“Đúng là cho đến bây giờ Ấn Độ đã thực thi chặt chẽ chính sách “không dùng trước” đối với vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên những gì xảy ra sẽ còn phụ thuộc vào từng hoàn cảnh khác nhau”, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh phát biểu tại Pokhran, nơi Ấn Độ từng thử nghiệm hạt nhân vào các năm 1974 và 1998.
Dù vậy, ông khẳng định Ấn Độ vẫn là “một quốc gia hạt nhân có trách nhiệm” và vũ khí hạt nhân sẽ dần trở thành “niềm tự hào dân tộc đối với mọi người dân trên cả nước”.
Thời điểm ông Singh đưa ra lời đe dọa ngầm này diễn ra trong lúc căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, hai quốc gia láng giềng có vũ khí hạt nhân, nóng lên. Sự thù địch kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai nước đã trở nên xấu đi sau khi New Delhi tước quyền tự trị của bang Jammu và Kashmir, khiến Pakistan tức giận và dẫn đến những cuộc xung đột nhỏ lẻ ở vùng ranh giới giữa khu vực do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát ở vùng Kashmir trong những ngày qua.
Trước đó vào đầu năm nay, tranh chấp giữa hai nước ở vùng Kashmir đã có nguy cơ bùng phát thành một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn sau khi một tổ chức khủng bố ở Pakistan tấn công lực lượng an ninh Ấn Độ khiến hơn 40 binh sĩ thiệt mạng. Đáp lại, Ấn Độ tiến hành các cuộc không kích xuyên biên giới và buộc Pakistan triển khai máy bay và đã bắn hạ ít nhất một phi cơ của Ấn Độ.
Sau đó, có thông tin cho rằng New Delhi đã đe dọa sẽ phóng tên lửa tới Pakistan trong lúc căng thẳng, và Islamabad đáp lại sẽ đáp trả bằng một cuộc tấn công tên lửa “có quy mô lớn gấp ba lần”. Mặc dù hai nước không có bất kỳ hành động vượt quá giới hạn nào, song hai bên đã có nhiều cuộc giao tranh nhỏ lẻ ở hai bên ranh giới Kashmir khiến nhiều người dân thiệt mạng.
Ấn Độ đang sở hữu một số lượng lớn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung có thể tấn công bất kỳ địa điểm nào ở Pakistan. Trong khi đó, quân đội Pakistan cũng có một loạt những loại tên lửa tương tự để đáp trả nếu chiến tranh giữa hai nước bùng nổ.