Những chiếc xe tăng T-90MS mà Lục quân Ấn Độ mới đặt mua từ Nga sẽ xuất xưởng mà thiếu các hệ thống phòng hộ chủ động, đã khiến nước này phải nhanh chóng tìm cách bổ sung bằng những hệ thống chế tạo trong nước.
"Chúng tôi đang tìm kiếm một công ty nội địa có năng lực chế tạo, sản xuất những hệ thống này (phòng hộ chủ động) và có thể liên kết với một nhà sản xuất thiết bị nước ngoài", một quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố.
Lục quân Ấn Độ muốn có những hệ thống phòng hộ chủ động tiên tiến để lắp đặt lên 464 chiếc xe tăng T-90MS trị giá 2 tỷ USD đã đặt mua từ Nga hồi tháng 11/2016, một sĩ quan cao cấp của Lục quân nước này cho biết.
"Hệ thống phòng hộ chủ động tiên tiến hoàn toàn mới sẽ thuộc loại hiện đại nhất thế giới, Ấn Độ có thể thực hiện tốt việc đặt mua mới hơn là tìm cách vá víu như đã từng làm trong quá khứ", Rahul Bhonsle, một sĩ quan nghỉ hưu kiêm chuyên gia phân tích quân sự nhận xét.
Hệ thống phòng hộ chủ động là một tổ hợp radar gắn trên xe có thể phát hiện ngay lập tức bất kỳ vụ phóng tên lửa chống tăng nào, sau đó là bám sát, khóa và tiêu diệt quả đạn chống tăng đang lao đến hoặc ít nhất là làm chệch quỹ đạo bay của nó.
Xe tăng T-90S trong biên chế Lục quân Ấn Độ.
Những chiếc T-90MS chỉ được bảo vệ bằng chính lớp giáp của mình. Tại thời điểm này, không có bất cứ chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực nào của Lục quân Ấn Độ đang có trong biên chế được trang bị hệ thống phòng hộ chủ động.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố, ngay từ năm ngoái, những nỗ lực tìm kiếm hệ thống phòng hộ chủ động từ thị trường nước ngoài đã được triển khai, tuy nhiên hệ thống của Nga đã bị từ chối vì chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, và việc chỉ còn nhà thầu thứ 2 tới từ Israel có thể đẩy Ấn Độ vào tình huống chỉ có 1 nhà cung cấp duy nhất.
Chính phủ Ấn Độ cố gắng tránh việc đặt mua vũ khí và trang bị trong trường hợp chỉ có 1 nhà cung cấp duy nhất.
Hiện nay Ấn Độ đang vận hành khoảng 800 chiếc xe tăng T-90S. Những chiếc đầu tiên được Nga bàn giao năm 2001.
Điều gây bất ngờ nhất đó chính là bất chấp việc những chiếc xe tăng mới đặt mua thiếu hệ thống phòng hộ chủ động (do Ấn Độ tự tính toán và quyết định cắt giảm chứ không phải Nga không chào bán kèm những hệ thống mới nhất), nhưng Lục quân Ấn Độ vẫn hài lòng với thương vụ đặt mua những chiếc xe tăng T-90MS nâng cấp từ Nga.
Chúng sẽ được trang bị tổ hợp ngắm bắn ảnh nhiệt tối tân, cho phép trưởng xe có thể khai hỏa vào bất cứ mục tiêu nào trong các trận đánh đêm, một quan chức Lục quân nước này cho biết.
Những chiếc xe tăng mới có nhiều đặc điểm vượt trội, đáng kể nhất là khung gầm được nâng cấp và tháp pháo có dạng module, đều là những thiết kế mới, lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử chế tạo xe tăng của Nga, cho phép tăng khả năng sống sót và tăng tính tiện nghi cho kíp lái.
Một phần trong số 464 chiếc xe tăng T-90MS sẽ được sản xuất theo giấy phép chuyển giao công nghệ tại Nhà máy Quốc doanh Chế tạo phương tiện hạng nặng (HFV) ở Avadi, miền Nam Ấn Độ.
Tuy nhiên, một nguồn tin từ Lục quân Ấn Độ "tế nhị" cho biết Nhà máy Quốc doanh kể trên không đáp ứng được mục tiêu sản xuất và trên thực tế, họ chỉ đáp ứng được 30% yêu cầu.
Bên cạnh đó, mức độ tự chủ trong việc sản xuất những chiếc xe tăng T-90 sản xuất theo chuyển giao cộng nghệ ở Nhà máy Avadi rất thấp, do Nga không chịu chuyển giao toàn bộ công nghệ cho Ấn Độ.