Ấn Độ vật vã tìm cách "triệt hạ" J-20 Trung Quốc: Vô vọng?

Trung Phạm |

Sự xuất hiện ở sát biên giới và mối đe dọa bộc lộ từ máy bay tàng hình J-20 của Trung Quốc đã khiến Ấn Độ phải lập ra nhiều chiến lược đối phó khác nhau.

Tháng 1/2018, việc Trung Quốc triển khai máy bay tàng hình J-20 gần biên giới ở vùng Đông Bắc với Ấn Độ - khu vực vốn dĩ là địa bàn nhạy cảm trong quan hệ giữa hai nước được xem như một lời cảnh tỉnh với New Delhi.

Từ lâu, việc phải tìm ra giải pháp để đối phó với các máy bay tàng hình Trung Quốc vẫn là một bài toán nan giải với Ấn Độ mặc dù vào tháng 3/2018, New Delhi tuyên bố các tiêm kích Su-30MKI của họ đã phát hiện được J-20 trong một cuộc tập trận được Bắc Kinh tiến hành ở Tây Tạng cùng với sự tham gia của nhiều máy bay khác như Chengdu J-10C và Shenyang J-11.

Tuyên bố trên cho thấy, Ấn Độ phần nào đó tự tin hơn về khả năng của mình, rằng J-20 không phải là loại tiêm kích tàng hình "quá ấn tượng". Tuy nhiên, nhiều câu hỏi liên quan vẫn còn để ngỏ: Chính xác thì Su-30MKI của Ấn Độ đã phát hiện được J-20 Trung Quốc khi nào, ở đâu và bằng cách nào?

Su-30MKI là dòng máy bay do Nga thiết kế, trang bị cơ động cơ cải tiến và có các tính năng hoạt động gần đạt tới mức hiện đại như Su-35 - loại tiêm kích chiếm ưu thế trên không đầu bảng hiện nay của Nga. Su-30MKI đã được Ấn Độ bổ sung thêm một số kỹ thuật điện tử hàng không mua từ Israel và Pháp. Động cơ tốt hơn hiện cũng đang được sản xuất tại Ấn Độ.

Tuy nhiên, sự xuất hiện và mối đe dọa từ máy bay tàng hình J-20 Trung Quốc đã khiến Ấn Độ phải lập ra nhiều chiến lược đối phó khác nhau. Trong một số trường hợp, mọi việc diễn ra suôn sẻ nhưng ở một số lĩnh vực khác Ấn Độ gần như chẳng đạt được gì.

Giải pháp hữu hiệu đầu tiên là Ấn Độ đã cải tiến được radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) để trang bị cho Su-30.

Lợi thế lớn nhất khi sở hữu AESA là đối phương rất khó triển khai các biện pháp chế áp hoặc gây nhiễu điện tử vì loại ra đa này có thể nhanh chóng thay đổi băng tần hoạt động và được điều chỉnh một cách ngẫu nhiên. Các máy bay hiện đại của Mỹ như F-16 và F-15 phiên bản nâng cấp, thậm chí cả F-35 đều trang bị AESA.

Mặc dù vậy, với các giải pháp đối phó khác thì Ấn Độ vẫn đang phải phải loay hoay tìm kiếm và chắc chắc chưa thể thành công trong ngắn hạn.

Ấn Độ vật vã tìm cách triệt hạ J-20 Trung Quốc: Vô vọng? - Ảnh 1.

Tiêm kích Su-30MKI

Tên lửa tấn công ngoài tầm nhìn

Ấn Độ đang hướng tới việc trang bị tên lửa tấn công ngoài tầm nhìn (BVR) cho các máy bay của mình nhưng hiện vẫn gặp phải rào cản lớn.

Trong cuộc tập trận tại Tây Tạng tháng 1/2018, Ấn Độ tuyên bố đã phát hiện ra J-20 Trung Quốc phóng tên lửa BVR PL-12 (hay "Thunderbolt-12").

Nhưng một câu hỏi quan trọng đặt ra ở đây là, liệu khi đó J-20 đang mang theo tên lửa ở bên trong khoang vũ khí để tránh sự phát hiện của radar hay chúng được gắn bên ngoài để phục vụ cho các mục đích kiểm tra và đánh giá? Nếu ở giá treo bên ngoài, J-20 có thể dễ dàng bị phát hiện bởi bất cứ loại radar nào.

Ấn Độ đã đặt hàng dòng tên lửa BVR Meteor của châu Âu do liên doanh MBDA - tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Đức, Pháp, Anh và Italy phát triển. Meteor hiện được xem như loại BVR uy lực nhất trong kho vũ khí của phương Tây với tầm tấn công xa hơn phiên bản không đối không tầm trung mở rộng (AMRAAM) của Mỹ từ 30-40%.

Tuy nhiên, MBDA đã bất ngờ hủy hợp đồng với Ấn Độ với tuyên bố họ sẽ không tham gia khi có sự dính líu của Nga và Israel. Trong khi đó, công việc thiết kế và hỗ trợ cũng như việc tích hợp vũ khí cho Su-30MKI phải cần tới sự trợ giúp của các chuyên gia Israel và Nga.

Công ty Elbit của Israel cung cấp một số thiết bị điện tử hàng không cho Su-30 Ấn Độ còn Nga thì chế tạo radar hiện nay và sẽ cung cấp các radar AESA trong tương lai.

Công nghệ chế tạo tên lửa, radar và các hệ thống trên khoang lái của Israel được bán ra trên toàn cầu nhưng Israel và Nga lại là những đối thủ tiềm năng của tên lửa không đối không BVR. Chẳng hạn như, Tập đoàn Rafael của Israel đang phối hợp với Raytheon của Mỹ trong một dự án chuyển đổi tên lửa đánh chặn David’s Sling thành một loại BVR tầm xa.

Ấn Độ vật vã tìm cách triệt hạ J-20 Trung Quốc: Vô vọng? - Ảnh 2.

Trung Quốc điều J-20 tham gia tập trận sát biên giới Đông Bắc Ấn Độ

Nâng cấp radar mặt đất và hiện đại hóa máy bay

Ấn Độ cũng đang tích cực nâng cấp các hệ thống radar đặt trên mặt đất, và bất chấp sự phản đối của Mỹ, đang tiến dần tới ký kết hợp đồng mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Bên cạnh đó, Ấn Độ còn nâng cấp các máy bay hiện đại nhất của mình, không chỉ bằng việc bổ sung radar AESA mà còn trang bị thêm các loại cảm biến mới, đặc biệt là sensor quang điện tử băng tần kép - hệ thống tìm kiếm hình ảnh và theo dõi bằng tia hồng ngoại (IRST).

IRST có tầm quan trọng đặc biệt bởi chúng được sử dụng để phát hiện các máy bay tàng hình thuộc thế hệ hiện nay. Trang bị trên máy bay, IRST có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách hàng trăm km.

Đặc biệt, các cảm biến IRST rất khó bị chế áp và không phát ra các xung sóng như radar. Ấn Độ đã cho phép mua các cảm biến IRST cho Su-30MKI và đang tìm kiếm đối tác cùng phối hợp sản xuất công nghệ này trong nước.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất với Ấn Độ là việc thiếu vắng các máy bay tàng hình trong kho vũ khí của mình. Ấn Độ đã từng đàm phán với Nga chế tạo phiên bản Su-57 cho mình nhưng dự án này gần như đã đổ vỡ.

Ấn Độ vật vã tìm cách triệt hạ J-20 Trung Quốc: Vô vọng? - Ảnh 3.

Các cảm biến IRST chế tạo nội địa có thể giúp phi cơ Ân Độ phát hiện máy bay tàng hình

Giải pháp đến từ Nga?

Người Nga không đặt quá nhiều niềm tin vào hiệu quả hoạt động của tiêm kích tàng hình bởi giá trị bù trừ mà loại máy bay này mang lại cũng như Nga chưa đủ hạ tầng công nghiệp để chế tạo được một dòng tàng hình thuần chủng như các mẫu của Mỹ.

Nhiều nhà quan sát phương Tây đã bỏ qua một chi tiết rất quan trọng: Về chiến thuật, Nga có xu hướng tập trung nhiều hơn cho các cuộc chiến chống lại các đối thủ yếu hơn chứ không phải là đối đấu với Mỹ.

Do đó, Nga chỉ cần kết hợp các công nghệ phát hiện như radar băng tần Lvà các cảm biến IRST lắp đặt cho Su-57 để đối phó với các máy bay tàng hình của Mỹ và có thể là cả Trung Quốc.

Máy bay tàng hình được thiết kế để đối phó với các radar băng tần X phổ biến nhưng có thể bị phát hiện bởi băng tần L và thậm chí là cả máy thu phát VHF và UHF.

Những hệ thống này tuy gặp vấn đề về tầm hoạt động và mức độ chính xác nhưng có thể được xử lý bằng phép đo đạc tam giác đặt trên mặt đất hoặc trên không (với độ chính xác) và những công nghệ mới cải tiến (với tầm hoạt động).

Ngoài ra, Nga cũng đang đầu tư mạnh mẽ cho các công nghệ chế áp tinh vi nhằm vô hiệu hóa radar đối phương, đặc biệt là các vũ khí BVR.

Tuy nhiên, triết lý này không ứng dụng được ở Ấn Độ và bởi vậy New Delhi vẫn phải đối diện với tình thế khó xử. Do sự hiện diện quá nhiều của vũ khí Nga ở Ấn Độ, nước này có thể sẽ gặp khó khăn khi mua F-35 của Mỹ (tất nhiên, nếu như họ muốn mua). Ngay cả khi Ấn Độ có được F-35 rồi, thì chi phí bỏ ra để duy trì và hỗ trợ nó là cực kỳ tốn kém.

Kịch bản khả dĩ nhất là Ấn Độ nên phối hợp cùng Nga tìm ra giải pháp dưới dạng đối tác liên doanh, có sự tham gia của các công ty châu Âu hoặc Israel để nâng cấp máy bay của Ấn Độ tiệm cận tiêu chuẩn F-35, ít nhất là về tích hợp hệ thống và thiết bị điện tử, có thể là cả tên lửa BVR.

Kết quả có thể sẽ cho ra đời một máy bay "giống tàng hình" với cảm biến cải tiến, động cơ nâng cấp và tầm hoạt động gia tăng. Đấy là những gì Ấn Độ mong muốn. Khi đó, New Delhi có thể tuyên bố sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ 5, phù hợp với mục tiêu đối phó với 2 đối thủ chính là Trung Quốc và Pakistan.

Nhưng một thông tin mà Ấn Độ có thể tạm thời yên tâm là J-20 của Trung Quốc được đánh giá là "một nền tảng lỗi". Điều này sẽ giúp Ấn Độ có thêm thời gian tiến gần hơn tới việc hoàn thiện khả năng đối phó với mối đe dọa đến từ máy bay tàng hình trong tương lai.

Nữ bộ trưởng QP Ấn Độ ngồi trên chiến đấu cơ Su-30MKI

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại