Ấn Độ được gọi là "ngọn đèn của phương Đông" hé lộ gì về chính sách châu Á của ông Trump?

Lưu Bình |

Trước thềm chuyến công du châu Á quan trọng vào đầu tháng 11 của tổng thống Mỹ Donald Trump, một số nội dung liên quan đến chính sách khu vực của chính phủ Mỹ đã được hé lộ.

Hôm 18/10, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đọc diễn văn liên quan đến chính sách về chiến lược quan hệ Mỹ-Ấn trong 10 năm tới tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trước khi thực hiện chuyến thăm đến Ấn Độ vào tuần tới. Điều này đã thu hút sự quan tâm của các nhà quan sát trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Ông Tillerson đánh giá cao vai trò tích cực của New Delhi trong duy trì trật tự quốc tế và chỉ trích Trung Quốc không duy trì trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc và có trách nhiệm như Ấn Độ, mà thậm chí còn làm tổn hại đến trật tự này.

Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng bác bỏ những cáo buộc trên, khẳng định Bắc Kinh kiên định trong việc giữ gìn trật tự quốc tế với Liên Hợp Quốc là hạt nhân, và kêu gọi Mỹ "nhìn nhận và đánh giá Trung Quốc một cách khách quan" và "từ bỏ những thành kiến".

Mỹ và Ấn Độ là ánh sáng của phương Đông và phương Tây

Thái độ của Ngoại trưởng Tillerson liên quan đến chính sách Nam Á của chính quyền tổng thống Donald Trump cho thấy, Washington đã quyết định xem Ấn Độ như là một đối tác chiến lược tự nhiên của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cùng duy trì một trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc.

Ông cũng gọi Mỹ và Ấn Độ là "ngọn đèn sáng của phương Đông và phương Tây" để gìn giữ sự ổn định toàn cầu và thiết lập trật tự quốc tế ở hai đầu thế giới.

Thông điệp của phía Mỹ đưa ra trùng với ngày khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc khóa 19 của đảng Cộng Sản Trung Quốc, khiến Bắc Kinh xem đây là động thái mang tính thách thức lớn.

Thêm vào đó, sự gắn kết của Mỹ với Ấn Độ diễn ra không lâu sau cuộc đối đầu kéo dài 3 tháng tại khu vực cao nguyên biên giới Doklam (Bắc Kinh gọi là Donglang) giữa quân đội Trung-Ấn, thậm chí có thời điểm nguy cơ bùng phát chiến tranh biên giới giữa hai nước đã hiện rõ.

Ông Tillerson đã không đề cập vấn đề Doklam, nhưng cảnh báo Washington sẽ không bỏ qua những thách thức mà Bắc Kinh đã tạo ra khi "xâm phạm chủ quyền của các nước láng giềng và gây bất lợi cho Mỹ cũng như các đối tác".

John Hamre, chủ tịch và giám đốc điều hành CSIS, mô tả bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ là "có ý nghĩa". Ông Hamre tin rằng Tillerson đang nói về việc Mỹ cần phải hợp tác với Ấn Độ để đảm bảo rằng khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương ngày càng trở thành một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng, không để khu vực này bị biến thành một nơi hỗn loạn.

Ấn Độ được gọi là ngọn đèn của phương Đông hé lộ gì về chính sách châu Á của ông Trump? - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Tillerson (Ảnh: AP)

Dọn đường cho chuyến đi châu Á của Tổng thống Trump

Bài diễn thuyết của ông Rex Tillerson tại CSIS hé lộ bức tranh tương đối hoàn chỉnh đầu tiên về chính sách châu Á của chính quyền Trump, thể hiện triển vọng của mối quan hệ Mỹ-Ấn Độ cũng như những chính sách của Washington đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời chỉ trích các động thái của Trung Quốc ở biển Đông, đề cập sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Bắc Kinh, những thách thức mà Trung Quốc đặt ra đối với nguyên tắc và trật tự quốc tế do Mỹ bảo vệ.

Cố vấn cấp cao của CSIS về các vấn đề châu Á và Trung Quốc, bà Bonnie Glaser cho rằng, đây đều là những chủ đề sẽ nằm trong chuyến công du Châu Á trong tháng 11 tới của tổng thống Trump.

Một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ trao đổi với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cho biết, bài phát biểu của ông Tillerson dựa trên các cuộc tham vấn, trao đổi giữa Bộ Ngoại giao Mỹ, Nhà Trắng và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ trong nhiều tháng.

Điều này dường như cho thấy, đội ngũ an ninh quốc gia Mỹ đã hoàn thành việc đánh giá chính sách châu Á và xây dựng một chiến lược tương ứng ngay trước chuyến công du của ông Trump tới châu Á.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại