Ẩn số trong cuộc phản công lớn dự kiến của Ukraine nhằm vào Nga

Trung Hiếu |

Hiện nay đã là giữa tháng 5/2023. Câu hỏi trong đầu nhiều người là cuộc phản công của Ukraine nhằm vào quân đội Nga đã được xúc tiến tới đâu? Bức tranh về chiến dịch này có vẻ khá ảm đạm.

Kế hoạch được tuyên truyền rầm rộ từ lâu

Kế hoạch này đã được truyền thông chính thống cũng như mạng xã hội của phương Tây đề cập nhiều kể từ mùa thu năm 2022.

Khi đó, tướng chỉ huy của quân đội Ukraine, Valeri Zaluzhnyi, thông báo với Mỹ và nhóm liên lạc Ukraine do khối quân sự NATO dẫn dắt trong cuộc họp ở Ramstein (Đức) về danh sách mua các thiết bị quân sự mà Ukraine sẽ cần cho một cuộc phản công thành công nhằm đẩy quân Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraine.

Ẩn số trong cuộc phản công lớn dự kiến của Ukraine nhằm vào Nga - Ảnh 1.

Pháo binh Ukraine nhả đạn. Ảnh: Nytimes.

Kể từ đó, phương Tây đã nỗ lực tập thể để cung cấp sự ủng hộ vật chất cùng với việc huấn luyện cho binh sĩ Ukraine để giúp họ sử dụng vũ khí khí tài phương Tây theo học thuyết tấn công binh chủng hợp thành chuẩn NATO.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg công bố vào cuối tháng 4/2023 rằng NATO đã cung cấp hơn 98% số thiết bị được hứa hẹn với Ukraine vào mùa thu năm 2022, bao gồm trên 1.550 xe thiết giáp, 230 xe tăng, và lượng lớn đạn dược, bao gồm đạn urani nghèo sử dụng trên xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 của Anh, và tên lửa hành trình Storm Shadow phóng từ máy bay.

Ông Stoltenberg cho biết thêm, NATO cũng cung cấp huấn luyện cho hơn 30.000 lính Ukraine, giúp nước này lập ra 9 lữ đoàn tác chiến mới có khả năng giáng những đòn mạnh vào quân đội Nga ở Ukraine.

Nỗi niềm ông Zelensky

Tình hình viện trợ không diễn ra với nhịp độ nhanh như mong đợi của Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay, mặc dù quân đội Ukraine có đầy đủ binh sĩ đã trải qua huấn luyện để tiến hành phản công Nga, họ vẫn thiếu một số thiết bị hiện chưa tới Ukraine.

Ông Zelensky nói, Ukraine cần thêm thời gian để tiến hành bất cứ cuộc phản công lớn nào. Nhà lãnh đạo này vừa công du một loạt nước châu Âu để gây sức ép với các đồng minh NATO hãy viện trợ thêm cho Ukraine. Mỹ, Đức và Pháp đã hứa hẹn tăng lượng viện trợ quân sự cho Ukraine.

Tuy nhiên vẫn còn đó câu hỏi khi nào Ukraine sẽ có đủ lực lượng tiến hành một chiến dịch phản công thành công? Câu trả lời dường như rất mông lung.

Tiêu chuẩn mà người ta sử dụng để đo độ thành công hoặc thất bại của bất cứ cuộc phản công nào của Ukraine đều ở mức cao một cách thiếu thực tế, như với cuộc phản công ở Kharkov vào tháng 9/2022.

Tại đây, Ukraine đã khai thác được các vị trí phòng ngự của Nga thiếu nhân lực, thiếu chuẩn bị và thiếu chiều sâu cần thiết. Do chủ trương lùi để bảo toàn sinh lực, quân đội Nga khi ấy thực hiện rút lui, cho phép Ukraine giành một thắng lợi lớn.

Ukraine cũng tiến hành một chiến dịch “thành công tương tự” nhằm vào hữu ngạn Kherson, nơi một lần nữa Nga rút khoảng 30.000 quân để tránh thương vong cao nếu cố bám trụ để phòng ngự ở lãnh thổ gần như không thể phòng ngự.

“Vỏ quýt dày gặp phải móng tay nhọn”

9 lữ đoàn Ukraine (mà NATO giúp huấn luyện và trang bị) có năng lực tốt hơn lực lượng được NATO huấn luyện và Ukraine sử dụng ở Kharkov và Kherson. Nhưng quân Nga cũng có sức mạnh tương ứng.

Sau thắng lợi của Ukraine ở Kharkov và Kherson, Nga đã tiến hành động viên vào quân ngũ khoảng 300.000 lính cùng với huy động các tình nguyện viên, nâng số binh lực có trong tay Bộ chỉ huy Nga lên thành khoảng 700.000 người.

Hầu hết số này đã hoàn thành việc huấn luyện, đã được đưa ra tiền tuyến hoặc đặt trong trạng thái dự bị cho hoạt động quân sự tương lai.

Các vị trí phòng ngự của Nga được chuẩn bị theo tinh thần học thuyết quân sự của Nga, cả về độ đậm đặc của tuyến tiếp xúc, mức độ yểm trợ hỏa lực, lẫn việc bảo đảm tuyến phòng ngự thứ 2 và thứ 3 để ngăn chặn mọi khả năng đột phá tiềm tàng của Ukraine.

Nói cách khác, nếu Ukraine tiến công, họ sẽ lao vào một tấm chắn thép, khác biệt với những gì họ đối diện vào mùa thu năm 2022.

Ngoài ra, Nga đã thích ứng hơn nữa với thực tế chiến trường hiện đại. Việc Ukraine sử dụng các hệ thống pháo do Mỹ cung cấp, bao gồm pháo phản lực HIMARS, đã bị phía Nga vô hiệu hóa đáng kể nhờ vào:

(1) Nghệ thuật chiến dịch đã được cải tiến của Nga, nhằm giảm các mục tiêu tiềm tàng cho HIMARS,

(2) các hành động chiến thuật mới như sử dụng năng lực tác chiến điện tử nhằm gây nhiễu cho các tín hiệu định vị GPS được dùng để dẫn đường cho tên lửa HIMARS tới mục tiêu, và (3) năng lực phòng không cải thiện, với kết quả Nga bắn hạ được phần lớn tên lửa HIMARS do Ukraine phóng.

Nga cũng cải tiến việc sử dụng UAV cảm tử, đặc biệt là Lancet, để tìm diệt các vũ khí khí tài quan trọng của Ukraine cũng như các cơ sở chỉ huy và kiểm soát của Ukraine.

Tương tự, Nga đã tích hợp các công nghệ mới của riêng họ, bao gồm việc sử dụng “bom lượn” được dẫn đường chính xác với hiệu quả cao trước các đội hình tập trung của binh sĩ Ukraine.

Không quân và hải quân Nga cũng rất hiệu quả trong tung đòn trừng phạt vào các kho vũ khí và hậu cần của Ukraine ở hậu cứ nước này, sử dụng UAV tầm xa và tên lửa dẫn đường chính xác, phá hủy kho đạn và nhiên liệu mà Ukraine tích trữ để tiến hành các hoạt động quân sự kéo dài.

Hiện Ukraine đang thiếu đạn pháo và hệ thống phòng không, nên họ sẽ gặp khó trong nỗ lực phản công Nga .

Tất nhiên Nga cũng hứng chịu nhiều thiệt hại về kinh tế, nguồn lực và nhân lực. Vấn đề là ngưỡng chịu đựng của phương Tây sẽ tới đâu? Cách đây một năm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin lưu ý rằng mục tiêu của Mỹ ở Ukraine là gây đau thương cho Nga ở mức độ có tác động răn đe đối với Nga.

Tuy nhiên, khi Tổng thống Mỹ Biden chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử, áp lực trong nước Mỹ về việc đóng băng xung đột Ukraine lại gia tăng. Tổng thống Ukraine Zelensky có thể chờ thêm thời gian để củng cố lực lượng nhưng ông Biden có lẽ không thể chờ như vậy được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại