Tàu chở dầu bị tấn công gần Iran
Hai tàu chở dầu đã bị hư hại, nghi do bị tấn công ở vùng biển nằm giữa UAE và Iran, khi chúng rời vịnh Ba Tư. Đây là vụ việc thứ hai xảy ra trong vòng 4 tuần qua, làm dấy lên câu hỏi: Ai được lợi từ điều này? Và những lợi ích đó là gì?
Iran chắc chắn sẽ bị cáo buộc là “đạo diễn” đứng sau những cuộc tấn công. Tuy nhiên, trên thực tế, quốc gia vùng Vịnh này sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn là các lợi ích tiềm tàng nếu làm điều đó. Và cho dù Iran không có liên quan gì thì họ vẫn sẽ hứng chịu nhiều hệ lụy.
Tàu chở dầu đầu tiên thông báo gặp sự cố là Front Altair. Con tàu chở theo 75.000 tấn naphtha từ Abu Dhabi tới Nhật Bản, mặc dù khi sự việc xảy ra, nó đang phát tín hiệu điểm đến là Kaosiung, Đài Loan.
Hàng chục thuyền viên trên 2 tàu dầu bị tấn công đã được cứu thoát
Chiếc tàu thứ hai trong vụ việc là Kokuka Courageous của Nhật Bản, nó di chuyển từ Saudi Arabia tới Singapore, chở theo một lô methanol.
Bloomberg dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết, dường như cuộc tấn công ngư lôi đã gây nổ và làm bùng phát đám cháy trên tàu Front Altair. Trong khi đó, quản lý của tàu Kokuka Courageous ra thông báo cho biết “21 thủy thủ đã buộc phải rời tàu sau khi vụ việc xảy ra và gây hư hại cho mạn phải của tàu”.
Ai có lợi từ những vụ tấn công này?
Câu trả lời hiển nhiên là Iran. Nếu Tehran tấn công các tàu chở dầu rời vịnh Ba Tư thì dù bằng cách gián tiếp hay thông qua các lực lượng ủy nhiệm, Iran đã gửi đi một thông điệp rằng, việc di chuyển qua vị trí án ngữ quan trọng nhất trên thế giới đối với lưu lượng dầu toàn cầu sẽ không an toàn nếu không được Iran cho phép..
Nếu Tehran bị đẩy tới bờ vực của nền kinh tế do hứng chịu nhiều biện pháp trừng phạt thì họ sẽ không ngồi yên.
Các quốc gia khác trong khu vực sẽ phải trả giá thông qua hoạt động xuất khẩu dầu của họ, riêng Mỹ và đồng minh sẽ phải đối mặt với giá dầu thô cao hơn và sự gián đoạn đối với các nguồn cung.
Vị trí các tàu dầu bị tấn công.
Các công ty bảo hiểm trên thế giới từ lâu đã đánh giá việc vận chuyển qua vịnh Ba Tư rất nguy hiểm đối với tàu chở dầu.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn cách xa cấp độ căng thẳng từng tồn tại trong Cuộc chiến tàu chở dầu những năm 1980, khi đó, theo báo cáo của Viện Hải quân Mỹ, 451 tàu (29 chiếc trong số này là tàu chở dầu hoặc sản phẩm dầu mỏ tinh chế) phải hứng chịu một số cuộc tấn công trong khu vực.
Những vụ việc này xảy ra trong thời kỳ diễn ra Chiến tranh Iran-Iraq và “thủ phạm” chính là lực lượng của cả hai phía.
Hải quân Mỹ sau đó đã phải dùng đến các tàu hộ tống qua vịnh Ba Tư. Đó là một hoạt động đắt đỏ khi tiến hành nhiều lần và sẽ tró chân một phần lớn hạm đội của Mỹ, cũng như đồng minh trong khu vực.
Nó cũng sẽ làm gia tăng chi phí cho các nỗ lực của Mỹ nhằm chống lại Iran, khởi điểm bằng việc Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran trong tháng 5/2018.
Giá dầu thô Brent đã tăng tới 4,45% vào hôm qua, không lâu sau khi các cuộc tấn công nổ ra, mặc dù chỉ vài ngày trước nó đã chạm mốc thấp nhất kể từ cuối tháng 1. Hoạt động xuất khẩu dầu của Iran đã bị hạn chế nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và đẩy giá lên cao hơn là cách duy nhất để Iran tăng doanh thu. Tuy nhiên, những lợi ích này tương đối nhỏ.
Theo Bloomberg, có một nhóm khác sẽ được lợi từ vụ việc này, đó là những người muốn Mỹ đẩy mạnh chiến lược chống Iran và chuyển từ cuộc chiến kinh tế sang một cuộc đối đầu quân sự. Có rất nhiều người như thế, cả ở Mỹ, ở các nước đồng minh của Washington tại vịnh Ba Tư và tại khu vực Trung Đông.
Thời điểm xảy ra các cuộc tấn công cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi. Chúng xảy ra khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang tới thăm Tehran. Hôm thứ Tư, ông Abe đề nghị Tehran tránh xung đột bằng mọi giá và cam kết sẽ làm hết sức mình để giảm bớt căng thẳng giữa Iran và Mỹ.
Những chiếc tàu chở dầu bị hư hại hôm qua đang chở theo các lô hàng có liên quan tới Nhật Bản, theo như ông Hiroshige Seko - Bộ trưởng Công thương Nhật Bản - chia sẻ trên Twitter của bộ này.
Một ngày trước đó, Iran đã trả tự do cho một cư dân Mỹ bị giam giữ vì tội gián điệp.
Đây dường như là sự lựa chọn vụng về về mặt thời gian từ một quốc gia đang nhìn thấy những dấu hiệu đầu tiên của việc Mỹ có khả năng nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
Song sẽ là điều hoàn toàn dễ hiểu nếu đó là hành động của một bên đang đặt mục tiêu cuối cùng là phá vỡ mọi nỗ lực làm giảm căng thẳng giữa hai phía, và thay đổi chế độ cầm quyền tại Tehran. Bất cứ ai đứng sau các cuộc tấn công này đều không phải là bạn bè của Iran.
Mỹ tung bằng chứng Iran đứng sau vụ tấn công tàu chở dầu hôm 13/6