"Ấm ức” với kết luận thanh tra

Đ.Thành - A.Linh |

Vừa qua, đại diện Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã phải chính thức lên tiếng “đính chính” lại một số kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến “kiến nghị xử lý số tiền 15.000 tỉ” của TKV. Đây không phải lần đầu một doanh nghiệp phải lên tiếng về thông báo kết luận của Thanh tra.

Vừa qua, đại diện Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã phải chính thức lên tiếng “đính chính” lại một số kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến “kiến nghị xử lý số tiền 15.000 tỉ” của TKV. Đây không phải lần đầu một doanh nghiệp phải lên tiếng về thông báo kết luận của Thanh tra.

Không sai phạm

Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) khẳng định: “Không có sai phạm với số tiền lên tới 15.000 tỉ đồng”. Lý do được đại diện đưa ra là con số gần 15.000 tỉ đồng mà Thanh tra Chính phủ (TTCP) nêu trong Kết luận là “cần kiến nghị xử lý” chứ chưa kết luận là “sai phạm” đối với toàn bộ số tiền này.

Theo bà Đăng Thị Tuyết - Trưởng ban Thanh tra Pháp chế của TKV - ngày 9.11.2017, TTCP đã ban hành kết luận số 2810 sau khi thực hiện thanh tra định kỳ tại TKV vào ngày 17.7.2015. Ngày 30.8.2017, Văn phòng Chính phủ có Công văn 2681 thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình:

“Trên cơ sở kiến nghị của TTCP, Bộ Công Thương chủ trì, đề xuất xử lý đối với khoản tiền 8.320,851 tỉ đồng; Bộ Tài chính chủ trì, đề xuất xử lý đối với khoản tiền 1.623.075 tỉ đồng; TKV chủ trì, đề xuất xử lý đối với khoản tiền 4.564,999 tỉ đồng, báo cáo kết quả đến TTCP để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bà Tuyết cũng khẳng định: “Ngày 20.12.2017, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp về kết luận 2810 của TTCP, có sự tham gia của các Bộ Công an, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, TNMT, Tổng cục Thuế.

Tại buổi họp này, Phó TTg Thường trực chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và TTCP về một số nội dung còn ý kiến khác nhau. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ cũng chưa có ý kiến chính thức đồng ý với kết luận thanh tra và TTCP cũng chưa tổ chức công bố kết luận thanh tra tại Tập đoàn” - bà Tuyết nói.

Lý giải vì sao quan điểm của TKV rằng vì sao không thừa nhận các kiến nghị xử lý (theo kết luận thanh tra) lên đến gần 15.000 tỉ đồng, bà Tuyết cho biết: “Một số vấn đề như việc tính toán khối lượng đất đá vận chuyển trong khai thác lộ thiên TKV 4.597,58 tỉ đồng: TKV thực hiện theo quy định chuyên ngành khai thác mỏ lộ thiên trong khi TTCP lại tính theo một cách khác không thống nhất về phương pháp tính toán (một đằng TKV tính theo chỉ tiêu quy định của ngành mỏ, một đằng TTCP lại lấy theo chỉ tiêu của ngành xây dựng); về các chênh khối lượng nghiệm thu vận chuyển đất đá giữa phương pháp của TTCP tính theo tải trọng đăng kiểm và phương pháp nghiệm thu theo đo đạc trắc địa của TKV là 347,622 tỉ đồng; trích lại số trích lập quỹ Khen thưởng phúc lợi của TCty Khoáng sản là 64,041 tỉ đồng…

Bà Tuyết cũng cho rằng, việc “nói lại cho rõ” này là để dư luận đang hiểu cách hiểu để đánh giá vấn đề giữa TKV và TTCP chưa đồng nhất chứ không phủ nhận kết luận của TTCP.

Vẫn còn ấm ức

Cũng trong thời gian vừa qua Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận qua đó chỉ ra một số thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm tại một số đơn vị của Vietcombank. Đây là những tồn tại, sai sót trong một số nghiệp vụ của đơn vị phát sinh trong những năm trước đây.

Mặc dù có những đánh giá tích cực đối với Vietcombank nhưng TTCP cũng thông báo ngân hàng này vẫn còn một số khuyết điểm, vi phạm. Cụ thể, trong hoạt động tín dụng, một số hồ sơ tín dụng có hồ sơ pháp lý khách hàng, pháp lý dự án không đầy đủ; thẩm định hồ sơ vay vốn, năng lực tài chính thiếu chính xác; báo cáo thẩm định chưa phân tích và đánh giá khả năng trả nợ, nguồn trả nợ, hiệu quả dự án…

Một số hồ sơ tín dụng giải ngân khi chưa đủ điều kiện theo phê duyệt; chứng từ giải ngân không đầy đủ. Ngay sau đó, Vietcombank đã ra thông báo nói rõ việc tích cực phối hợp cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ chứng từ theo yêu cầu của đoàn thanh tra.

Hầu hết các tồn tại, sai sót mà Thanh tra Chính phủ đưa ra đã được Vietcombank chủ động phát hiện thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ, kịp thời có các biện pháp khắc phục, chấn chỉnh và xử lý nghiêm túc theo thẩm quyền.

Có những trường hợp Vietcombank chủ động cung cấp hồ sơ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, tòa án để đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hồi tháng 8.2017, UBND TP.Hồ Chí Minh đã có phản hồi và kiến nghị Thanh tra Chính phủ xem xét, điều chỉnh các nội dung kết luận về sai phạm tại 6 dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hợp đồng BT, BOT trên địa bàn.

Theo kết luận thanh tra, tại dự án xây dựng cầu Phú Mỹ và đường kết nối vào cầu Phú Mỹ (theo hình thức BT), Thanh tra Chính phủ kết luận, UBND TP không thực hiện việc xây dựng và công bố danh mục kêu gọi đầu tư; không tổ chức đấu thầu.

Tại phụ lục dự án bổ sung 2 nút giao Quốc lộ 1 với Tỉnh lộ 10 và Quốc lộ 1 với Tỉnh lộ 10B, lắp đặt dải phân cách giữa làn xe cơ giới trên Quốc lộ 1, đoạn An Sương - An Lạc (hợp đồng BOT), theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, thành phố đã sai phạm trong việc chỉ định Cty CP Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO làm chủ đầu tư mà không đăng tải phổ biến thông tin dự án để các nhà đầu tư khác tham gia…

Phản hồi quan điểm này UBND Thành phố cho rằng, TP giao Cty IDICO thực hiện dự án dựa trên chủ trương của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Với dự án Xa lộ Hà Nội (BOT), Thanh tra Chính phủ kết luận, việc quyết toán hơn 3,8 tỉ đồng tiền thuê nhà trạm Kinh Dương Vương là chưa đúng quy định của hợp đồng.

Theo UBND TP.Hồ Chí Minh, số tiền chênh lệch này là do chăm sóc, duy tu cây xanh trên các tuyến đường.

Cả TKV và EVN cùng chờ Thủ tướng phân giải

Tuần trước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng có phản hồi với quyết định truy thu 1.935 tỉ đồng của Bộ Tài chính vì bộ này xác định EVN đã cố tình hạch toán sai cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2012-2015 và vấn đề khoản chênh lệch tỉ giá 4.847 tỉ để né thuế.

EVN đưa ra căn cứ khẳng định mình không sai khi áp dụng các văn bản của Bộ Công Thương và việc EVN áp dụng đã được các cấp cho thẩm quyền cho phép.

Như vậy, cả hai tập đoàn lớn của Bộ Công Thương là TKV và EVN đều đang chờ người đứng đầu Chính phủ phân giải, mặc dù cả quyết định của Bộ Tài chính và Kết luận của Thanh tra Chính phủ đều đã được lưu số, ký tên, đóng dấu.

Đang thiếu chuẩn chung để áp dụng văn bản pháp lý

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Minh Phong - đánh giá: “Rõ ràng đang thiếu một chuẩn chung về pháp lý để có thể kết luận đúng hay sai. Thanh tra Chính phủ căn cứ theo cơ sở pháp lý, các tập đoàn như TKV hay Bộ Công Thương cũng phải giải trình theo cơ sở pháp lý.

Vấn đề là áp dụng văn bản quy định nào để làm căn cứ đánh giá dẫn tới việc kết luận đúng hay sai thì phải thống nhất được. Nếu việc áp dụng văn bản pháp luật để làm căn cứ ra kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ là đúng thì việc áp dụng văn bản, quy định của TKV và Bộ Công Thương là sai, trừ trường hợp có những chỉ đạo khác.

Thông thường phía Thanh tra sẽ căn cứ vào các điều luật hiện hành để làm cơ sở tuân thủ, đánh giá. Trong khi đó, bộ điều hành với các tập đoàn trực thuộc thì lại có thể có những sự du di, linh hoạt hoặc có chỉ đạo khác mà chúng ta không biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại