Ấn Độ và tham vọng siêu cường tàu sân bay: Những hòn đá tảng

Ly Vy |

Ấn Độ xem mình là một siêu cường đang lên nhưng hiện nay lại không có nổi 1 tàu sân bay sẵn sàng hoạt động.

Theo tờ Economic Times, INS Vikramaditya - tàu sân bay duy nhất của New Delhi hiện nay (mua từ Nga) - sẽ chỉ sẵn sàng hoạt động sau 8 tháng nữa do phải trải qua quá trình bảo trì.

Đáng báo động hơn, nó sẽ còn phải hoạt động một mình trong vòng từ 6 - 7 năm tới. Đó là bởi, theo báo cáo do Cơ quan kiểm toán Ấn Độ (CAG) trình lên Quốc hội nước này hôm thứ Ba, INS Vikrant - tàu sân bay do Ấn Độ tự chế tạo (đang được hoàn thiện tại nhà máy đóng tàu Cochin) sẽ chỉ sẵn sàng hoạt động vào năm 2023.

Từ lâu, Hải quân Ấn Độ đã đặt ra mục tiêu phải có 3 tàu sân bay, trong đó phân bổ 2 chiếc cho 2 hạm đội phía Đông và Tây, chiếc thứ 3 được dự bị để bảo trì và có thể hoạt động bất kỳ lúc nào.

Tuy nhiên, theo báo cáo của CAG thì phải đến năm 2023, Ấn Độ mới có được 2 tàu trong số này.

Ấn Độ và tham vọng siêu cường tàu sân bay: Những hòn đá tảng - Ảnh 1.

Tiêm kích hạm MiG-29K của Hải quân Ấn Độ.

Không chỉ gặp khó khăn với công tác chế tạo tàu sân bay, báo cáo của CAG còn tiết lộ rằng, phi đội MiG-29K do Ấn Độ đã đặt mua từ Nga (45 chiếc trị giá 2 tỷ USD) để trang bị trên 2 tàu sân bay INS Vikramaditya và INS Vikrant đang "gặp nhiều vấn đề" với khung thân, động cơ RD-33MK và hệ thống điều khiển bay bằng dây dẫn.

Những chiếc MiG-29K đặt mua từ năm 2010 đã gặp phải hàng loạt trục trặc với động cơ, trong đó có ít nhất 10 trường hợp được ghi nhận hạ cánh chỉ bằng 1 động cơ. Trong số 65 động cơ mua từ Nga, Ấn Độ đã phải từ chối hoặc loại bỏ ít nhất 40 chiếc khỏi biên chế do những lỗi này.

Ấn Độ và tham vọng siêu cường tàu sân bay: Những hòn đá tảng - Ảnh 2.

Tàu sân bay INS Vikrant đang được đóng tại nhà máy Cochin.

Tuy nhiên, Hải quân Ấn Độ vẫn tỏ ra khá lạc quan với công tác chế tạo tàu INS Vikrant.

"Con tàu (INS Vikrant) sẽ không có các trang thiết bị hàng không của Nga (như vũ khí hàng không, cáp hãm đà, trạm thủy lực...) và tên lửa phòng không tầm xa Barak-8. Song chúng tôi vẫn lên kế hoạch chạy thử trên biển vào năm 2018" - một quan chức cấp cao cho biết.

Thậm chí nếu con tàu này được bàn giao trong giai đoạn 2018-2019, nó sẽ không thể vận hành các tiêm kích MiG-29K vì không có các thiết bị hàng không cần thiết, và cũng không thể tự bảo vệ mình vì không có tên lửa Barak-8.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đã đình chỉ các đơn đặt hàng thêm tên lửa Barak-8 của Israel do chi phí cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại