Alibaba rơi vào khủng hoảng, đây là cách Jack Ma đã làm để "có chút thời gian để thở"

Pha Lê |

Khi nhận được nguồn đầu tư lớn, Alibaba của tỷ phú Jack Ma bỗng chốc rơi vào tình trạng khủng hoảng khi tìm cách tiêu hết số tiền khổng lồ này.

Tháng 10/1999, Alibaba dưới sự lãnh đạo của tỷ phú Jack Ma (Mã Vân) lần đầu tiên gọi vốn thành công từ tổ chức Goldman Sachs với khoản tiền đầu tư đầu tiên trị giá 5 triệu USD. Khoản đầu tư đầu tiên này đã quyết định quá trình quốc tế hóa của Alibaba.

Không lâu sau đó, tháng 1/2000, Nhà sáng lập của SoftBank – ông Masayoshi Son đã quyết định đầu tư 40 triệu USD cho công ty thương mại điện tử này. Nhận được nguồn tiền khổng lồ qua 2 đợt đầu tư, điều đầu tiên Mã Vân phải đối diện là làm sao để tiêu tiền.

Chuyển văn phòng công ty là việc đầu tiên Mã Vân làm sau khi nhận được tiền vốn. Bởi từ lúc Alibaba được thành lập, tất cả mọi người đều chui vào làm việc trong căn phòng rộng 150 mét vuông ở vườn hoa ven hồ.

Văn phòng mới mà Mã Vân lựa chọn là tòa nhà khoa học kỹ thuật Hoa Tinh nằm trên đường Văn Tam, cách vườn hoa ven hồ không xa. Tòa nhà khoa học kỹ thuật Hoa Tinh vừa được khánh thành không lâu nên tiền thuê cũng tương đối rẻ.

Sau khi số lượng nhân viên tăng lên đột ngột trong khi tòa nhà này không còn chỗ trống thì văn phòng của Alibaba phải phân bố ở tầng 3, tầng 8 và tầng 9. Suốt 7 năm sau đó, nhân viên của Alibaba vẫn phải làm việc trong tòa nhà này.

Alibaba rơi vào khủng hoảng, đây là cách Jack Ma đã làm để có chút thời gian để thở - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, Mã Vân muốn biến Alibaba trở thành một công ty toàn cầu hóa, một công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới nên đã thiết lập văn phòng đại diện ở Hồng Kông và Anh, thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm ở Thung lũng Silicon, thành lập những công ty liên doanh tại Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc, chuyển trụ sở chính đến Hồng Kông.

Tuy nhiên, chi phí cho trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm chỉ gồm 20 người ở Thung lũng Silicon đã cao gấp mấy lần so với công ty 200 người ở Hàng Châu, tiền lương hàng năm tính bằng đô la của mỗi người đều ở mức 6 con số trở lên.

Trong khi công ty vẫn chưa thu được lợi nhuận thì bong bóng internet bắt nguồn từ Thung lũng Silicon đã vỡ tung, chỉ số Nasdaq lao dốc điên cuồng khiến các nhà đầu tư bắt đầu siết chặt hầu bao.

Trong ngành internet, ngay cả những vụ đầu tư mạo hiểm đã chốt xong từ trước đó cũng đành phải lần lượt rút lui. Lúc này tài khoản của Alibaba chỉ còn lại 7 triệu đô la. CFO Thái Sùng Tín nói với Mã Vân rằng: "Nếu vẫn tiếp tục hoạt động theo mô hình trước kia, thì việc duy trì nửa năm thôi cũng là cả một vấn đề".

Nguy cơ hiển hiện ngay trước mắt. Để bảo vệ Alibaba, Mã Vân quyết định ngừng mở rộng, thu hẹp chiến tuyến, giảm chi phí, cùng với đó là cắt giảm nhân sự với quy mô lớn trên toàn cầu, dựa vào nguồn tiền còn lại cố gắng sống sót càng lâu càng tốt.

Từ Hàng Châu đến Thung lũng Silicon, tất cả các nhân viên có mức lương từ 6 con số (đô la) trở lên đều bị cắt giảm. 30 kỹ sư của Alibaba ở Thung lũng Silicon chỉ giữ lại 3 người, 30 người ở văn phòng đại diện tại Hồng Kông chỉ giữ lại 8 người, trang web ở Hàn Quốc đóng cửa hoàn toàn, nhân viên ở văn phòng đại diện Bắc Kinh cắt hẳn một nửa.

Ngoài ra, Mã Vân còn áp dụng chính sách "kinh phí về 0", ngân sách quảng cáo về 0, và chỉ ở khách sạn 3 sao khi phải đi công tác. Hành động thắt lưng buộc bụng này của Alibaba về sau được Mã Vân gọi là "trở về Trung Quốc"...

Trong khi lĩnh vực internet đang ở vào giai đoạn khó khăn nhất, Alibaba cũng rút lại chiến tuyến hải ngoại của mình và trở về Trung Quốc, chuyển trụ sở chính từ Thượng Hải về Hàng Châu, bắt tay làm việc một cách thực tế". Phương pháp mà Mã Vân áp dụng đã tạm thời làm dịu bớt nguy cơ của Alibaba, giúp Mã Vân có được chút thời gian để thở.

* Nội dung trích từ cuốn sách "Mã Vân giày vải" của tác giả Vương Lợi Phân - Lý Tường

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại