Ấn Độ tiến thoái lưỡng nan trong cuộc đua “lấy lòng” Nga

Quốc Vinh |

Ấn Độ đang có một lựa chọn "tham lam" khi một mặt muốn gần gũi hơn với người Mỹ, nhưng mặt khác lại không muốn để Nga ngả về vòng tay Trung Quốc.

Ấn Độ cần Nga

Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc họp “không chính thức” tại Sochi vào cuối tháng 5, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận một số vấn đề song phương như hợp tác quân sự và các vấn đề quốc tế liên quan đến Ấn Độ và Nga.

Cuộc họp một lần nữa nhấn mạnh vào quan hệ đối tác chiến lược giữa New Delhi và Moscow, trong lúc hai nước phải đối mặt với một số thách thức, theo The Diplomat.

Về cơ bản, quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt giữa Nga và Ấn Độ vẫn nhất trí về việc định hình “một trật tự thế giới công bằng và cởi mở”.

Cả Thủ tướng Modi và Tổng thống Putin đều nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển "một trật tự thế giới đa cực", bên cạnh việc tăng cường tham vấn và phối hợp giữa các đối tác trong cấu trúc Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Trong khi định nghĩa “khu vực châu Á-Thái Bình Dương” là một công thức ưa thích bởi Trung Quốc, thì phía Ấn Độ lại đang hướng tới hình thái Ấn Độ-Thái Bình Dương mà có sự ủng hộ chắc chắn từ phía Mỹ.

Tổng thống Putin và Thủ tướng Modi cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc hai nước sẽ nỗ lực tăng cường hợp tác trong các nền tảng như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), BRICS và G-20.

Vấn đề năng lượng và kinh tế đã trở thành chủ đề nóng trong các cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo trong cuộc gặp cuối tháng 5 vừa qua. Trong nỗ lực duy trì động lực sẵn có, hai nước sẽ tham gia vào một cuộc đối thoại kinh tế chiến lược hàng năm.

Nhưng hơn tất cả, hợp tác quốc phòng và năng lượng hạt nhân mới là điều mà Ấn Độ mong muốn hướng tới phía Nga. Về cơ bản, trong suốt mười năm qua, hợp tác New Delhi-Moscow đã có những phát triển vượt bậc, bất chấp sự lôi kéo từ phía Washington với quốc gia Nam Á.

Tuy nhiên vẫn còn đó những “lấn cấn” từ phía Ấn Độ khi rõ ràng Nga vẫn luôn ưu tiên Trung Quốc hơn khi tìm kiếm một đối tác chiến lược ở châu Á.

Sự bối rối của Ấn Độ

Giới phân tích cho rằng, kể từ sau cuộc khủng hoảng Ukraine vào năm 2013, Nga rõ ràng muốn tìm đến sự ủng hộ của Trung Quốc vì tiếng nói ​​của Bắc Kinh mang trọng lượng lớn hơn Ấn Độ nếu đứng trên sân khấu toàn cầu.

Điều này đã được chứng minh qua những nỗ lực tiếp cận không ngừng của Nga đối với Trung Quốc, được phản ánh thêm trong một số thỏa thuận chiến lược giữa Moscow và Bắc Kinh.

Ấn Độ tiến thoái lưỡng nan trong cuộc đua “lấy lòng” Nga - Ảnh 2.

Trung Quốc vẫn có sức quyến rũ với Nga hơn Ấn Độ.

Năm 2013, Tổng thống Putin nhanh chóng thúc đẩy một thỏa thuận bán khí tự nhiên cho Trung Quốc trong vòng 30 năm. Nhưng đáng chú ý hơn là việc Nga liên tục có các hợp đồng bán các hệ thống vũ khí tân tiến cho Trung Quốc, mà được cho là có những tác động an ninh trực tiếp đối với Ấn Độ.

Với các hợp đồng chuyển giao chiến đấu cơ Su-30 và đặc biệt là Su-35 của Nga – giới quan sát quân sự đánh giá đây là độngthái có thể có tác động tức thời và hữu hình đối với cán cân quân sự Trung-Ấn.

Cùng với đó, hệ thống phòng không tầm xa S-400 mà Trung Quốc sẽ nhận được sớm hơn Ấn Độ cũng là câu chuyện đáng lo ngại với New Delhi.

Ở một khía cạnh khác, những nỗ lực của Ấn Độ trong việc đa dạng hóa mua sắm quốc phòng với các đối tác khác như Mỹ, Israel và Pháp cũng sẽ khiến cho mối quan hệ quốc phòng Nga-Ấn không thể gắn bó trong tương lai.

Trong trường hợp không thể có mối quan hệ kinh tế và thương mại song phương mạnh mẽ, quan hệ Ấn Độ - Nga cần phải có một mối quan hệ quốc phòng đủ mạnh và bất kỳ sự hạ cấp nào trong từng lĩnh vực cụ thể đều có thể có tác động bất lợi đến tình trạng chung của quan hệ Ấn Độ - Nga.

Chỉ vài năm trước, đối tác thương mại quốc phòng lớn nhất của Ấn Độ là Nga, nhưng Israel và Mỹ đã sớm vượt qua trong thời gian gần đây.

Điều níu kéo còn lại trong mối quan hệ của cả hai xuất phát từ việc vũ khí quốc phòng của Ấn Độ vẫn tiếp tục bị chi phối bởi các hệ thống Liên Xô/Nga, khi chiếm tới tỷ lệ 70%.

Ngoài ra, khi nói đến một số nền tảng quan trọng nhất định như tàu ngầm hạt nhân, tầm quan trọng của Nga vẫn có vai trò nhất định. Do đó, khi Ấn Độ tham gia vào quá trình đa dạng hóa các đối tác thương mại quốc phòng, nước này sẽ vẫn phải gắn bó với Nga trong một chặng đường dài.

Tuy nhiên, một trong những cản trở khác là sự xích lại gần hơn của Ấn Độ với Mỹ. Xuất phát từ nỗi lo ngại đến từ Trung Quốc, Ấn Độ đã phát triển chiến lược gần gũi hơn với Washington trong những năm gần đây, mặc dù chính sách đối ngoại của New Delhi đang cho thấy sự bối rối trong việc ngả hẳn sang Washington hay tạo cán cân trung lập.

Đối với Ấn Độ, câu hỏi quan trọng nhất là liệu Nga sẽ đứng cùng với Ấn Độ trong bất kỳ tranh chấp nào với Trung Quốc hay không. Lập trường của Moscow trong cuộc khủng hoảng Doklam năm ngoái đã không truyền cảm hứng cho sự tự tin ở New Delhi.

Mặt khác, New Delhi hiểu rằng nước này không thể để Moscow rơi hẳn vào vòng tay Bắc Kinh. Bất kỳ mối quan hệ đối tác chiến lược nào giữa Nga và Trung Quốc đều không có lợi cho Ấn Độ. Cho dù Ấn Độ chưa cho thấy bản thân có thể làm điều gì để cản trở điều này, nhưng chắc chắn một điều rằng New Delhi vẫn đang cố gắng bằng mọi cách có thể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại