Ấn Độ phóng tàu đến nơi lực hấp dẫn bị triệt tiêu: 'Vụ nổ Lớn cho khoa học'

Trang Ly |

Ấn Độ tiếp tục làm nên lịch sử với vụ phóng tàu nghiên cứu Mặt trời thành công ngày 2/9/2023.

11:50 sáng ngày 2/9/2023 (giờ Ấn Độ, khoảng 13:20 chiều giờ Việt Nam) đánh dấu thời khắc quan trọng tiếp theo của Ấn Độ trong hành trình khám phá vũ trụ: Tên lửa PSLV-C57 phóng thành công tàu nghiên cứu Mặt trời Aditya-L1 từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota, Ấn Độ - Cũng là nơi phóng tàu vũ trụ của Chandrayaan-3 lên Mặt trăng của quốc gia này.

Sau 2 phút di chuyển, tên lửa PSLV-C57 đã hoàn thành 3 giai đoạn phân tách đầu tiên và tàu Aditya-L1 đang hoạt động bình thường. Vài phút sau, tên lửa đã tắt động cơ đẩy và hiện đang lao vào vị trí Quỹ đạo Trái đất thấp (LEO) ban đầu, Independent thông tin.

Aditya-L1 đang hướng tới đích đến là điểm Lagrange 1, khu vực nằm ở khoảng giữa Mặt trời và Trái đất, nơi lực hấp dẫn của cả hai thiên thể triệt tiêu lẫn nhau. Vị trí đó sẽ cho phép Aditya-L1 tiếp tục ở trên quỹ đạo, ở vị trí tối ưu để quan sát hoạt động của Mặt trời với mức tiêu thụ nhiên liệu thấp, CNN thông tin.

Ấn Độ phóng tàu đến nơi lực hấp dẫn bị triệt tiêu: Vụ nổ Lớn cho khoa học - Ảnh 1.

Tàu nghiên cứu Mặt trời Aditya-L1 trước khi lên bệ phóng. Ảnh: ISRO

Vụ nổ Lớn cho khoa học

Chuyên gia cho biết sứ mệnh nghiên cứu Mặt trời đầu tiên của Ấn Độ có thể tạo ra 'Vụ nổ Lớn cho khoa học'. 

Nhà vật lý thiên văn người Ấn Độ Somak Raychaudhury cho biết sứ mệnh Mặt trời của Ấn Độ có khả năng tạo ra một "Vụ Nổ lớn về mặt khoa học. Lý do là vì một trong những sứ mệnh của Aditya-L1 là nghiên cứu sự phóng khối nhật hoa (sự phóng khối lượng lớn của vành nhật hoa).

Hệ thống liên lạc vệ tinh của Trái đất từng bị ngừng hoạt động do bị tấn công bởi sự phóng khối nhật hoa. Trong khi đó, các vệ tinh trên Quỹ đạo Trái đất tầm thấp là trọng tâm chính của các nhà đầu tư tư nhân toàn cầu, điều này khiến sứ mệnh Aditya-L1 trở thành một dự án rất quan trọng".

Với Aditya-L1 – Aditya có nghĩa là "Mặt trời" trong tiếng Phạn – cơ quan vũ trụ ISRO của Ấn Độ hy vọng lần đầu tiên có thể quan sát hoạt động của ngôi sao gần Trái đất nhất từ ​​​​không gian và quan sát ảnh hưởng của nó đối với các hiện tượng thời tiết không gian như bão Mặt trời trong thời gian thực.

Ấn Độ phóng tàu đến nơi lực hấp dẫn bị triệt tiêu: Vụ nổ Lớn cho khoa học - Ảnh 3.

Aditya-L1 đang hướng tới đích đến là điểm Lagrange 1, khu vực nằm ở khoảng giữa Mặt trời và Trái đất. Ảnh chụp màn hình: ISRO

Các bức xạ khác nhau của Mặt trời không tới được bề mặt Trái đất nên các thiết bị trên hành tinh không thể phát hiện ra bức xạ đó và các nghiên cứu về Mặt trời dựa trên những bức xạ này không thể được thực hiện.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết tàu thăm dò mới của Ấn Độ có thể thực hiện quan sát các bức xạ Mặt trời này từ bên ngoài bầu khí quyển Trái đất – nghĩa là từ không gian.

Cơ quan vũ trụ Ấn Độ hy vọng tàu vũ trụ sẽ được đưa vào khu vực được gọi là Điểm Lagrange 1 (L1) an toàn, nằm cách Trái đất khoảng 1,5 triệu km để có được tầm nhìn liên tục và rõ ràng về Mặt trời.

Mục tiêu chính của sứ mệnh Aditya-L1 bao gồm nghiên cứu bầu khí quyển phía trên của Mặt trời và các hiện tượng Mặt trời khác nhau, chẳng hạn như vấn đề đốt nóng vành nhật hoa; sự phóng khối lượng lớn của vành nhật hoa...

Việc phóng thành công Aditya-L1 diễn ra chưa đầy 2 tuần sau khi cơ quan vũ trụ Ấn Độ làm nên lịch sử bằng cách hạ cánh tàu vũ trụ của Chandrayaan-3 lên bề mặt Mặt trăng. Thành tích này khiến Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới - và là quốc gia thứ hai trong thế kỷ 21 - hạ cánh phương tiện thành công trên Mặt trăng.

Nguồn: CNN, Independent

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại