá dầu thấp, các lệnh trừng phạt kinh tế ngày càng bị thắt chặt và sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc… đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến lập trường chiến lược của Nga. Moscow nhận thấy đã đến lúc cần phải có được sự cân bằng với Bắc Kinh, nhất là trước xu thế các đối tác Trung Á của Nga đang ngày càng ngả về phía Trung Quốc.

Đó chính là lý do cho sự xuất hiện của Ấn Độ. Là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao, nói tiếng Anh, “được lòng” phương Tây, nhưng Ấn Độ vẫn sử dụng xe tăng T90, phi cơ Sukhoi, tàu sân bay… , đều do Nga sản xuất.

Ẩn tình liên minh Nga, Trung, Ấn “quay lưng” lại phương Tây? - Ảnh 1.

Tàu sân bay Vikramaditya của Ấn Độ

Về kinh tế, giới kinh doanh Ấn Độ có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích an ninh Ấn Độ đang có hai nỗi lo lắng lớn: Pakistan và Trung Quốc. Kể từ khi giành được độc lập năm 1947, Ấn Độ đã trải qua sáu cuộc đụng độ lớn: bốn với Pakistan và hai với Trung Quốc – chưa kể đến những căng thẳng quy mô nhỏ hơn vẫn diễn ra lúc này lúc kia.

Cũng không thể không nhắc tới mối quan hệ nồng ấm truyền thống giữa Pakistan và Trung Quốc - đã vượt xa sự hợp tác có phần miễn cưỡng, bằng mặt mà không bằng lòng của Islamabad với Mỹ trong cuộc chiến chống lại khủng bố.

Ấn Độ: một thế lực đối trọng

Có thể hiểu được sự lo lắng của Ấn Độ, và lý do tại sao nước này luôn muốn tìm kiếm những người bạn quyền lực. Chính vì vậy, Nga đã nhân cơ hội này, kéo Ấn Độ vào SCO và trở thành một thế lực đối trọng với Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc cũng yêu cầu đồng minh của mình, Pakistan phải có mặt trong SCO. Kết quả là, cả Ấn Độ và Pakistan đều chính thức gia nhập SCO vào tháng Sáu năm nay tại Astana.

Tuy nhiên, điều này chưa có nghĩa là mục tiêu cân bằng chiến lược đã hoàn thành.

Theo Forbes, vai trò của Pakistan trong SCO không quá rõ rệt, nhất là khi tổ chức này đã có tới 4 quốc gia thành viên có người Hồi giáo chiếm đa số. Trong khi đó, Ấn Độ được kỳ vọng là sẽ không quá bị trói buộc bởi những “luật chơi” riêng của SCO. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới gần như chắc chắn sẽ không gây ra “điều tiếng” gì lớn, nhưng cùng lúc, nhiều khả năng Ấn Độ sẽ không bị cuốn vào các vấn đề an ninh hiện đang chiếm sóng chương trình nghị sự của SCO.

Với một SCO vốn đã bị chia rẽ bởi cuộc xung đột sắc tộc giữa Kyrgyzstan và Uzbekistan, tranh chấp nguồn nước giữa Tajikistan và Uzbekistan cùng với cuộc tranh cãi chính trị giữa Tổng thống Kyrgyzstan và Kazakhstan…, thật khó để hình dung được tổ chức này sẽ làm gì trước một thành viên mới - từng có tranh chấp thương mại với thành viên sáng lập là Trung Quốc, và đụng độ với một thành viên mới khác là Pakistan, ngay trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ khi chính thức gia nhập tới hội nghị thượng đỉnh đầu tiên.

Nga muốn Ấn Độ vào SCO để ngăn chặn tổ chức này bị ảnh hưởng quá nhiều từ Trung Quốc. Tuy nhiên, dường như động thái trên lại chỉ khiến SCO trở nên… không liên quan. Forbes tiết lộ, một tuần trước khi Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 30/11 và 1/12, chương trình nghị sự vẫn chưa được quyết định. Tám nguyên thủ quốc gia gặp nhau tại Sochi, nhưng những gì mà họ cùng thống nhất gần như chắc chắn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại