Đầu tiên, phải xin khẳng định luôn là công tác bán vé của VFF hiện tại đang tồn tại khá nhiều bất cập, và nạn phe vé vẫn tồn tại như rất nhiều năm qua. Phương thức bán vé của VFF chắc chắn phải được xem xét thấu đáo, thay đổi triệt để nhằm đưa tấm vé bóng đá để theo dõi đội tuyển về gần với giá trị thực, cũng như đến đúng địa chỉ hơn.
Tuy nhiên, ngay trong ngày hôm qua, bản thân VFF cũng đã xác nhận sẽ bán ra đến 25.000 vé thông qua hình thức trực tuyến ở vòng bán kết và chung kết AFF Cup 2018 (trong trường hợp đội tuyển Việt Nam đi được đến vòng này). Đấy là một sự cải thiện khá thiện chí và tiếp thu.
Song đi đôi với việc ấy, thì giờ đây VFF đang phải đối mặt với một sự trớ trêu, khi khả năng đến vòng đấu ấy, dẫu cho thầy trò HLV Park Hang-seo có lọt vào đến bán kết, rồi chung kết AFF Cup 2018, thì đã... chẳng cần phải bán vé nữa, bởi... có được đá ở sân nhà đâu mà bán vé.
Cổ động viên Việt Nam phải đội mưa, thức trắng đêm để mua vé.
Trên mạng xã hội, một số lượng không nhỏ các cổ động viên đã có vé xem trận Việt Nam gặp Malaysia trên sân Mỹ Đình (dĩ nhiên là vé bị mua với giá đắt) đang rủ nhau... đốt pháo sáng, cho bõ tức việc mất quá nhiều tiền để theo dõi trực tiếp những Công Phượng, Quang Hải, Văn Hậu.. thi đấu.
Theo báo Lao Động, mới đây đã có những CĐV khá tên tuổi trong làng bóng đá đến trụ sở VFF yêu cầu được mua vé để đổi lại việc không đốt pháo sáng ở trận đấu của đội tuyển Việt Nam.
Bên cạnh đó, không ít tên tuổi "cộm cán", quen mặt của giới cổ động viên Việt Nam, dẫu cho không tỏ rõ ý đồng tình với phương án đầy tính quá khích trên, nhưng cũng khôn khéo "cài" thông điệp "pháo sáng" vào những bình luận, bài viết của mình.
Mới tháng trước, VFF phải nộp phạt 12.500 USD vì cổ động viên Việt Nam đốt pháo sáng ở Asiad 2018. Kèm theo đó là lời cảnh cáo rằng nếu tình trạng này còn tái diễn, khả năng đội tuyển Việt Nam sẽ phải thi đấu trên sân trung lập là hoàn toàn có khả năng.
Hơm 3 tháng trước, trên Mỹ Đình, Đoàn Văn Hậu đã có cú trivela đậm chất siêu phẩm tung lưới U23 Oman. Khoảnh khắc ấy, đằng sau khung thành của đội khách là một khoảng xanh mênh mông. Màu xanh của ghế trống. Trận đấu ấy, màu xanh ghế trống trên tất cả các khán đài sân Hàng Đẫy đều nhiều hơn phần được lấp kín.
Nếu cháy trong mình là tình yêu bóng đá thực sự, yêu đội tuyển Việt Nam thực sự, thì liệu các cổ động viên bóng đá đang ấp ủ ý tưởng đốt pháo sáng trên Mỹ Đình, có phút giây nào đấy tự hỏi mình sao trận đấu ở giải tứ hùng chuẩn bị cho Asiad 2018 của U23 lại vắng đến thế, trong khi lại chen chúc nhau xem bằng được trận đấu với Malaysia tối thứ Sáu này?
Đằng sau bàn thắng đẳng cấp của Đoàn Văn Hậu là khán đài vắng vẻ ngày U23 Việt Nam thi đấu.
Với rất nhiều cổ động viên kêu gọi nhau đốt pháo sáng, có một lý do nghe chừng khá "hợp lý" - hợp lý kiểu Chí Phèo: Vé Mỹ Đình thì có rồi, nhưng vé Hàng Đẫy thì chưa mua được, cho nên cứ "chơi hết mình", phạt cũng chẳng sao bởi rốt cuộc mình cũng có xem được đâu.
Chẳng phải nói, chắc hẳn ai cũng biết thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ gặp phải khó khăn lớn thế nào khi bị cấm đá sân nhà. Chỉ cần thử hình dung phải gặp Campuchia trên sân Olimpic ở thủ đô Phnôm Pênh, với sức chứa 70.000 người và luôn được lấp kín bởi các cổ động viên cuồng nhiệt hàng đầu Đông Nam Á, ắt hẳn các tuyển thủ "lạnh lưng" đến nhường nào.
Cổ động viên ném pháo sáng ăn mừng chiến thắng của U23 VN.
Dĩ nhiên, trách nhiệm ban đầu thuộc về các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh cho trận đấu. Nếu lực lượng an ninh làm tốt, đúng chức trách của mình, thì việc pháo sáng lọt được vào sân đã là cực kỳ khó, chưa nói đến chuyện đốt trên sân, song trong câu chuyện pháo sáng này, thêm lần nữa sự xấu xí đang được bộc lộ, và nhận không ít sự cổ vũ.
Cổ động viên Nhật Bản từng được cả thế giới nghiêng mình với hành động nán lại dọn dẹp toàn bộ rác trên khán đài sau mỗi trận đấu thể thao. Cổ động viên Myanmar cũng đang được cả Đông Nam Á trầm trồ với hành động tương tự. Còn cổ động viên Việt Nam, chả nhẽ không có gì ngoài "đặc sản" pháo sáng ư?